Biến đất rừng thành biệt thự, nhà hàng

Tại xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nhiều nhà xây kiên cố, hiện đại dùng vào mục đích thương mại, đón khách du lịch đến nghỉ dưỡng ăn uống đã xuất hiện trên đất lâm nghiệp.

Theo Quyết định số 178/2001/QĐ - TTG của Thủ tướng Chính phủ về quyền lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, các hộ thuê đất rừng sẽ được xây dựng nhà tạm cấp 4 với diện tích dưới 200 m2 để trông coi sản xuất. Nhưng qua ghi nhận thực tế tại xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) cho thấy, nhiều nhà xây kiên cố, hiện đại dùng vào mục đích thương mại, đón khách du lịch đến nghỉ dưỡng ăn uống đã xuất hiện.

Còn dọc các xã Quang Tiến, Hiền Ninh, Tiên Dược xuất hiện nhiều biệt thự vườn, nhà hàng trên diện tích vài nghìn mét vuông, như khu du lịch sinh thái Phúc Lộc Thọ, nhà hàng Minh Phượng, khu yoga, nhà hàng Suối Di...

Ông Nguyễn Văn Đào, Chủ tịch xã Hiền Ninh cho biết, địa phương đã tiến hành kiểm tra các hộ dân thuê, được giao đất rừng trên địa bàn. Nhìn chung, các hộ dân có nhà, công trình trên đất rừng đều xây dựng từ năm 1999 - 2000. Gần đây, một số hộ dân có làm biển hiệu, quảng cáo các hoạt động ăn uống, sinh thái để thực hiện mục đích thương mại.

"Khách đến ăn uống, nghỉ dưỡng tại các nhà hàng kể trên không nhiều, phần lớn diễn ra vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động sai với quy định. Bởi lẽ, rừng sản xuất phải được dùng vào việc trồng cây, làm trang trại, sản xuất lâm nghiệp, còn việc kinh doanh dịch vụ là trái quy định", ông Đào cho hay.

Khó xác định ranh giới rừng

Lật từng trang hồ sơ, tài liệu về đất rừng mới thấy những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý đất rừng ở Sóc Sơn. Hiện tại, huyện Sóc Sơn có gần 4.600 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Theo đó, Trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội quản lý 2.095 ha, huyện Sóc Sơn quản lý 2.462 ha, nằm rải rác trên địa bàn 11 xã, thị trấn.

Đặc thù của rừng Sóc Sơn được chia làm nhiều loại, nhiều cấp quản lý như: UBND huyện giao bằng hình thức cấp sổ lâm bạ; UBND các xã giao lại cho hộ dân và hợp tác xã cũng tiến hành giao rừng; người dân tự khai hoang phục hóa rừng. Với việc nhiều cấp cùng thực hiện giao rừng, dẫn đến thực trạng quản lý, bảo vệ rừng ở Sóc Sơn thiếu chặt chẽ, không thống nhất. Chưa kể việc giao khoán cho các hộ trồng rừng được thực hiện theo phương thức thủ công và không tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục quy định, khó chính xác về diện tích...

Tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, hiện có rất nhiều nhà kiên cố, cao tầng được xây dựng khang trang, nằm xen giữa những vạt đồi rừng. Ông Ngô Văn Cam, Trưởng thôn Lâm Trường, cho biết, đất rừng ở đây được giao cho các hộ dân theo Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ, với hình thức hợp đồng khoán trông coi bảo vệ rừng, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình sử dụng từ đó đến nay, có nhiều hộ dân đã được cấp sổ lâm bạ, tổ chức xây dựng công trình, sang nhượng một phần diện tích cho người khác sử dụng.

Bà Trương Thị Mơ, cán bộ địa chính xã Minh Phú cho biết, do không xác định được mốc giới rõ ràng, chính quyền địa phương rất khó kiểm tra, xử lý những trường hợp sai phạm. "Nếu có mốc giới, đâu là đất rừng, đâu là đất ở, sẽ giúp chúng tôi quản lý, giám sát người dân, không cho phép họ sử dụng đất rừng vào việc làm nhà ở, hoặc không được phép chuyển nhượng", bà Trương Thị Mơ phân trần.

Chính từ sự không rõ ràng về mốc giới, ranh giới rừng, là kẽ hở để một số đối tượng mua bán, sang nhượng, làm giấy tờ giả để trục lợi, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn tiến hành cách chức, khai trừ Đảng, khiển trách, thậm chí xử lý hình sự đối với hơn 10 cá nhân về việc lợi dụng chức vụ, làm giấy tờ giả, sang nhượng đất rừng.

Bên cạnh đó, UBND huyện Sóc Sơn đã tiến hành tổ chức cắm mốc giới và xác định ranh giới rừng, đất lâm nghiệp ngoài thực địa, nhằm ngăn chặn những vụ việc vi phạm đất rừng. Đến nay, huyện Sóc Sơn đã thi công xong đúc mốc bê tông và đo dẫn tọa độ, xác định điểm mốc sơ bộ; thi công cắm mốc bê tông ra ngoài thực địa được 3.925/4.300 mốc; bàn giao 3.819 mốc cho 11 xã, thị trấn.

Cơ chế quản lý rừng

Theo UBND huyện Sóc Sơn, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để phát sinh vi phạm mới, đồng thời tiếp tục rà soát, phân loại các trường hợp xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp, báo cáo UBND thành phố để xử lý theo quy định; kiểm tra các hợp đồng giao khoán đất rừng để phân loại, thanh lý đối với các chủ rừng không thực hiện theo đúng hợp đồng.

Đề cập đến những khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng, ông Vương Văn Bút, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, việc giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện được UBND các xã, hợp tác xã, tiến hành giao theo phương pháp thủ công. Trong khi đó, việc lưu giữ hồ sơ, sổ sách đăng ký thống kê không được thực hiện chặt chẽ, việc quản lý chủ yếu dựa vào thực tế sử dụng.

Mặt khác, có nơi các hộ dân đến ở trước sau đó mới trồng rừng, dân cư sống xen kẽ trong rừng nên khi thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008 chưa bóc tách hết diện tích đất ở với đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, dẫn đến khi cắm mốc ranh giới đất rừng ngoài thực địa nhiều hộ dân không đồng thuận, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

Ông Vương Văn Bút cho rằng, cần phải có cơ chế, phân cấp rõ ràng giữa thành phố Hà Nội với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xử lý các công trình xây dựng vi phạm đất rừng. Đối với những diện tích đất rừng chưa được đo vẽ trên bản đồ, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cũng cần lập bản đồ địa chính về rừng. Đồng thời, cho phép địa phương điều chỉnh quy hoạch rừng để bóc tách diện tích đất ở đã được đo đạc tại bản đồ địa chính năm 1993 tỷ lệ 1/1000, với đất nông nghiệp trùng lấn ra ngoài quy hoạch rừng để đúng với thực tiễn.
Mạnh Khánh
Xây dựng trái phép trên đất rừng tại Sóc Sơn

Tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn diễn ra khá phổ biến. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã giao cho Hạt kiểm lâm Sóc Sơn rà soát, nắm tình hình và báo cáo với ngành chức năng để xử lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN