Theo hãng tin AP, Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km, cải tiến vũ khí điện tử để giảm bớt lợi thế của Ukraine về máy bay không người lái và biến những quả bom hạng nặng từ kho vũ khí thời Chiến tranh Lạnh thành đạn dẫn đường chính xác có khả năng tấn công các mục tiêu mà không gây nguy hiểm cho các chiến đấu cơ của mình.
Chiến thuật thay đổi của Nga cùng với việc tăng quân số và cải tiến vũ khí có thể khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc giành được bất kỳ chiến thắng quyết định nhanh chóng nào, và có nguy cơ biến nó thành một trận chiến tiêu hao kéo dài.
Hầu hết sự chú ý trong tuần trước tập trung vào thảm họa lũ lụt ở miền nam Ukraine do đập Kakhovka bị phá hủy mà cả hai bên đổ lỗi cho nhau.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, quân đội Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công ở một số khu vực của mặt trận mà cho đến nay chỉ đạt được những lợi ích nhỏ trước hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 10/6 cho biết "các hành động phản công và phòng thủ đang được tiến hành", đồng thời khẳng định rằng các chỉ huy của ông đang có suy nghĩ "tích cực" về thành công của nó.
Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng cuộc phản công đã bắt đầu, nhưng Ukraine đã không đạt được bất kỳ bước tiến nào và chịu tổn thất “đáng kể”.
Sir Richard Barrons, một vị tướng đã nghỉ hưu từng đứng đầu Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên quân Anh, cho biết quân đội Nga đã xây dựng các tuyến phòng thủ "chuẩn chỉ" và điều chỉnh chiến thuật sau cuộc rút lui vội vã khỏi các khu vực rộng lớn ở Kharkiv và Kherson vào mùa thu năm ngoái.
Ông chỉ ra rằng năng lực của Nga đã được cải thiện trong cả việc chống lại và sử dụng máy bay không người lái, đồng thời lưu ý rằng Moskva đã học được cách đảm bảo an toàn cho các tài sản quan trọng như trụ sở chỉ huy và kho đạn ngoài tầm bắn của pháo binh.
Mặc dù vậy, ông Barrons nhận xét rằng, một yếu tố chính vẫn đang hạn chế khả năng của Nga là quyết định không cho lực lượng không quân tiến sâu vào Ukraine sau khi chịu tổn thất nặng nề ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Nhờ được cung cấp vũ khí phương Tây, phòng không Ukraine giờ đây trở thành một thách thức còn ghê gớm hơn đối với máy bay Nga.
Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cũng lưu ý rằng Moskva đã duy trì lợi thế về quân số và vũ khí.
Ông thừa nhận thành công của Nga trong việc tấn công các kho quân sự của Ukraine, dù cho biết những tổn thất như vậy là “có thể chấp nhận được” với Kiev. Ông cũng cho biết người Nga ngày càng sử dụng máy bay không người lái và chiến tranh điện tử cải tiến để gây nhiễu cho phía Ukraine.
Ông Zhdanov lưu ý rằng Nga đã ngừng sử dụng các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn mà họ triển khai thời kỳ đầu xung đột và chuyển sang các đơn vị nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, mặc dù lực lượng không quân Nga hoạt động với số lượng tương đối nhỏ, nhưng họ đã hiện đại hóa kho bom cũ của mình để biến chúng thành các vũ khí lượn, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 70 km.
Những chuyển đổi này cho phép lực lượng không quân Nga tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng Ukraine mà không gây nguy hiểm cho các máy bay chiến đấu của họ.
Viện Các lực lượng Thống nhất Hoàng gia (RUSI), một tổ chức tư vấn quốc phòng, an ninh có trụ sở tại London, đã đề cập đến những quả bom lượn này cùng với những cải tiến khác trong vũ khí và chiến thuật của Nga.
"Mặc dù chúng chỉ có độ chính xác hạn chế, nhưng kích thước của những loại đạn này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng", RUSI cho biết trong một báo cáo gần đây, đồng thời lưu ý rằng Nga đang nỗ lực cải thiện độ chính xác của chúng.
Báo cáo cho biết các kỹ sư Nga đã thể hiện năng lực trong việc xây dựng các công sự dã chiến và các chướng ngại vật phức tạp dọc theo chiến tuyến, bao gồm các chiến hào và hầm chỉ huy được gia cố bằng bê tông, hệ thống dây điện vướng víu, mương, nhím chống tăng hoặc “răng rồng” và các bãi mìn phức tạp.
RUSI cho biết, việc bố trí rộng rãi các loại mìn tinh vi để chống lại xe tăng và bộ binh đặt ra “một thách thức chiến thuật lớn đối với các hoạt động tấn công của Ukraine”.
Những cải tiến khác của Nga được ghi nhận trong báo cáo trên còn bao gồm khả năng ngụy trang nhiệt tốt hơn cho xe tăng; triển khai pháo nhanh hơn vào nhiều vị trí, bao gồm tích hợp với máy bay không người lái để tránh tổn thất; và tấn công pháo binh Ukraine bằng đạn tuần kích, hay máy bay không người lái bay lơ lửng cho đến khi diệt được mục tiêu.
Báo cáo của RUSI cho biết, hỏa lực như vậy của Nga là “thách thức lớn nhất đối với các hoạt động tấn công của Ukraine”.