Xung quanh vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ai Cập

Phân tích trên mạng "Tin Trung Đông", các chuyên gia quân sự cho rằng lô máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ dành cho Ai Cập là tín hiệu cho thấy Oasinhtơn ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi và lực lượng Anh em Hồi giáo.


 

Máy bay chiến đấu F-16 nằm trong hợp đồng mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ai Cập. Ảnh: Lockheed Martin

 

Thông tin về việc Mỹ sẽ chuyển cho Ai Cập các máy bay chiến đấu F-16 trong vài tuần tới đã khuấy động bầu không khí chính trị ngột ngạt hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này. Nhiều nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận trên hoàn toàn mang mục đích chính trị vì việc mua thêm số vũ khí này sẽ không thể làm thay đổi cán cân quyền lực chiến lược trong khu vực. Các thỏa thuận mua vũ khí tương tự dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak chưa từng gây tranh cãi đến mức như vậy. Tuy nhiên, yếu tố mới ở đây là việc lực lượng Anh em Hồi giáo vừa lên nắm quyền, điều khiến nhiều chính khách ở cả hai nước lo ngại.


Một số phe phái ở nước ngoài, các đối thủ chính trị của Anh em Hồi giáo ở trong nước và cả Đảng Tự do và Công lý (FJP), nhánh chính trị của tổ chức này, đang muốn nới lỏng quan hệ chiến lược giữa hai nước. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ mới đây cho biết, Oasinhtơn sẽ hỗ trợ chính quyền mới ở Ai Cập miễn là Cairô vẫn cam kết tiếp tục tiến trình chính trị hiện nay. Đối với Mỹ, vấn đề quốc phòng quan trọng hơn vấn đề chính trị, ngay cả khi thỏa thuận vũ khí với Ai Cập đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi chính trị ở đâu đó.


Vị quan chức này cũng tiết lộ rằng, thỏa thuận trên không kèm theo bất kỳ yêu cầu an ninh nào có liên quan tới tình hình hiện nay ở Ai Cập, ví dụ tình hình ở Bán đảo Sinai. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với kết quả phiên họp thường niên lần thứ 28 Ủy ban liên hợp quốc phòng Mỹ - Ai Cập được tổ chức tại Cairô cách đây vài tuần. Tại phiên họp này, Mỹ đã tái khẳng định sự cần thiết duy trì quan hệ đối tác và hợp tác từ 3 thập kỷ qua giữa hai nước. Việc Ai Cập được Mỹ tiếp tục đánh giá là nền tảng trong tầm nhìn chiến lược của nước này là yếu tố đảm bảo cho thỏa thuận mua bán máy bay F-16 được thông qua.


Hiện Ai Cập có khoảng 200 chiến đấu cơ F-16 và đang hướng tới việc sở hữu 20 chiếc nữa thuộc các phiên bản được nâng cấp. Ixraen chỉ có khoảng 102 chiếc F-16 song sẽ tiếp tục giữ ưu thế quân sự khi được bàn giao các chiến đấu cơ F-35. Với khả năng tàng hình, mẫu chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ năm này được phát triển để thực hiện các cuộc tấn công mặt đất, các nhiệm vụ trinh sát và phòng không. Dự kiến, loại vũ khí này sẽ được đưa vào phục vụ ít nhất trong hai năm nữa. Tuy nhiên, Ixraen sẽ nhận được những chiếc F-35 đầu tiên ngay khi chúng xuất hiện trên thị trường quốc tế. Với loại vũ khí hết sức hiện đại này, Ixraen sẽ giữ ưu thế vượt trội về quân sự không chỉ so với Ai Cập mà còn so với tất cả các quốc gia Arập khác. Điều này chỉ khẳng định rằng thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ai Cập hiện nay sẽ không tạo ra bước chuyển biến nào về mặt cân bằng chiến lược.


Tuy nhiên, thỏa thuận này có khá nhiều ý nghĩa ở trong nước. Dù biết rằng những chiến đấu cơ này không có mấy ý nghĩa về mặt cán cân quân sự, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn cảm thấy phải có động thái gì đó trước sự thay đổi chính trị tại Ai Cập khi ông Mohamed Morsi và lực lượng Anh em Hồi giáo lên nắm quyền. Việc ký kết thỏa thuận mua bán vũ khí này vào ngày 11/12, ngay giữa lúc nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại ông Morsi tại Quảng trường Tahrir, đã chuyển tải các thông điệp chính trị tới ba lực lượng chính trên chính trường Ai Cập. Trước hết là ông Morsi với thông điệp: "Chúng tôi ủng hộ ông. Hãy tiến lên phía trước". Tiếp đó là lực lượng quân đội với thông điệp: "Chúng tôi đang cổ vũ cho ông Morsi". Cuối cùng là phe đối lập với thông điệp tương tự: "Chúng tôi cần phải nhắc lại rằng ông Morsi đã được thử thách trong cuộc chiến mới đây của Ixraen tại Dải Gaza và đã vượt qua thử thách một cách dễ dàng".


Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Ai Cập Hussein Haridi cho rằng thỏa thuận mua bán chiến đấu cơ F-16 trên là dấu hiệu cho thấy một sự ủng hộ chưa từng thấy đối với ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo. Đây là điều đáng tiếc vì nó khiến mọi người hiểu rằng Anh em Hồi giáo lên nắm quyền nhờ được Mỹ chấp thuận, đi kèm theo đó là sự "cung phụng" của tổ chức này. Do vậy, Quốc hội Mỹ sẽ không can thiệp trừ phi Anh em Hồi giáo hành động vượt quá khuôn khổ thỏa thuận với Oasinhtơn, điều không chỉ bóp nghẹt lực lượng quân đội Ai Cập mà còn khuấy động bất ổn tại Ai Cập. Theo ông Haridi, Anh em Hồi giáo hiểu rất rõ các quy tắc và không có ý định phá vỡ chúng.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN