Xung quanh việc Mỹ đưa ra quyết định then chốt tăng cường sức mạnh không quân Ukraine - Kỳ 1

Việc Mỹ phê duyệt thương vụ cung cấp huấn luyện quan trọng, bảo dưỡng và trang thiết bị cho lực lượng chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine phản ánh mục tiêu lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Washington: thúc đẩy ổn định ở châu Âu thông qua một lực lượng không quân Ukraine có năng lực.

Bên trong thương vụ mang tính dấu mốc 

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ F-16 bay trên bầu trời Ukraine ngày 4/8/2024. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một thương vụ quân sự nước ngoài tiềm năng trị giá 310,5 triệu USD cho Ukraine, nhằm cung cấp huấn luyện quan trọng, bảo dưỡng và trang thiết bị cho lực lượng chiến đấu cơ F-16 của nước này.

Theo chuyên trang quân sự bulgarianmilitary.com ngày 3/5, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về quyết định này, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ năng lực phòng không của Ukraine.

Gói viện trợ, do chính phủ Ukraine yêu cầu, bao gồm nâng cấp máy bay, huấn luyện nhân sự, phụ tùng thay thế và hỗ trợ phần mềm để đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu cho những chiếc tiêm kích F-16. Động thái này là một phần của nỗ lực quốc tế rộng lớn nhằm hiện đại hóa không quân Ukraine trong bối cảnh các thách thức khu vực đang diễn ra.

Thương vụ cho thấy cam kết của Mỹ trong việc tăng cường an ninh cho một đối tác quan trọng tại châu Âu, với việc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng điều này sẽ giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa hiện tại và tương lai thông qua đào tạo phi công nâng cao và khả năng tương tác với lực lượng Mỹ.

Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon là một loại máy bay tiêm kích đa nhiệm một động cơ do tập đoàn General Dynamics (nay là tập đoàn Lockheed Martin) phát triển, trở thành trụ cột của nhiều lực lượng không quân trên thế giới kể từ khi ra mắt vào cuối thập niên 1970. Được thiết kế để thực hiện cả nhiệm vụ tác chiến không đối không lẫn không đối đất, với tính cơ động cao, được hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và một tổ hợp vũ khí đa dạng, F-16 trở thành một nền tảng chiến đấu lợi hại. Với thân nhẹ, được trang bị động cơ phản lực Pratt & Whitney F100 hoặc General Electric F110, F-16 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2 và bán kính chiến đấu hơn 340 dặm (hơn 547km).

Được trang bị radar AN/APG-66 hoặc phiên bản nâng cấp AN/APG-68, F-16 có thể nâng cao khả năng ngắm bắn chính xác trong khi việc tích hợp nhiều loại vũ khí như tên lửa AIM-120 AMRAAM, bom đường kính nhỏ GBU-39 và bom dẫn đường JDAM giúp F-16 tấn công được nhiều mục tiêu khác nhau.

Các tiêm kích F-16 của Ukraine, chủ yếu là phiên bản Block 15 và Block 20 Mid-Life Update (MLU) do các nước châu Âu cung cấp, được trang bị hệ thống điện tử hiện đại hơn như máy tính nhiệm vụ cải tiến và thanh nhắm mục tiêu kiểu Litening hoặc Sniper, giúp thực hiện các cuộc tấn công chính xác và tích hợp với vũ khí tiêu chuẩn hiện đại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thương vụ được phê duyệt bao gồm một loạt các hạng mục thiết bị không thuộc loại vũ khí chính nhằm duy trì và nâng cao năng lực cho lực lượng tiêm kích F-16 của Ukraine. Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, gói này bao gồm các nâng cấp và sửa đổi cho máy bay, đảm bảo chúng duy trì khả năng hoạt động.

Huấn luyện nhân sự sẽ bao gồm huấn luyện cho phi công, kỹ thuật viên bảo trì và nhân viên hậu cần, tập trung vào chiến thuật vận hành và quy trình duy trì lực lượng. Việc cung cấp phụ tùng thay thế, vật tư tiêu hao và dịch vụ sửa chữa-hồi hoàn nhằm giảm thiểu thời gian dừng hoạt động, trong khi trang thiết bị mặt đất sẽ giúp vận hành hiệu quả tại các căn cứ không quân Ukraine.

Phần mềm mật và không mật cùng với tài liệu kỹ thuật sẽ hỗ trợ lập kế hoạch và thực thi nhiệm vụ, với các công cụ như Hệ thống Lập Kế hoạch Nhiệm vụ Chung (JMPS) cho phép điều phối chính xác các chiến dịch phức tạp. Chính phủ Mỹ và các nhà thầu như Lockheed Martin Aeronautics, BAE Systems và AAR Corporation sẽ đảm nhiệm hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ ước tính tổng chi phí là 310,5 triệu USD, phản ánh phạm vi rộng lớn của gói viện trợ.

Thương vụ này nối tiếp các nỗ lực gần đây nhằm tăng cường chương trình F-16 của Ukraine, bao gồm việc chuyển giao các khung máy bay F-16 đã ngừng hoạt động từ Nhóm Bảo trì và Tái sinh Hàng không Vũ trụ số 309 (AMARG) tại Căn cứ Không quân Davis-Monthan ở Arizona.

Cuối tháng 4, các nguồn tin cho biết Mỹ đã bắt đầu rút các khung máy bay F-16 không còn sử dụng từ “nghĩa địa máy bay” để lấy phụ tùng chuyển cho Ukraine. Những khung này, chủ yếu là loại F-16 Block 15 đời cũ, tương thích với F-16AM do châu Âu cung cấp cho Ukraine, cung cấp các linh kiện quan trọng như thiết bị điện tử, càng đáp và bộ phận kết cấu.

Tờ The War Zone đưa tin động thái này cho thấy sự cấp thiết trong việc duy trì đội F-16 non trẻ của Ukraine, vốn phụ thuộc vào nguồn cung phụ tùng liên tục để duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Dù chương trình tại Davis-Monthan là riêng biệt với gói 310,5 triệu USD, nhưng nó cho thấy cách tiếp cận đa phương trong hỗ trợ không quân Ukraine — kết hợp thiết bị mới, huấn luyện và linh kiện tái sử dụng.

Đón đọc kỳ cuối: Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ trong xây dựng năng lực không quân cho Ukraine

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Tổng thống Ukraine: Không chịu trách nhiệm cho những gì diễn ra ở Nga vào Ngày Chiến thắng
Tổng thống Ukraine: Không chịu trách nhiệm cho những gì diễn ra ở Nga vào Ngày Chiến thắng

Theo Điện Kremlin, lãnh đạo của khoảng 20 quốc gia, bao gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã nhận lời mời tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít do Liên bang Nga tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN