Quốc gia Nam Mỹ, chiếm một nửa dân số lục địa, đang bị "huỷ diệt" bởi virus. Theo Our World in Data, chỉ riêng ngày 18/6, Brazil đã chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới - một con số mà các chuyên gia cảnh báo đang nhanh chóng tăng lên khi virus lây lan khắp đất nước không được kiểm soát.
Theo các chuyên gia, con số 500.000 người chết cao gấp đôi so với 6 tháng trước, một dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong đang tăng nhanh.
"Vào tháng 6 năm ngoái, chúng tôi vượt 50.000 ca tử vong vì COVID-19. Chỉ trong một năm, chúng tôi đã nhân con số này lên gấp 10 lần. Thật quá đáng sợ", nhà khoa học thần kinh người Brazil Miguel Nicolelis phát biểu. Ông từng dự đoán hồi tháng 1 rằng đất nước sẽ đạt 500.000 ca tử vong trong tháng 7. "Vào thời điểm đó, mọi người nghĩ rằng con số tôi đưa ra đã được phóng đại", Nicolelis nhớ lại.
Brazil đã phải chịu hậu quả từ việc triển khai tiêm vaccine chậm chạp và việc chống lại các biện pháp ngăn chặn dịch của chính Tổng thống Jair Bolsonaro, người luôn xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của virus. Không bị phong toả và chỉ có 11,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ, quốc gia này được coi là "kho chứa các biến thể mới" và ngày càng bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Cho đến nay, hơn 100 quốc gia đang hạn chế nhập cảnh với người Brazil, theo Bộ Ngoại giao nước này.
Áp lực lên chính phủ liên bang ngày càng gia tăng. Những cuộc biểu tình chống Tổng thống Bolsonaro diễn ra ngày 19/6 trên khắp đất nước - ở Sao Paulo, Rio de Janeiro, Brasilia, Salvador và Recife - và thậm chí những người đang bị cách ly cũng đổ xuống đường.
Hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch
Với Pedro Hallall, một nhà dịch tễ học và là giáo sư tại Đại học Liên bang Pelotas (UFPel), số người tử vong cao cho thấy sức mạnh của chính phủ liên bang trong việc chống lại các biện pháp kiểm soát dịch ở địa phương. Ông Hallal nói: “Không có cách nào để thực hiện một cuộc phong toả mà không có chính phủ liên bang, do quy mô và tầm quan trọng của nó”.
Tổng thống Bolsonaro đã nhiều lần xem thường mức độ nghiêm trọng của đại dịch, gọi COVID-19 là "bệnh cúm nhẹ". Ngoài ra, kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch toàn cầu, ông đã tham gia ít nhất 84 cuộc tụ tập đông người, theo một cuộc khảo sát của tờ O Globo (Brazil).
Theo Giáo sư Hallal, các nỗ lực của chính phủ trung ương và địa phương nhằm thiết lập các quy trình cơ bản đối phó đại dịch bao gồm xét nghiệm, theo dõi và cách ly người nhiễm bệnh, được thực hiện yếu ớt tại Brazil.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Lancet của Hallal vào đầu năm nay ước tính rằng cứ bốn ca tử vong thì có thể tránh được ba trường hợp nếu Brazil tuân thủ các quy trình cơ bản về đại dịch. Nhóm nghiên cứu của Hallal ước tính có 4 trong số 5 ca tử vong có thể được ngăn chặn nếu chính phủ chiến đấu thực sự với căn bệnh này.
"Chúng tôi thấy đại dịch trên thế giới đang chững lại nhưng gia tăng ở Brazil. Điều gì đằng sau điều này?... Toàn bộ người Brazil chúng tôi đều đã mất đi người thân, rất khó để tìm được một người Brazil không mất đi ai đó gần gũi mình. Chúng tôi đã cảnh báo nhưng họ vẫn không làm gì trong thực tế”.
Bỏ qua đề nghị vaccine giá rẻ từ Pfizer?
Một cuộc điều tra của Quốc hội Brazil (CPI) vào đầu năm nay về việc xử lý đại dịch của các cấp chính quyền khác nhau, đang xem xét liệu chính phủ liên bang có cố ý trì hoãn việc triển khai vaccine theo miễn dịch cộng đồng hay không.
CPI phát hiện ra rằng chính phủ Brazil đã bỏ qua 81 email từ tập đoàn dược phẩm Pfizer, công ty đã đề nghị hợp đồng bán vaccine cho Brazil từ tháng 8 năm ngoái, với giá chỉ bằng một nửa so với Mỹ.
Một trong những nhiệm vụ của CPI là điều tra việc chính phủ liên bang áp dụng và quảng bá các loại thuốc chưa được chứng minh về hiệu quả chống lại COVID-19, chẳng hạn như hydroxychloroquine, làm ảnh hưởng đến việc áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn đã được chứng minh, chẳng hạn như vaccine, sử dụng khẩu trang và hạn chế tiếp xúc xã hội.
Đăng cai giải Copa America
Giữa hỗn loạn của tình trạng khẩn cấp đại dịch, Brazil lại đề nghị đăng cai Copa America, giải bóng đá hàng đầu của Nam Mỹ, sau khi Argentina và Colombia từ chối đăng cai sự kiện này.
Giải đấu ban đầu được đồng tổ chức bởi Argentina và Colombia, nhưng ban tổ chức ở hai nước đã quyết định rút lui do tình hình bất ổn xã hội bởi đại dịch. Trong khi đó, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố Brazil sẽ đăng cai giải, bất chấp sự phản đối rộng rãi và nỗ lực tẩy chay sự kiện của các tuyển thủ quốc gia.
Tính đến ngày 18/6, 63 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến giải đấu đã được Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (Conmebol) xác nhận, 14 trường hợp trong số đó thuộc đoàn Venezuela.
"Do chúng tôi không phong toả và không đóng cửa không phận, Brazil ‘nhập khẩu’ các biến thể từ khắp nơi trên thế giới. Biến thể mới là C37 (biến thể Andean) sau khi Brazil tiếp nhận một số đoàn từ khu vực này đến dự giải. Copa America cho thấy chính quyền liên bang không tôn trọng sự sống như thế nào”, nhà khoa học thần kinh người Brazil, Nicolelis nói.
Làn sóng thứ ba và xa hơn
Ông Nicolelis nói rằng ông không thể dự đoán giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng ở Brazil sẽ như thế nào. "Mỗi làn sóng có một đặc thù. Làn sóng thứ ba, ít nhất là ở Sao Paulo, diễn ra khác với những đợt trước”.
Hallal nói rằng nếu không có các biện pháp hạn chế và ngăn chặn, số người chết ở Brazil sẽ tiếp tục tăng lên cho đến khi vaccine được tiêm cho ít nhất 40% dân số.
Ở giai đoạn này, tác động lâu dài đối với hàng triệu người bị nhiễm virus cũng không thể dự đoán được, nhưng một nghiên cứu mới đưa ra một bức tranh tương lai nghiệt ngã: 23% những người bị COVID-19 ở Mỹ còn phát triển một loại bệnh tim mãn tính, bệnh đường hô hấp, thần kinh hoặc tâm thần.
"Khi nhìn vào số lượng người được ‘phục hồi’, trong tương lai sẽ có hàng triệu người đòi hỏi tất cả các loại nhu cầu về dịch vụ từ hệ thống y tế công cộng Brazil (SUS) về các bệnh mãn tính. Về lâu dài, nhu cầu này sẽ bùng nổ”, ông Nicolelis cảnh báo thêm.