Ý nghĩa chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe

Theo mạng tin “Stratfor”, chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là cơ hội để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương và bổ sung cho chính sách “Abenomics”.

Lịch trình chuyến thăm của ông Abe phản ánh mối quan hệ thân mật, biểu tượng và thực chất giữa chương trình nghị sự trong nước và khu vực đồng thời cũng phản ánh vai trò trung tâm mà mối quan hệ Nhật-Mỹ góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế cũng như an ninh khu vực và các mục tiêu ngoại giao.

Các cuộc gặp của ông Abe ở Boston, New York và Washington phản ánh nỗ lực của Tokyo muốn thoát khỏi những ràng buộc pháp lý và thực tiễn, nền tảng của quan hệ đối tác Mỹ-Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhật Bản muốn đóng vai trò chủ động hơn và tự chủ hơn trong việc định hình an ninh khu vực và động lực chính trị trên khắp châu Á, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 29/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Chuyến thăm Mỹ của ông Abe cũng đề cập đến khía cạnh chiến lược và thực tiễn trong nỗ lực muốn hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản. Hiệp định thương mại tự do với 12 quốc gia đang tham gia đàm phán, được biết đến với cái tên “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) là nội dung nổi bật trong các cuộc thảo luận của ông Abe với Obama và trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đã thông qua quyền đàm phán nhanh ngày 15/4, dù việc nhận được sự ủng hộ của cả hai viện quốc hội Mỹ vẫn chưa rõ ràng.

Đối với ông Abe, tầm quan trọng của thỏa thuận này là khá đa dạng. Ở mức độ rộng lớn nhất, TPP có tầm nhìn đa phương và là nền tảng cho nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc, thông qua việc tạo ra khung thể chế cho hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa các nước thành viên. Đồng thời, nó cũng tạo nhân tố hợp pháp quốc tế và sự cấp bách cho những nỗ lực của ông Abe muốn thúc đẩy những cải cách cơ cấu kinh tế xã hội nhạy cảm trong nước - “mũi tên thứ ba” của chương trình phục hồi kinh tế “Abenomics”.

Trong khi đó, bản thân Mỹ cũng muốn tạo sức ép lên Nhật Bản mở cửa các thị trường hàng hóa, vốn được bảo vệ chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - một thành tố quan trọng trong các cuộc đàm phán TPP của Nhật Bản. Việc giảm các chính sách bảo hộ này sẽ cho phép Nhật Bản thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài đồng thời cũng sẽ buộc nền kinh tế nước này phải cạnh tranh nhiều hơn với bên ngoài, giúp cải thiện năng suất và thúc đẩy tăng trưởng cho toàn nền kinh tế.

Washington và Tokyo đã nhất trí về một tuyên bố chung, trong đó có cam kết thực hiện tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế... Ảnh: AFP/TTXVN


Quyết định của ông Abe dành nửa cuối thời gian chuyến thăm Mỹ ở bang California có lẽ cũng quan trọng không kém so với các cuộc gặp ở bờ Đông nước Mỹ. Kể từ khi nhậm chức năm 2012, chính quyền Abe đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghệ thông tin như sự kế thừa mô hình dựa trên sản xuất phần cứng đã giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thần kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp nới lỏng việc tiếp cận vốn của các công ty khởi nghiệp nhằm khuyến khích sự chấp nhận rủi ro trong giới doanh nghiệp trong nước.

Đối với ông Abe, những nỗ lực này là một phần quan trọng không chỉ trong mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế ngắn hạn cải thiện việc làm, đặc biệt với giới trẻ, mà còn đảm bảo sự vượt trội về công nghệ của Nhật Bản so với nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong kỷ nguyên mà máy tính đang nhanh chóng thay thế các dây chuyền lắp ráp cũng như nguyên tắc tổ chức an ninh và chiến tranh, những lợi thế của việc phát triển ngành công nghệ thông tin đẳng cấp thế giới sẽ vượt ngoài khỏi các lợi ích kinh tế.

Chuyến thăm Mỹ của ông Abe cũng góp phần khẳng định tình hình địa chính trị Đông Á đang thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc sẽ phải trải qua một thập kỷ căng thẳng chính trị, kinh tế và xã hội to lớn, trong khi Nhật Bản ở thế sẵn sàng tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong các vấn đề kinh tế, quân sự và chính trị khu vực. Tuy nhiên, tình hình chính trị nội bộ ở Mỹ và Nhật Bản cùng với các yếu tố khác như mức độ gia tăng lực lượng lao động thiếu việc làm, sẽ tiếp tục cản trở những nỗ lực của chính quyền Abe trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của mình cho sự phục hưng của Nhật Bản. Nhật Bản có thể thực sự đạt được sự hồi sinh như vậy và thậm chí có thể phá vỡ trật tự chính trị và kinh tế sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Nhưng điều đó không có nghĩa những nỗ lực của ông Abe đại diện cho sự hồi sinh đó mà có thể chỉ đơn thuần là bước khởi đầu cho tiến trình này.


TTK

Triều Tiên chỉ trích phát biểu của Thủ tướng Nhật tại Quốc hội Mỹ
Triều Tiên chỉ trích phát biểu của Thủ tướng Nhật tại Quốc hội Mỹ

Triều Tiên đã phê phán Thủ tướng Nhật Bản không đưa ra lời xin lỗi về việc Nhật Bản cưỡng ép phụ nữ làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Thế chiến II.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN