Xung quanh việc Mỹ đưa ra quyết định then chốt tăng cường sức mạnh không quân Ukraine - Kỳ cuối

Việc Mỹ phê duyệt thương vụ cung cấp huấn luyện quan trọng, bảo dưỡng và trang thiết bị cho lực lượng chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine phản ánh mục tiêu lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Washington: thúc đẩy ổn định ở châu Âu thông qua một lực lượng không quân Ukraine có năng lực.

Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ trong xây dựng năng lực không quân cho Ukraine

Chú thích ảnh
Hạ sĩ không quân Jonathan Miskelley, nhân viên vận hành khu vực bốc xếp của Phi đội Cảng hàng không 436, đang bốc dỡ hàng hóa trong một nhiệm vụ hỗ trợ an ninh tại Căn cứ Không quân Dover, bang Delaware, ngày 13/1/2023. Ảnh: Không quân Mỹ

Việc Ukraine tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 đánh dấu sự chuyển hướng lớn từ các máy bay thời Liên Xô như MiG-29 và Su-27, vốn tuy vẫn có năng lực nhưng không tương thích với tiêu chuẩn và khả năng tác chiến hiện đại của phương Tây. Tính linh hoạt của những chiếc tiêm kích F-16 cho phép Ukraine thực hiện nhiều loại nhiệm vụ, từ tác chiến phòng không chống tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái (UAV) đến các cuộc không kích chính xác vào mục tiêu mặt đất.

Các đồng minh châu Âu của Ukraine như Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ đã cam kết chuyển giao tổng cộng 79 chiếc F-16, trong đó Đan Mạch bàn giao lô đầu tiên gồm 19 chiếc vào tháng 8/2024. Những tiêm kích này, được nâng cấp hệ thống điện tử và vũ khí, giúp Ukraine tăng cường bảo vệ không phận và hỗ trợ chiến dịch trên bộ.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng thương vụ được đề xuất phù hợp với những đóng góp quốc tế này, thúc đẩy sự hội nhập sâu hơn với các đồng minh NATO và cải thiện hiệu quả tác chiến của Ukraine.

Hợp phần huấn luyện trong gói viện trợ đặc biệt quan trọng khi Ukraine chuyển đổi sang lực lượng không quân tiêu chuẩn phương Tây. Phi công và kỹ thuật viên Ukraine đã được đào tạo tại Mỹ và châu Âu từ năm 2023, thông qua các chương trình do Không quân Mỹ và các quốc gia đồng minh tổ chức.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ lưu ý rằng thương vụ sẽ tăng cường khả năng tương tác thông qua đào tạo toàn diện, cho phép phi công Ukraine tận dụng tối đa khả năng của F-16 trong các kịch bản phức tạp như không kích tầm thấp hoặc phòng không chiến thuật.

Ví dụ, F-16 có thể triển khai bom GBU-39 đường kính nhỏ, có tầm bắn trên 60 dặm (hơn 96km), giúp tấn công chính xác vị trí đối phương trong khi giảm thiểu rủi ro từ hỏa lực phòng không. Khóa huấn luyện cũng giúp các tổ bay Ukraine làm quen với quy trình tác chiến NATO, tạo điều kiện cho các chiến dịch phối hợp với lực lượng đồng minh.

Lịch sử vận hành cho thấy F-16 đã chứng minh hiệu quả trong nhiều xung đột, từ Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 đến các chiến dịch của NATO ở Balkans và Trung Đông. Nhờ khả năng thích ứng và nâng cấp liên tục, F-16 vẫn giữ vai trò chủ lực, với hơn 4.500 chiếc được sản xuất và hơn 25 quốc gia sử dụng.

So với các mẫu chiến đấu cơ của Liên bang Nga như Su-35 hay MiG-35 thì F-16 có lợi thế về hệ thống điện tử và tích hợp vũ khí, dù máy bay Liên bang Nga có lực đẩy và tải trọng lớn hơn. Thế mạnh của những chiếc tiêm kích F-16 nằm ở khả năng tác chiến mạng lưới. Đối với Ukraine, đây là một bước tiến lớn, cho phép phối hợp thời gian thực với các hệ thống tình báo và trinh sát của đồng minh.

Việc duy trì đội tiêm kích hiện đại là một thách thức lớn, nhất là trong điều kiện xung đột vẫn diễn ra. Các căn cứ không quân của Ukraine thường xuyên bị tên lửa và thiết bị bay không người lái tấn công, đòi hỏi hệ thống hỗ trợ mặt đất vững chắc để duy trì nhịp độ tác chiến.

Việc thương vụ bao gồm trang thiết bị mặt đất và hỗ trợ sửa chữa nhằm giải quyết nhu cầu này, đảm bảo F-16 có thể được bảo trì hiệu quả. Việc cung cấp phụ tùng từ cả sản xuất mới và khung máy bay đã ngừng hoạt động giúp giảm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hà Lan đã cam kết 80 triệu euro cho phụ tùng và thiết bị bảo trì, bổ sung nỗ lực của Mỹ. Na Uy cũng cấp khoản viện trợ trị giá 118,8 triệu USD thông qua cơ chế JUMPSTART của Mỹ để hỗ trợ phụ tùng F-16.

Việc phê duyệt thương vụ diễn ra vào thời điểm then chốt, khi Ukraine tìm cách tăng cường phòng không trong bối cảnh các mối đe dọa khu vực thay đổi. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ cho biết Ukraine sẽ không gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và tích hợp các mặt hàng và dịch vụ này vào lực lượng vũ trang, phản ánh nền tảng đã được xây dựng thông qua các chương trình huấn luyện và bàn giao trước đó.

Gói viện trợ được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực tự vệ cho Ukraine mà không làm thay đổi cán cân quân sự khu vực. Các nhà thầu chính, bao gồm Lockheed Martin, BAE Systems và AAR Corporation, sẽ đóng vai trò chính trong việc cung cấp thiết bị và dịch vụ, tận dụng chuyên môn trong bảo trì F-16.

Không có thêm nhân sự Mỹ nào được triển khai đến Ukraine trong khuôn khổ thương vụ này, nhằm giảm thiểu sự can dự trực tiếp nhưng vẫn tối đa hóa hiệu quả thông qua hỗ trợ của các nhà thầu.

Trong bối cảnh rộng hơn, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bao gồm viện trợ quân sự quy mô lớn, với hơn 31 tỷ USD vũ khí và thiết bị đã được cam kết kể từ năm 2022 theo cơ chế Quyền rút vốn của tổng thống (Presidential Drawdown Authority - PDA). Tuy nhiên, thương vụ lần này là giao dịch thương mại, thực hiện qua hình thức bán hàng thương mại trực tiếp (DCS).

Trước đó, vào tháng 12/2024, Mỹ đã phê duyệt một gói bảo trì F-16 trị giá 266,4 triệu USD, bao gồm các mặt hàng tương tự như hệ thống JMPS và thiết bị nạp khóa mã AN/PYQ-10.

Tính chất tăng dần của các thương vụ phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm xây dựng năng lực cho Ukraine theo thời gian, đảm bảo tính bền vững và khả năng tự chủ trong vận hành.

Về mặt kỹ thuật, yêu cầu bảo trì của F-16 đã được ghi chép đầy đủ, với thời gian trung bình giữa các lỗi đủ để hỗ trợ tần suất xuất kích cao nếu được hỗ trợ đúng cách. Việc tập trung vào sửa chữa và phụ tùng thay thế phù hợp với thực tiễn quản lý đội bay tốt nhất, giúp giảm nguy cơ máy bay nằm đất.

Việc bao gồm phần mềm mật, có khả năng liên quan đến lập kế hoạch nhiệm vụ và tác chiến điện tử, nhấn mạnh vai trò nhân lên sức mạnh của F-16, giúp Ukraine đối phó với các mối đe dọa tinh vi như hệ thống phòng không và tiêm kích Liên bang Nga. Ví dụ, Su-35 được trang bị radar tiên tiến và tên lửa tầm xa, nhưng độ cơ động và vũ khí tiêu chuẩn NATO của F-16 đem lại lợi thế trong một số tình huống.

Liên minh quốc tế hỗ trợ chương trình F-16 của Ukraine cho thấy tính chất hợp tác của nỗ lực này. Đan Mạch đã bàn giao các tiêm kích Block 20 MLU được trang bị radar AN/APG-66(V)2 và tương thích với tên lửa AIM-120 AMRAAM, tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Ukraine.

Hà Lan và Na Uy đã cam kết cung cấp thêm máy bay và tài nguyên, trong khi Bỉ cam kết hỗ trợ huấn luyện. Liên minh này, chính thức thành lập năm 2023 dưới tên gọi “liên minh tiêm kích,” nhằm xây dựng năng lực F-16 bền vững cho Ukraine, với vai trò trung tâm của Mỹ trong đào tạo và hậu cần.

Tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ rằng thương vụ này hỗ trợ mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ phản ánh mục tiêu lớn hơn: thúc đẩy ổn định ở châu Âu thông qua một lực lượng không quân Ukraine có năng lực.

Khi Ukraine tích hợp các nguồn lực này, yếu tố then chốt quyết định thành công lâu dài của F-16 là đào tạo và bảo trì. Lịch sử vận hành cho thấy F-16 có thể thích ứng với nhiều môi trường chiến đấu, nhưng thành công phụ thuộc vào khả năng duy trì và khai thác hiệu quả của Ukraine.

Việc nhấn mạnh vào hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật trong thương vụ nhằm giải quyết thách thức đó, tạo nền tảng cho hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nguồn cung và chuyên môn từ nước ngoài cũng đặt ra câu hỏi về mức độ tự chủ của Ukraine trong tương lai.

Liệu Ukraine có thể phát triển hạ tầng để duy trì một lực lượng không quân hiện đại một cách độc lập, hay sẽ tiếp tục phụ thuộc vào hỗ trợ phương Tây? Tình huống này — tuy không riêng Ukraine — cho thấy những phức tạp trong việc chuyển đổi sang quân đội tiêu chuẩn NATO giữa thời chiến.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Tổng thống Ukraine: Không chịu trách nhiệm cho những gì diễn ra ở Nga vào Ngày Chiến thắng
Tổng thống Ukraine: Không chịu trách nhiệm cho những gì diễn ra ở Nga vào Ngày Chiến thắng

Theo Điện Kremlin, lãnh đạo của khoảng 20 quốc gia, bao gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã nhận lời mời tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít do Liên bang Nga tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN