Liên tiếp các vụ dùng bạo lực sau va chạm giao thông
Ngày 9/12, chị Q.T.A. (23 tuổi, ngụ Quận 1) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Khánh Hội, hướng từ Quận 7 qua cầu Kênh Tẻ, khi đến trước nhà số 120 - 122 Khánh Hội (Phường 4, Quận 4) bị Bùi Thanh Khoa, điều khiển xe máy cùng chiều, ép vào dải phân cách giữa đường, dẫn đến va quẹt nhẹ.
Sau khi va chạm, Khoa dừng xe, dùng cùi chỏ tay trái đánh vào vùng đỉnh đầu và dùng chân phải đá vào mặt chị A. Khi chị A. đứng dậy, Khoa tiếp tục đánh đập nạn nhân và chỉ dừng lại khi một tài xế ô tô 16 chỗ can ngăn.
Chị A. đã đến trụ sở Công an Phường 4 trình báo sự việc và đến Bệnh viện Quận 4 khám vết thương; đồng thời có đơn yêu cầu giám định, xử lý hình sự đối với Khoa. Ngoài ra, chủ ô tô có camera ghi lại sự việc đã cung cấp dữ liệu cho cơ quan điều tra và đề nghị xử lý nghiêm hành vi côn đồ của đối tượng này.
Ngày 13/12, Công an Quận 4 đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Mới đây, tối ngày 15/12, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một tài xế ô tô đấm liên tục vào mặt người đàn ông đi xe máy trên đường Cống Quỳnh (Quận 1) khiến nhiều người dân bức xúc.
Qua xác minh, vụ việc xảy ra vào trưa 14/12, trên đường Cống Quỳnh, đoạn trước Bệnh viện Từ Dũ (phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1). Người bị đánh là ông T. (50 tuổi, ngụ Quận 1). Hình ảnh từ clip cho thấy nam tài xế xuống xe ô tô, liên tục đánh vào mặt ông T. . Thời điểm này, ông T. đang chở con gái đến trường học.
Sau khi xảy ra vụ việc, ông T. đã đến bệnh viện khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị xuất huyết ở mắt, mặt và chân cũng bị chấn thương. Gia đình sau đó đã trình báo Công an Quận 1.
Ngày 16/12, tin theo nguồn tin riêng của phóng viên báo Tin tức, Công an phường Phạm Ngũ Lão và các đơn vị nghiệp vụ Công an Quận 1 đã dựng lại hiện trường và mời tài xế ô tô hành hung ông T. lên làm việc.
Cần xử lý nghiêm
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và Cộng sự cho biết, những sự việc trên thể hiện tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng khi tham gia giao thông, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự xã hội. Đây không chỉ là vấn đề về ý thức, mà còn thể hiện sự coi thường quy tắc cuộc sống, pháp luật và đạo đức cộng đồng.
“Nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực khi tham gia giao thông là do y thức pháp luật kém, không chấp hành quy định giao thông và không có ý thức tôn trọng người khác. Ngoài ra, do tâm lý nóng nảy, không kiềm chế được sau khi xảy ra mâu thuẫn, nên thay vì giải quyết ôn hòa, họ lại phản ứng bằng bạo lực. Dù pháp luật có quy định về việc xử lý những vấn đề nêu trên, tuy nhiên việc thực thi chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tâm lý xem thường pháp luật của một nhóm đối tượng lấy bạo lực làm cách giải quyết, tấn công nạn nhân ngay cả khi họ không có lỗi. Hậu quả tác động tiêu cực của hành vi bạo lực khi tham gia giao thông là gây tổn thương về thể chất và tinh thần cho nạn nhân. Họ vừa phải chịu thương tích mà còn phải đối mặt với tổn hại tâm lý lâu dài”, Luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết.
Theo Luật sư Đào Thị Bích Liên, sử dụng bạo lực khi tham gia giao thông không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là biểu hiện rõ nét của sự thiếu văn hóa trong ứng xử và ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Những vụ việc hành hung, gây rối xuất phát từ mâu thuẫn giao thông không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tinh thần cho nạn nhân mà còn làm xói mòn trật tự xã hội, tạo tâm lý bất an cho người dân khi tham gia giao thông.
Để giảm thiểu tình trạng sử dụng bạo lực khi tham gia giao thông cần đẩy mạnh giáo dục ý thức giao thông, đặc biệt với các tài xế và nhóm người thường xuyên tham gia giao thông tại khu vực đông đúc; tuyên truyền về hậu quả pháp lý của các hành vi bạo lực, giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm khi tham gia giao thông; mở rộng lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm nóng về giao thông và hành vi bạo lực; khuyến khích người dân ghi lại hình ảnh, thu thập bằng chứng các vụ việc vi phạm để hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng.