Sau nhiều tuần phát tín hiệu cộng với những đồn đoán, nhóm các nước tiêu thụ dầu lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản..., đã công bố một kế hoạch phối hợp để giải quyết chi phí năng lượng tăng cao bằng cách giải phóng dầu thô từ các nguồn dự trữ chiến lược. Câu hỏi bây giờ là liệu động thái này có hiệu quả hay không.
Trong một hành động phối hợp hiếm hoi với các quốc gia tiêu thụ dầu khác, chính phủ Mỹ ngày 23/11 cho biết họ có kế hoạch xuất tới 50 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của mình. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cũng tham gia vào nỗ lực này.
Quyết định khai thác kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc ngăn giá nhiên liệu tăng đè nặng lên người Mỹ vốn đã bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhưng quyết định đó cũng mang đến những rủi ro, bao gồm cả phản ứng dữ dội có thể xảy ra của nhóm OPEC +, đe dọa hủy bỏ bất kỳ biện pháp cứu trợ nào. Và với rất nhiều ẩn số còn tồn tại, bao gồm cả việc liệu dầu có phải là loại hàng hoá mà thị trường Mỹ đang tìm kiếm hay không, thật khó để khẳng định liệu các hộ gia đình Mỹ có chứng kiến giá nhiên liệu được can thiệp kịp thời để ngăn chặn một mùa nghỉ lễ cuối năm đắt đỏ hay không.
Dưới đây là những phân tích của Bloomberg về vấn đề này.
Dầu dự trữ sẽ được tung ra thị trường nhanh chóng như thế nào?
Bộ Năng lượng Mỹ đang cung cấp 32 triệu thùng dầu thô dưới hình thức trao đổi và 18 triệu thùng dưới hình thức bán trước, đã được Quốc hội phê duyệt. Giá thầu cho giao dịch này kết thúc vào ngày 6/12. Đối với những người nhận dầu từ chương trình trao đổi, nguồn cung dự kiến sẽ chuyển giao từ tháng 1-4/2022, mặc dù một số lượng nhất định có thể có sớm nhất vào cuối tháng 12 năm nay. Đối với số dầu bán, cuộc đấu thầu sẽ không được công bố trước ngày 17/12. Sau đấu thầu, có thể mất nhiều tuần mới giao hàng thực tế, đồng nghĩa là rất ít hy vọng giá nhiên liệu sớm được "giải cứu".
Ai sẽ nhận được dầu?
Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ cung cấp dầu cho các nhà thầu đủ điều kiện, bao gồm các công ty dầu mỏ lớn và các công ty thương mại quốc tế.
Trong các đợt phát hành Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) trước đây, các nhà máy lọc dầu được nhận dầu bao gồm các công ty lớn như Marathon Petroleum và Exxon Mobil. Các hợp đồng trước đây cũng được cấp cho các công ty thương mại như Trafigura (Thuỵ Sĩ) và Unipec của Trung Quốc. Một số lượng trong lần bán trước cũng đã được gửi ra nước ngoài. Danh sách những bên được nhận dầu lần này sẽ có trước ngày 14/12.
Dầu dự trữ hiện đang ở đâu?
Bộ Năng lượng Mỹ vận hành 4 kho chứa dưới lòng đất, ở Texas và Louisiana mỗi bang có 2 kho. Mỗi địa điểm gồm một loạt hang nhân tạo bên dưới mặt đất. Mỗi hang có thể nằm sâu trên 1000 mét bên dưới mặt đất, có chiều rộng và dài trung bình là 60 mét, chiều sâu 600 mét, có khả năng chứa từ 6 đến 37 triệu thùng dầu.
Mỹ đã chi gần 4 tỉ USD để xây dựng các cơ sở dự trữ này. Việc dự trữ dầu mỏ trong các hang ngầm là để giảm thiểu chi phí so với dự trữ trên mặt đất.
Tổng hợp lại, Mỹ hiện dự trữ khoảng 606 triệu thùng, mức ít nhất kể từ năm 2003 bởi vì Bộ Năng lượng đã bán bớt dầu dự trữ theo một chương trình do chính phủ ủy quyền.
Loại dầu thô nào được xuất kho?
Bộ Năng lượng Mỹ chưa công bố chi tiết cụ thể về loại dầu thô được cung cấp, nhưng có đưa ra một số manh mối. Hai địa điểm dự trữ dầu ở Texas sẽ xuất mỗi nơi tối đa 10 triệu thùng, trong khi 5 triệu thùng được xuất từ một địa điểm ở Louisiana. Ba địa điểm này chủ yếu là những nơi chứa dầu thô chua, vốn giàu lưu huỳnh.
7 triệu thùng khác sẽ được xuất tại hầm chứa còn lại ở Louisiana, nơi chứa phần lớn dầu thô ngọt. Điều này là quan trọng bởi vì các loại dầu thô chua đã không còn được ưa chuộng bởi các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu vì nó đòi hỏi nhiều công đoạn chế biến hơn, thường cần khí đốt tự nhiên đắt đỏ.
Xả dầu có “hạ nhiệt” được giá năng lượng?
Mọi người đã nói về khả năng này trong một thời gian dài đến nỗi nhiều nhà giao dịch nói rằng kế hoạch xuất dầu dự trữ thậm chí đã được tính vào giá dầu.
Cũng có một nỗi lo sợ rằng các quan chức OPEC +, vốn không thích bị chỉ đạo, có thể phản ứng bằng cách hủy bỏ kế hoạch thúc đẩy sản xuất của chính họ, vô hiệu hoá tác dụng của việc bổ sung dầu dự trữ ra thị trường. Một sự bế tắc như vậy có thể gây ra một cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu.
Nói tóm lại, những người tiêu dùng đang tìm kiếm sự nhẹ nhõm ở trạm bơm xăng có thể sẽ thất vọng khi không thấy giá xăng giảm trong nhiều tháng, nếu có.