Austnam phải ra hầu tòa do vi phạm bản quyền

Do vi phạm bản quyền phần mềm, Công ty Cổ phần Austnam, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất tấm lợp kim loại và các sản phẩm thép xây dựng, đang phải đối mặt với việc bị khởi kiện ra tòa. Đây là doanh nghiệp thứ hai vi phạm bản quyền phần mềm bị kiện ra tòa trong vòng 2 năm qua.

Kiên quyết xử lý

Ngày 28/10/2014, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi công văn thông báo chấp nhận thụ lý vụ án Tập đoàn Microsoft khởi kiện Công ty cổ phần Austnam về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả ”.

Theo đó, ngày 31/7/2013 Đoàn thanh tra Liên ngành, gồm Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, phối hợp cùng Cục Phòng, Chống tội phạm công nghệ cao C50 (Bộ Công an) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính của Công ty Cổ phần Austnam, có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.Việc thanh tra này được thực hiện theo quyết định số 176/QĐ - TTr ngày 30/07/2013 của Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra 22 máy tính đang hoạt động tại công ty này.

“Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Cổ phần Austnam chỉ xuất trình được 5 giấy cấp phép quyền sử dụng Microsoft Window XP và 5 giấy cấp phép quyền sử dụng Microsoft Office 2003m cùng các chứng từ thanh toán đi kèm. Tuy nhiên, đoàn thanh tra phát hiện ra công ty này đã sao chép và sử dụng nhiều phần mềm máy tính không có giấy cấp phép quyền sử dụng của Microsoft, Autodesk, Adobe và Lạc Việt, với tổng trị giá các phầm mềm bị sử dụng trái phép lên tới 42.256 USD. Austnam đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình đối với các phần mềm bất hợp pháp được tìm thấy và đã ký vào biên bản thanh tra”, đại diện đoàn Thanh tra cho biết.

Sau khi vụ vi phạm bị lập biên bản, Công ty Cổ phần Austnam và Tập đoàn Microsoft đã có những cuộc làm việc, đàm phán; tuy nhiên, hơn 1 năm trời, việc đàm phán đã không mang lại kết quả và tháng 4/2014, Tập đoàn Microsoft đã quyết định đệ đơn kiện Austnam ra tòa và Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận thụ lý vụ án.

Đại diện đơn vị bị xâm phạm, bà Rebecca Ho, người phát ngôn của Tập đoàn Microsoft về Thực thi sở hữu trí tuệ cho biết : “Là doanh nghiệp phần mềm phải chịu tổn thất nặng nề do hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền của các doanh nghiệp như công ty Austnam gây ra, chúng tôi hi vọng rằng, quyền lợi hợp pháp của chúng tôi sẽ được pháp luật bảo vệ. Năm ngoái, chúng tôi cũng đã yêu cầu công ty Gold Long John Đồng Nai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bồi thường những tổn thất mà công ty này đã cố ý gây ra cho chúng tôi”.

“Như vậy, Austnam sẽ là công ty thứ hai, sau công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam, bị kiện ra tòa vì hành vi vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của mình”, đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Như báo Tin Tức đã đưa tin, cuối năm 2013, Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam (Gold Long John Dong Nai), đã bị công ty Lạc Việt và công ty Microsoft Việt Nam cáo buộc hành vi sử dụng lượng phần mềm lớn bất hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của hai doanh nghiệp phần mềm này.

Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật

Với tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 11 điểm, từ 92% (năm 2004), xuống còn 81% (năm 2011), Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm. Tuy vậy, để đạt được mức trung bình của khu vực là 60%, thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

Một nghiên cứu mới đây của BSA - Liên minh Phần mềm và INSEAD, cho thấy, ở Việt Nam, cứ tăng 1% mức sử dụng phần mềm có bản quyền thì sẽ tạo ra được khoảng 87 triệu USD giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân, so với mức 37 triệu USD có được từ việc tăng tương tự đối với phần mềm lậu - có nghĩa là sử dụng phần mềm có bản quyền sẽ làm cho giá trị kinh tế tăng thêm được 50 triệu USD.

Về vấn đề này, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA Liên minh phần mềm, chia sẻ: “Việc copy và sử dụng lậu các phần mềm máy tính không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành phần mềm, mà còn làm thất thu thuế cho Chính phủ. Hơn thế nữa, vấn nạn này còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh cho chính các công ty kinh doanh trong cùng lĩnh vực. Tôi cho rằng không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam, mà các công ty nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam cũng cần phải tôn trọng luật pháp Việt Nam, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm máy tính. Việc tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhận thụ lý vụ kiện thứ hai một lần nữa thể hiện tính sẵn sàng của hệ thống tòa án trong việc xử lý những vụ việc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ”.

Với những động thái quyết liệt của các chủ sở hữu phần mềm bị vi phạm, cũng như quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống bản quyền, có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp phải có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc thực thi bản quyền phần mềm, xóa bỏ tình trạng “dùng chùa” hiện nay.

Anh Minh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN