Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kon Tum (ảnh) có quy mô 50 giường bệnh do Sở Y tế Kon Tum làm chủ đầu tư, đây là một trong những công trình lớn của Trung ương, trọng điểm của Kon Tum trong giai đoạn 2006 - 2010, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh. Tổng mức đầu tư toàn công trình là gần 38,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 24 tỷ đồng... Công trình được xây dựng từ năm 2008 đến 2010 thì cơ bản hoàn thành việc xây dựng. Mặc dù vậy, 2 năm qua công trình đã bị “treo”, không thể đưa vào sử dụng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến công trình trọng điểm trên bị treo trong thời gian dài là do địa điểm xây dựng công trình bất hợp lý. Công tác khảo sát thiết kế, thẩm định chưa chặt chẽ, nên đã xây dựng công trình tại một quả đồi (dọc tỉnh lộ 671 thuộc địa bàn xã ChưHreng, thành phố Kon Tum), từ khi tiến hành xây dựng và hoàn thiện công trình, đơn vị thi công không thể tìm được nguồn nước để làm. Khi hoàn thành, mặc dù đơn vị khảo sát đã thực hiện 10 mũi khoan thăm dò trong khuôn viên rộng 2 ha của bệnh viện, nhưng vẫn không xác định được mạch nước ngầm. Đến khi phát hiện được nguồn nước thì đó là địa điểm ngoài vùng “phủ sóng”, cách xa bệnh viện 350 m. Chính vì vậy đã phát sinh nhiều vấn đề thêm ngoài dự toán như kinh phí bồi thường diện tích xây dựng giếng khoan, đường ống dẫn nước, đường dây điện 3 pha dẫn đến giếng khoan...
Ông Đỗ Thế Ân, Trưởng Ban quản lý các dự án xây dựng (Sở Y tế Kon Tum) khẳng định: Qua khảo sát, địa chất, địa hình công trình thì trong cơ cấu địa chất, công ty tư vấn có khảo sát 5 mũi khoan và mũi khoan sâu nhất là 10 m ở tại vị trí 8,5 m đã xác định có mạch nước và đơn vị tư vấn, khảo sát xác định và định vị giếng khoan. Trong khi đó, báo cáo của đoàn khảo sát thường trực HĐND khẳng định: “Việc xác định và lựa chọn địa điểm xây dựng bệnh viện chưa thật sự thuận lợi. Chưa khảo sát kỹ nguồn cung cấp nước là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư xây dựng...”.
Bên cạnh đó, mặc dù chưa đưa vào sử dụng, nhưng hiện tại chất lượng một số hạng mục công trình chưa đảm bảo (tường thấm), thiết kế công trình hoàn toàn không có cây xanh trong khuôn viên bệnh viện... Ngoài ra, mặc dù chưa có quyết định thành lập cũng như quyết định phê duyệt nhân sự để tổ chức hoạt động, nhưng tỉnh Kon Tum vẫn bố trí kinh phí trong dự toán chi sự nghiệp y tế ngay từ đầu năm 2012 này (số tiền gần 2,3 tỷ đồng) là chưa hợp lý...
Trước những bất hợp lý trên, đơn vị chủ quản công trình đã lập tức “chữa cháy” bằng cách thành lập bộ khung cho bệnh viện ngay trong ngày 11/7, sau khi bị HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp lần thứ 4 vừa qua. Theo bà Nguyễn Thị Ven, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum khẳng định: Từ ngày 12/7, bệnh viện đi vào hoạt động, bệnh nhân nào đến khám thì có thể tới bệnh viện khám tại các khoa phòng... Nói là vậy, nhưng thực tế, ngoài những vướng mắc trên thì các hạng mục khác như: Hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, trang thiết bị chưa đầu tư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa xong khi mặt tiền bệnh viện (trước cổng ra vào) vẫn còn 2 hộ gia đình chưa chịu nhận đền bù, hệ thống điện 3 pha (dùng giếng khoan)... vẫn chưa có. Với nhiều cái không trên thì không biết Bệnh viện Y học cổ truyền Kon Tum sẽ hoạt động như thế nào?
Bài và ảnh: Hoàng Cao Nguyên