Vấn đề đặt ra hiện nay là bên nào có khả năng cầm cự, duy trì thế trận lâu hơn khi xung đột chuyển sang giai đoạn chiến tranh tiêu hao ở Donbass, với điểm nóng là thành phố Severodonetsk. Ukraine hiện chỉ tập trung kháng cự tại khu công nghiệp nằm ở cực tây của Severodenetsk, trong khi Nga mở rộng được vùng kiểm soát thêm khoảng 450 km2 kể từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 vừa qua.
Dường như cả Nga và Ukraine đều không có ý định tạo ra bước ngoặt quyết định trên chiến trường. Thay vào đó, cả hai đều kỳ vọng đối phương sẽ suy yếu trong một hình thái chiến tranh tiêu hao. Giao tranh trong 4 tháng qua khiến Nga và Ukraine đều phải gánh chịu những tổn thất.
Tính tại thời điểm đầu tháng 6, lực lượng, phương tiện Nga tham chiến tại Ukraine rút xuống chỉ còn khoảng trên 50% về quy mô so với thời kỳ đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 31/5 thừa nhận mỗi ngày có từ 60-100 binh sỹ Ukraine thiệt mạng trên chiến trường ở Donbass, chưa kể khoảng 500 binh sỹ bị thương. Mức thương vong này tương đương với nhiều trận đánh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Giới chức phương Tây nhận định số liệu mà Ukraine đưa ra là tương đối chính xác.
Vậy khi chiến tranh phát triển sang trạng thái xung đột tiêu hao, Nga hay Ukraine sẽ chiếm ưu thế? Một nhân tố quan trọng giúp trả lời câu hỏi chính là khả năng duy trì lực lượng binh sĩ, vũ khí, thiết bị, đạn được ổn định. Đến thời điểm này, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn từ chối thực hiện lệnh tổng động viên quân dự bị. Nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy Bộ Quốc phòng Nga có thể tuyển dụng đối tượng nam giới có kinh nghiệm, thực tiễn quân sự.
Với Ukraine là câu chuyện khác. Khó khăn với Kiev không phải là vấn đề về tuyển mộ binh sỹ, mà là không có đủ lực lượng để huấn luyện. Điều này đặt ra khó khăn với kế hoạch xây dựng hoàn chỉnh 6 lữ đoàn mới, với tổng quân số 25.000 binh sỹ - lực lượng mà giới chức Ukraine cho rằng cần có để mở các cuộc phản công nhằm vào lực lượng Nga và phe đòi độc lập ở miền đông và miền nam.
Nhưng nếu chiến tranh kéo dài nhiều tháng, thậm chí là hàng năm - kịch bản mà giới chức Mỹ và châu Âu đang tính đến, vũ khí viện trợ của phương Tây sẽ giữ vai trò thiết yếu. Mỹ, Australia và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều đã gửi thêm pháo, đạn dược, phương tiện chiến đấu tới Ukraine trong tháng qua, cam kết chuyển giao hệ thống pháo phóng loạt (HIMARS) có tầm bắn xa.
Nhưng tốc độ chuyển giao, sử dụng không thể nhanh được như mong muốn của Ukraine. Lầu Năm góc cho biết cần tối thiểu ba tuần để huấn luyện binh sỹ Ukraine làm chủ và sử dụng thành thạo hệ thống HIMARS.
Ukraine hiện rơi vào tình cảnh cạn kiệt hoặc sắp cạn kiệt nhiều chủng loại đạn dược theo chuẩn từ thời Liên Xô – ông Michael Kofman, chuyên gia đến từ Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nhận định. Kho đạn dữ trữ tại các nước từng là thành viên khối Warszawa, như Ba Lan, cũng sắp cạn. Nếu quân đội Ukraine có thể chuyển đổi thích ứng sang hệ thống vũ khí chuẩn NATO, các nước phương Tây sẽ có điều kiện để khởi động một chiến dịch trợ giúp dài hơi hơn.
Nhưng nhiều nước châu Âu cũng bắt đầu cạn một số chủng loại vũ khí chuyển giao cho Ukraine, như tên lửa chống tăng. Phải mất nhiều năm mới có thể mở rộng sản xuất, bù đắp vào kho dự trữ đã xuất. Cũng không đơn giản để Ukraine làm chủ vũ khí mới. Nhiều khẩu đội pháo thuộc diện hàng viện trợ tới Ukraine đã buộc phải chuyển ngược sang Ba Lan để sửa chữa. Trong khi Nga vẫn có ưu thế về vũ khí, hỏa lực.
Trên thực địa, cả Nga và Ukraine đến lúc nào đó sẽ phải giảm giao tranh, có thời gian để hồi phúc, xốc lại đội hình. Nhưng rồi sau đó sẽ lại là đối đầu, đụng độ. Nga cho rằng chiến tranh kéo dài sẽ tạo ra rạn nứt ngày càng lớn trong lòng châu Âu và quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Giá nhiên liệu tăng, lạm phát cao, đứt gãy kinh tế sẽ khiến các bên phải vào cuộc đàm phán.
Nhưng ở bên kia vẫn còn đó tiếng nói ủng hộ Ukraine theo đuổi một cuộc chiến kéo dài. “Chúng ta không thể lặp lại sai lầm một lần nữa… Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài”, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas phát biểu ngày 6/6, với dẫn chứng được cho là thất bại của châu Âu liên quan đến vụ Nga tấn công Gruzia năm 2008 cũng như thỏa thuận Minsk do Pháp, Đức đứng ra làm trung gian sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm 2014.