Trong bối cảnh án dân sự ngày càng gia tăng cả số lượng việc, tiền, nhiều vụ việc khó khăn phức tạp, toàn hệ thống đã nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương ngày càng phát huy được tính năng động, chủ động tự gỡ vướng, kịp thời thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, xử lý “điểm nóng”, “điểm nghẽn” trong quá trình làm nhiệm vụ.
Lập đoàn công tác trực tiếp
Tại Quảng Ninh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã lập Tổ công tác do Cục trưởng làm Trưởng đoàn để làm việc với 6/13 đơn vị có số việc và số tiền phải thi hành án lớn. Bên cạnh đó, Cục còn thành lập Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu do một Phó cục trưởng phụ trách công tác nghiệp vụ làm Tổ trưởng để phối hợp cùng với Ngân hàng Nhà nước và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức làm việc với các Chi cục Thi hành án dân sự có các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Kết quả 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đạt 71,3% về việc (cao hơn 3,93% so với cùng kỳ năm 2022); về tiền đạt 19,51% (cao hơn 7,83% so với cùng kỳ năm 2022). Đối với án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong 37 việc có điều kiện, tương ứng hơn 320 tỷ đồng; đạt 18,5% về việc và 17,48% về tiền.
Lập các đoàn công tác trực tiếp làm việc tại một số đơn vị có kết quả thấp cũng là giải pháp được Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng triển khai để xử lý dứt điểm những “điểm nóng”, “điểm nghẽn”. Qua buổi làm việc, lãnh đạo Cục và Chi cục tập trung phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các đơn vị.
Theo đánh giá chung, khâu quan trọng nhất là phân loại kỹ càng các vụ việc. Điều này giúp các đơn vị xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm án có điều kiện, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các vụ việc thi hành các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị trên 20 tỷ đồng, có điều kiện thi hành, đã quá 3 năm chưa thi hành xong…
Cục Thi hành án dân sự Lai Châu cũng thành lập Đoàn công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các Chi cục thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023. Đoàn công tác tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn đối với 100% hồ sơ thi hành án đang thi hành, nhất là kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên đối với án có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong, thống kê chính xác loại việc này, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp nhằm giảm lượng việc chuyển kỳ sau...
Tăng cường phối hợp liên ngành
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã chủ động ký kết nhiều Quy chế phối hợp liên ngành. Tại Đà Nẵng, Cục Thi hành án dân sự, Công an, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã ký Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự. Qua đó, mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác thực thi pháp luật, giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tồn đọng kéo dài, phát sinh từ hoạt động thi hành án dân sự, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp và điểm nóng trên địa bàn thành phố.
Đối với các cơ quan thi hành án dân sự Ninh Bình, công tác phối hợp với các ngành tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả cao. Các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hiện kế hoạch giám sát trong lĩnh vực thi hành án dân sự, xác minh phân loại án làm cơ sở cho việc tổ chức đôn đốc thi hành án có hiệu quả; phối hợp với Tòa án nhân dân hai cấp trong việc chuyển giao bản án, quyết định hoặc đính chính, giải thích những điểm bản án, quyết định tuyên chưa rõ theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh đã phối hợp tốt với Trại tạm giam Công an tỉnh, các trại giam thuộc Bộ Công an trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Các cơ quan đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về thi hành án ngay tại phiên tòa, động viên, thuyết phục bị cáo hoặc thân nhân của họ thực hiện ngay các nghĩa vụ dân sự tuyên trong bản án, góp phần thi hành dứt điểm bản án.
Tháo gỡ, giải quyết những vụ việc phức tạp
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái, hiện nay án dân sự có xu hướng ngày càng tăng về số lượng việc, tiền, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, gây ra không ít khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, toàn hệ thống phải thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, ngành giao chỉ tiêu đi đôi với việc xác định các giải pháp cụ thể, rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan trong hệ thống thi hành án dân sự từ Tổng cục, Cục, đến các Chi cục (trong quyết định giao chỉ tiêu đều xác định rõ các giải pháp đi kèm với việc xác định trách nhiệm của từng chủ thể từ Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện).
Bên cạnh đó, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các vụ việc khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành các vụ việc thu hồi tài sản tham nhũng, chỉ đạo thi hành dứt điểm các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng; tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự, nhất là công tác cán bộ và việc tháo gỡ, giải quyết những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh, thời gian tới, các cơ quan thi hành án dân sự sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp trọng tâm. Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến công tác thi hành án dân sự; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan trong quá trình tổ chức thi hành án.
Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tham mưu cho Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quan tâm, phối hợp chỉ đạo công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...