Tòa quyết định bác đơn kiện của Vietart đối với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vì cho rằng Sở đã làm đúng quy trình, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Bản án nêu rõ, ngay từ khi Vietart nộp hồ sơ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý đúng quy định pháp luật, đúng thời gian. Hơn nữa, suốt quá trình xin cấp phép, Vietart không có bất kỳ khiếu nại nào. Khi chưa được cấp phép, Vietart đã tự quảng cáo bán vé trên mạng xã hội.
Hội đồng xét xử xác định, ngay từ đầu, Vietart đã không chủ động thực hiện đúng quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan. Thực tế, Vietart đã nhiều lần bị phản ánh đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc không tuân thủ quy định quyền tác giả. Vì vậy, khi xin cấp phép vở cải lương, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu Vietart bổ sung thêm thông tin là cần thiết.
Đối với nội dung khởi kiện liên quan đến việc chỉnh sửa kịch bản, Tòa nhận định, “Tiếng trống Mê Linh” là vở cải lương kinh điển tại Việt Nam, được công diễn lần đầu năm 1977, nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong lịch sử. Vở diễn để khơi dậy tinh thần yêu nước nhưng Vietart tập hợp nhiều diễn viên, nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ tự do, để tổ chức biểu diễn. Do đó, việc Sở yêu cầu chỉnh sửa kịch bản là đúng và "rất sâu sát" trong xem xét để doanh nghiệp tổ chức buổi biểu diễn đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Tòa còn tuyên buộc bên thua kiện là Vietart phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm và hơn 30 triệu đồng án phí dân sự.
Trong đơn khởi kiện, Vietart nêu: Ngày 5/8/2022, Vietart nộp hồ sơ đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xin tổ chức biểu diễn chương trình “Ngôi sao Phương Nam” số 10 với vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”. Trong hơn một tháng sau đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có 3 văn bản phúc đáp đề nghị Vietart bổ sung các hồ sơ liên quan. Ngày 3/10/2022, Sở chấp thuận tổ chức biểu diễn cho Vietart, trước thời điểm biểu diễn 9 ngày.
Công ty Vietart cho rằng 3 lần bị Sở làm khó. Quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã "có hành vi kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính", "yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định". Phía Vietart cho rằng, việc này đã "gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp" mà không có lý do hợp pháp.
Do thời điểm được cấp phép quá sát ngày biểu diễn (9 ngày), Vietart cho rằng không có đủ thời gian để quảng cáo, bán vé khiến chương trình bị thua lỗ. Hai đêm biểu diễn Vietart xuất 1.100 vé với giá trung bình 1 triệu đồng/vé, nhưng chỉ bán được 200 vé, thu về 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Vietart còn cho rằng, việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu tổng duyệt chương trình trước 3 ngày biểu diễn là không hợp lý bởi làm tăng chi phí ăn ở, vé máy bay. Hơn nữa, một vở cải lương nhưng lại tổng duyệt trên phông nền, sân khấu của đêm nhạc trữ tình là bất hợp lý. Do vậy, Vietart đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường thiệt hại hơn 670 triệu đồng chi phí sản xuất chương trình, 1.000 đồng tiền bồi thường về danh dự.
Trong văn bản gửi đến tòa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, ngoài vở kịch này, năm 2022, Vietart còn được cấp phép 4 chương trình nghệ thuật khác đúng thời gian nên không thể nói "Sở gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp". Với các yêu cầu bổ sung hồ sơ, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” chưa xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nên đơn vị mới đề nghị công ty này bổ sung văn bản chấp thuận. Về vấn đề đẩy thời gian tổng duyệt lên sớm hơn 3 ngày so với ngày biểu diễn, Sở cho rằng làm như vậy để có thời gian xem và thẩm định nội dung biểu diễn, đặc biệt là về lời thoại, trang phục diễn viên. Từ đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định không gây thiệt hại nên đề nghị Tòa bác toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của VietArt.
Sau khi Tòa cấp sơ thẩm tuyên án, đại diện Vietart cho biết phía công ty không đồng tình với phán quyết của Tòa và sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm.