Yếu tố cản trở ngành công nghiệp quân sự Israel thu lợi nhuận khổng lồ trong xung đột Gaza

Ngành quốc phòng của Israel đã kiếm được bộn tiền nhờ cung cấp vũ khí cho quân đội trong cuộc xung đột ở Gaza, với lợi nhuận lên tới hàng chục tỷ USD và lượng đơn hàng chưa hoàn thành tăng vọt lên hơn 50 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: RAFAEL Advanced Defense Systems

Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh và quan hệ quốc tế đã chỉ ra những lý do sẽ ngăn cản Israel duy trì được khoản lợi nhuận khổng lồ này trong thời gian dài.

Sau 7 tháng xung đột nổ ra ở Gaza, các công ty quốc phòng khổng lồ của Israel đã thu được lợi nhuận tăng gấp bội. Trong đó, Israel Aerospace Industries (IAI), Rafael Advanced Defense Systems và Elbit Systems đã chứng kiến giá cổ phiếu và lợi nhuận tăng kỷ lục, đạt doanh thu gần 15 tỷ USD trong năm 2023 và lượng đơn hàng tồn đọng trị giá tới 52,4 tỷ USD. Trong đó, nhà sản xuất quốc phòng Elbit Systems báo cáo doanh thu trong quý tăng 11,5%, đạt 1,55 tỷ USD trong quý 1 năm nay, so với mức 1,39 USD cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty sản xuất quốc phòng – từ thiết bị bay không người lái, xe bọc thép đến tên lửa tấn công và phòng thủ mà IDF đã sử dụng chống lại các tay súng Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Liban và lực lượng Houthi của Yemen – kỳ vọng thời kỳ tốt đẹp này sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.

Israel là một trong 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm gần 2,5% thị trường vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2019 - 2023. Các khách hàng hàng đầu của nước này bao gồm Mỹ, Anh, châu Âu, Azerbaijan, Ấn Độ. Trong đó, thiết bị bay không người lái và tên lửa của Israel là một trong những mặt hàng xuất khẩu được “săn đón” nhiều nhất.

Từ quý IV năm 2023, Tel Aviv đã cắt giảm xuất khẩu ra nước ngoài, khi ngành quốc phòng định hướng chuyển sang đáp ứng nhu cầu trong nước. Israel cũng được Mỹ viện trợ quân sự Mỹ, cho phép chính phủ nước này chi một phần trong các gói viện trợ trị giá hàng tỷ USD của Washington cho sản xuất vũ khí trong nước, hỗ trợ nghiên cứu phòng thủ tên lửa và không quân chung. Đây là những ưu tiên mà Washington không dành cho bất kỳ đồng minh lớn nào khác.

Theo các nhà quan sát, chiến dịch quân sự ở Gaza là tin vui đối với ngành công nghiệp vũ khí của Israel. Song giới chuyên gia chỉ ra rằng trong khi các tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Israel có thể hưởng lợi trong ngắn hạn từ sự gia tăng đơn đặt hàng hiện tại, thì danh tiếng ngoại giao của Tel Aviv sau cuộc khủng hoảng có thể không còn như trước.

Khi được hỏi liệu ngành công nghiệp quốc phòng của Israel sẽ được hưởng lợi hay bị tổn hại bởi các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ IDF ở Gaza, nhà quan sát quốc tế và chuyên gia quân sự kỳ cựu, cựu Trung tá Lục quân Mỹ Earl Rasmussen nhận định: “Tôi không nghĩ đây là buổi trình diễn vũ khí quân sự lừng lẫy nhất của Israel. Tôi nghĩ rằng một số nhu cầu của họ có thể giảm đi”.

Theo ông, danh tiếng chính trị của Israel đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Gaza.

“Về mặt chính trị, Israel đã tự cô lập mình vì cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza. Ukraine vẫn có thể hợp tác với Israel để mua bán vũ khí, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nhiều quân đội và quốc gia nước ngoài khác – những nước từng quan tâm đến một số công nghệ thực sự tốt của Israel - có thể do dự hơn, xem xét các cơ hội khác hoặc công nghệ cạnh tranh vì cuộc xung đột ở Gaza”, ông nói.

Chú thích ảnh
Xe tăng Israel. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cựu nhà ngoại giao kỳ cựu, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Iatly, Tiến sĩ Marco Carnelos, cũng đồng tình với đánh giá này. Ông nói rằng mặc dù về mặt quân sự, chiến dịch ở Gaza có thể mang lại một số lợi ích cho lực lượng quân sự của Israel, nhưng về mặt chính trị, đây có thể là hành động “tự sát”.

“Về mặt chính trị, tôi không thấy Israel được hưởng lợi gì khi tiến hành chiến tranh ở Gaza.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của nước này đã nhận được lệnh bắt giữ từ Tòa án Hình sự Quốc tế và một phán quyết về tội diệt chủng đang chờ thông qua đối với Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế”, ông Carnelos nói.

Theo ông, về mặt quân sự, lực lượng vũ trang của Israel đã có thêm kiến ​​thức và chuyên môn trong việc tiến hành chiến tranh đô thị ở Gaza trong 7 tháng qua. Và đây có thể là cơ hội để nước này thử nghiệm các kỹ thuật và vũ khí mới.

“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có đáng trải qua thảm họa chính trị này để có được kinh nghiệm quân sự tốt hơn không? Tôi thực sự nghi ngờ điều đó. Sức mạnh răn đe của Israel có lẽ đã kết thúc và hậu quả chính trị và chiến lược có thể rất lớn”, ông nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel cùng các khí tài quân sự được triển khai tại khu vực biên giới với Dải Gaza, ngày 21/1. Ảnh: THX/TTXVN

Quả thực, năng lực răn đe và danh tiếng của Israel trong mắt thế giới đã bị ảnh hưởng trong suốt cuộc chiến ở Gaza. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi Hamas chứng minh rằng phong trào này có thể tự chống đỡ trước các cuộc ném bom dữ dội của Tel Aviv suốt hơn bảy tháng qua.

Nhưng có lẽ chưa có sự kiện nào mà giới hạn sức mạnh của Tel Aviv được thể hiện rõ như trong cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa của Iran ngày 14/4. Iran đã nã nhiều quả đạn pháo vào căn cứ không quân ở vùng sa mạc Negev, cũng như một cơ sở thu thập thông tin tình báo ở miền bắc Israel, mặc dù đã có cảnh báo trước và hệ thống phòng thủ của Israel được củng cố bằng các khí tài quân sự của Mỹ, Anh và Jordan. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, các đối thủ của Israel đã có thể chứng minh rằng Tel Aviv, mặc dù là cường quốc quân sự trong khu vực, nhưng chắc chắn không phải là bất khả chiến bại.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Lãnh đạo quân đội Iran hé lộ chỉ sử dụng vũ khí lỗi thời trong cuộc tấn công Israel
Lãnh đạo quân đội Iran hé lộ chỉ sử dụng vũ khí lỗi thời trong cuộc tấn công Israel

Tehran chỉ sử dụng tên lửa lỗi thời nhưng đã buộc Tel Aviv và các đồng minh phương Tây phải sử dụng tối đa nguồn lực để phòng vệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN