Bộ Công an ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án với 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”... Bên cạnh đó, xuất hiện một số băng nhóm do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tổ chức tấn công vào hệ thống ngân hàng; sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động (BTS) nhắn tin để đánh cắp thông tin, lừa đảo; tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang các nước để lập các đường dây, ổ nhóm phạm tội sử dụng công nghệ cao vào trong nước, tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan Công an Việt Nam.  

Chú thích ảnh
Công an An Giang triệt phá thành công chuyên án đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Ảnh: TTXVN.

Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, hiện nay hình thức quảng cáo đánh bạc trực tuyến trên không gian mạng bằng tiếng Việt diễn ra công khai nhằm lôi kéo người chơi với nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi. Đã phát hiện, triệt phá các vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc với thủ đoạn mới. Các trang web đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài được các đối tượng trong nước câu kết với các nhà cái ở nước ngoài tổ chức “phát mạng” về Việt Nam, lập ra các đại lý phân cấp từ cao xuống thấp và chia tiếp thành nhiều nhánh cho người chơi theo mô hình đa cấp, khi bị phát hiện, các đối tượng cấp trên lập tức khoá mạng, xoá dữ liệu trong tài khoản cá cược. Việc trao đổi, bàn bạc chủ yếu thông qua điện thoại thường xuyên đổi số, sử dụng sim rác, hoặc qua mạng xã hội và các ứng dụng, phần mềm gọi, nhắn tin trên nền tảng di động có tính bảo mật cao; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sử dụng địa chỉ giao thức của Internet (IP) ảo, liên tục thay đổi mật khẩu tài khoản đánh bạc… gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước. Nổi lên với các thủ đoạn như thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền “ảo”, vàng “ảo”, ngoại tệ “ảo”, dự án bất động sản... hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo. Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, nhận việc làm tại nhà, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng, sau đó được nhận tiền công cộng với lãi đơn hàng và tiền thưởng.

Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, người lao động bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng. Lợi dụng hoạt động cho vay trên mạng, nhất là vay ngang hàng (P2P Lending) hoặc cố tình chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác để tạo cớ dẫn dụ nạn nhân vay tiền, cam kết thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, với lãi suất lên tới 90% - 100% nhằm chiếm đoạt tiền. Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp sim điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội.  

Thông qua hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt lợi dụng tình hình dịch bệnh đăng tin chào bán, quảng cáo vaccine COVID-19; rao bán các mặt hàng cấm như: vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất gây nghiện, giấy tờ giả, xương động vật quý... để chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử để giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước, bảo hiểm xã hội, tổ chức, ngân hàng, doanh nghiệp nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc giả mạo cung cấp thông tin, hỗ trợ cộng đồng hoặc khách hàng liên quan dịch bệnh COVID-19. Giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện qua giao thức Internet (VoIP) để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt…

Đại tướng Tô Lâm cho biết: Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước xây dựng, đăng tải hàng trăm phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật.  

Triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 311 vụ đánh bạc trên không gian mạng, chiếm 10,08% tổng số vụ đánh bạc trái phép... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 1.487 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm cả lừa đảo theo phương thức truyền thống và lừa đảo trên không gian mạng, với 1.543 đối tượng, trong đó đã đấu tranh, khám phá 1.049 vụ, với 1.304 đối tượng, đạt tỉ lệ 70%. Kết quả đấu tranh đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm sử dụng công cao, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.  

Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, cảnh báo người dân chưa được triển khai một các đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Nhiều hình thức đánh bạc hoạt động truyền thống có xu hướng sang hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện thuận tiện, bí mật hơn; khó xác định, ngăn chặn, thu hồi dòng tiền, tài sản có nguồn gốc từ đánh bạc chuyển dịch ra nước ngoài...

Còn tình trạng “SIM” rác, mua bán tài khoản ngân hàng; chưa có giải pháp quản lý các cuộc gọi VOIP để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản... Công tác hợp tác quốc tế, phối hợp đấu tranh xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, các nước bạn hợp tác hạn chế, hỗ trợ thiếu hiệu quả với các yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm của Công an Việt Nam.

Chú thích ảnh
Hà Nội triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm đánh bạc qua mạng trên địa bàn các quận, huyện. Ảnh: TTXVN.

Đại tướng Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên là do công tác quản lý nhà nước có nơi, có lúc, nhất là tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, ngân hàng, còn thiếu chặt chẽ là điều kiện phát sinh tội phạm. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa có cơ chế quản lý, dẫn tới công tác phối hợp, áp dụng pháp luật giữa các đơn vị còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, ngân hàng thường chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu tra cứu, xác minh địa chỉ IP, cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Công an. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng ngày càng tinh vi, khó phát hiện trong khi các trang web có máy chủ thường được đặt ở nước ngoài...

Những giải pháp lâu dài

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, đó là: Tập trung tham mưu với Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng.

Chủ động tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo “An toàn, an ninh mạng quốc gia”, các Tiểu ban tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, ngân hàng thương mại trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google...).

Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài (nhất là các nước trong khu vực ASEAN). Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, dễ tiếp cận, nhất là đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi. Thực hiện tốt công tác nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, rà soát, lên danh sách và có biện pháp quản lý nghiệp vụ với các đối tượng, băng, nhóm đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh, triệt phá.

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác khởi tố, điều tra, xử lý đối tượng phạm tội, nhất là với đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, lưu động một số vụ điển hình, dư luận quan tâm để răn đe, phòng ngừa chung. Nâng cao trình độ về pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho lực lượng làm công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. 

V.Tôn/Báo Tin tức
Ý kiến cử tri: Đảm bảo an toàn an ninh mạng, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao
Ý kiến cử tri: Đảm bảo an toàn an ninh mạng, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao

Ngày 10/8, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực, trách nhiệm của Bộ Công an.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN