Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chỉ cách Trung Quốc một con sông Ka Long. Mặc dù dọc bờ sông Ka Long bên phía Việt Nam hầu hết là rừng núi, rất ít dân cư sinh sống nhưng ở đây lại đang tồn tại nhiều “đường mòn lối mở” dẫn từ đường chính ra tận bờ sông, chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp nhưng đủ rộng để xe tải chạy qua. Đây chính là những "con đường” đưa hàng lậu từ bên kia biên giới vào sâu nội địa Việt Nam .
Bờ sông KaLong là nơi thuận tiện vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nguồn: Internet
|
“Đường mòn lối mở” thực chất chỉ là con đường đất, nhỏ và ngắn bám vào bờ sông Ka Long như kiểu xương cá. Trên tuyến sông Ka Long có hàng chục “đường mòn lối mở” mà đối tượng buôn lậu thường hoạt động. Những ngày cận Tết Nguyên đán những “đường mòn lối mở” cũng đông người, xe qua lại hơn. Đã qua rồi, cái thời đám cửa vạn khom lưng cõng hàng lậu luồn rừng, leo núi, cũng đã qua rồi "binh chủng" xe min-khơ "xoáy nòng", "lên cốt" tăng tốc trên “đường mòn lối mở” chở hàng phi về phía chợ trung tâm thành phố Móng Cái. Hiện nay, hàng lậu được chở bằng các đò sắt qua sông Ka Long, cập bờ là có xe tải nhỏ đợi sẵn "ăn hàng" rồi phóng vào nội địa. Một số điểm đã trở thành điểm nóng của đối tượng buôn lậu như: "Cổ Ngỗng", "ông Liền", "bến Lợn"...
Theo nhiều người dân thành phố Móng Cái, thời điểm hàng lậu được đưa vào Việt Nam qua các “đường mòn lối mở” không theo một quy luật nào, khi thì sáng sớm, lúc nửa đêm, ngay cả giữa trưa, và theo các chủ hàng Trung Quốc hoặc theo con nước của sông Ka Long.
Để ngăn chặn hàng lậu nhập vào Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập một trạm kiểm soát liên hợp gồm lực lượng: Hải Quan, Thuế, Công an, chốt chặn trên đường 18 đoạn đầu thành phố - con đường độc đạo dẫn vào trung tâm thành phố Móng Cái. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tính, trạm trưởng cho biết, các đối tượng sau khi đã qua mặt các cơ quan chức năng ở khu vực bờ biên, vào đến nội địa, dùng biện pháp xé lẻ hàng hóa cất giấu trong các xe tải, xe khách, xe du lịch. Mỗi ngày đêm có tới khoảng 800 lượt xe qua trạm, trong khi lực lượng của trạm cũng chỉ kiểm soát bằng con mắt nghiệp vụ, ban đêm thì có chiếc đèn pin soi xét, nên cũng rất khó kiểm soát triệt để được hàng lậu qua trạm. Mặt khác, để tránh bị phát hiện khi qua trạm liên hợp, các đối tượng buôn lậu còn tìm cách đưa hàng về sâu nội địa bằng cách rẽ ngang tắt vào các đường dân sinh trước khu vực trạm, sau đó lợi dụng một số nhà dân tập kết hàng, chờ thời điểm thích hợp là cho xe chở đi tiêu thụ. Để chống hàng lậu “tận gốc”, chặt đứt chiếc “vòi bạch tuộc” gây nhức nhối nhiều năm có lẽ nên bắt đầu từ chính những "đường mòn lối mở" qua biên giới.
Theo số liệu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2011đã phối hợp, bắt giữ gần 400 vụ buôn bán, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới với các loại hàng chính như: quần áo, chân gà đông lạnh, hàng điện tử, chất ma tuý.... Tuy nhiên, đại tá Lê Tiến Thanh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho rằng, chưa thể kiểm soát triệt để được tình trạng buôn lậu qua biên giới do bờ biển dài, đối tượng buôn lậu khá tinh vi liều lĩnh, hoạt động không theo quy luật. Mặt khác cũng không tránh khỏi, có cán bộ chiến sỹ còn nơi lỏng chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ để bọn buôn lậu lợi dụng nên Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục quán triệt, giáo dục cán bộ chiến sỹ trong thực thi nhiệm vụ.
Đại tá Lê Tiến Thanh cho biết thêm, nhằm ngăn chặn buôn lậu từ “đường mòn lối mở”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã cử một tổ “đặc nhiệm” dải khắp khu vực bờ biên để phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu dịp Tết Nguyên đán. Về lâu dài, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Ninh, TP. Móng Cái, cũng như các huyện có chung biên giới Việt - Trung rà soát lại diện tích đất sát bờ biên của các hộ dân, doanh nghiệp để có phương án quản lý không cho đối tượng buôn lậu lợi dụng mang vác hàng. Cùng với đó, chính quyền, các phường, xã có bờ biên giáp ranh với Trung Quốc cần vào cuộc mạnh mẽ trong việc giáo dục công dân không buôn lậu, không mang vác tiếp tay cho đối tượng buôn lậu.
Mạnh Khánh