Thay vào đó, những thiết bị này giữ cho vũ khí hoạt động và giúp quân đội Ukraine tiến lên khi họ chiến đấu. Phương tiện phi sát thương rất quan trọng vì xe tăng, bệ phóng tên lửa và xe chiến đấu bộ binh cần một lực lượng lớn hỗ trợ để có thể phóng hỏa lực.
Theo tờ Wall Street Journal, các thiết bị phi sát thương bao gồm đủ mọi thứ, từ xe chở nhiên liệu và nước di động, xe y tế và bảo trì cho đến các phương tiện khác để lắp đặt cầu di động hoặc rà phá bãi mìn. Chúng mang theo đạn dược, thực phẩm, phụ tùng thay thế và chất bôi trơn hạng nặng mà các thiết bị kháng mìn vốn hoạt động ì ạch cần đến.
Tướng nghỉ hưu Peter “Duke” DeLuca, từng phục vụ trong Lực lượng Công binh Lục quân Mỹ, cho biết: “Thật khó để người dân có thể tưởng tượng được số lượng những hỗ trợ cần thiết” cho một lực lượng tấn công cơ động. Ông ví chúng với trang bị của "con tàu Nô-ê", bởi vì không giống như những dàn vũ khí giống hệt nhau, nó là một tập hợp các phương tiện kỳ quặc được sử dụng với số lượng nhỏ.
Một trong số các phương tiện đó là xe phục hồi bọc thép Bergepanzer 2 của Đức, đã thu hồi thành công một chiếc xe tăng Leopard 2 bị hư hại từ chiến trường vào tuần trước - theo một thợ máy xe tăng Ukraine cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có những hình ảnh do Nga công bố cho thấy một chiếc Bergepanzer bị hư hại trong một bãi mìn cùng với ba chiếc Leopard 2 bị bỏ lại và các phương tiện khác của Ukraine, dường như đã bị vô hiệu hóa do vụ nổ.
Trong hơn một năm qua, các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Kiev nhiều thiết bị quân sự hạng nặng bao gồm xe tăng, pháo dã chiến, xe chiến đấu và xe chở quân. Ít được chú ý hơn trong danh sách các thiết bị được cung cấp là các hạng mục như 8 phương tiện hỗ trợ hậu cần, 18 hệ thống bắc cầu bọc thép và 54 phương tiện chiến thuật để thu hồi thiết bị mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.
Các thiết bị, phục vụ hoạt động công binh, hỗ trợ và duy trì, rất quan trọng đối với mọi yếu tố trong cuộc phản công của Ukraine khi Kiev đang tấn công các tuyến phòng thủ của Nga bao gồm chiến hào, cùng chướng ngại vật trên mặt đất và bãi mìn.
“Giai đoạn tiếp theo là thâm nhập - đẩy bật qua các tuyến phòng thủ mà Nga đã xây dựng trong nhiều tháng", Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết gần đây, lưu ý rằng cuộc tấn công của Ukraine đòi hỏi nhiều hơn xe tăng và phương tiện chiến đấu. Ông cho biết quân đội cũng cần thiết bị kỹ thuật chiến trường chuyên dụng cao “để cho phép xe tăng hoạt động”.
Chẳng hạn, bên cạnh 14 xe tăng Challenger 2 mà Anh cung cấp cho Ukraine, London cũng viện trợ 2 xe sửa chữa và phục hồi bọc thép Challenger - thực chất là các trạm sửa chữa di động sẵn sàng chiến đấu. Chiếc xe tăng cải tiến này - với cần cẩu, tời và lưỡi ủi nhưng không có tháp pháo - có thể mang theo động cơ và hộp số Challenger thay thế, cùng với đội thợ máy cần thiết cho một cuộc sửa chữa trên chiến trường.
Thiết bị này rất quan trọng bởi vì, trong một cuộc tấn công như Ukraine đang thực hiện, tốc độ là chìa khóa thành công. Nếu quân đội của Kiev có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga, họ sẽ muốn triển khai càng nhiều quân tiếp viện càng tốt, để vượt qua phòng tuyến đó trước khi Moskva có thể huy động một cuộc phản công.
Benjamin Jensen, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Thủy quân lục chiến ở Quantico, bang Virginia, Mỹ, cho biết: “Cách bạn tạo ra nhịp độ và phạm vi hoạt động là một chức năng của hậu cần".
Cuộc tấn công của Ukraine đặc biệt khó khăn vì trên phần lớn chiến tuyến, quân đội của họ phải tiến quân trên bãi đất trống, không có máy bay hỗ trợ và dưới sự giám sát của Nga. Nếu họ gặp chướng ngại vật, thiết bị hỗ trợ sẽ trở nên quan trọng không khác đạn dược.
Kiev đã nhận được xe tăng và các phương tiện bọc thép khác với các phụ kiện đặc biệt và các hệ thống khác để phá mìn mà không khiến binh lính gặp nguy hiểm quá mức. Mặc dù vậy chúng đã bị vô hiệu hóa bởi mìn của Nga ở một số nơi, dựa trên những bức ảnh từ chiến trường.
Ở nhiều nơi, quân đội Nga đã đào hào quá rộng khiến xe tăng không thể vượt qua, vì vậy hệ thống bắc cầu bọc thép hoặc máy ủi chiến đấu sẽ cần phải bắc cầu hoặc san ủi tạo lối đi. Máy ủi cũng có thể đẩy các chướng ngại vật sang một bên, đặc biệt nếu chúng chưa được neo vào lòng đất, như nhiều chiếc "răng rồng" chỉ được đặt trên mặt đất.
Ben Barry, cựu chỉ huy xe tăng người Anh, hiện là chuyên gia về tác chiến trên bộ của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London, nhận xét: “Thiết bị kỹ thuật chiến đấu sẽ rất quan trọng trong việc chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga".
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết: “Một chiếc xe tăng chiến đấu không chạy đến trạm để tiếp nhiên liệu. Thay vào đó, trạm nhiên liệu phải chạy đến với chiếc xe tăng".
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 89 xe chở nhiên liệu hạng nặng, 105 xe kéo nhiên liệu và 30 phương tiện tiếp tế đạn dược dã chiến, trông giống như một chiếc xe tăng không có súng, chạy quanh chiến trường để phân phát đạn.
Nếu Ukraine vượt qua hàng phòng thủ của Nga, vẫn có những thách thức mới đang chờ đợi. Các khu vực phía sau của Nga có thể sẽ không còn dân cư sinh sống, vì vậy quân đội Ukraine không thể tin tưởng vào việc tìm kiếm các nguồn cung cấp địa phương để tiếp tế. Ngay cả nước uống cũng có thể không có.
DeLuca, cựu chiến binh của Quân đoàn Công binh Ukraine, cho biết: “Bạn sẽ phải mang theo mọi thứ bạn cần".
Ngay cả với kịch bản trong mơ của Ukraine – họ thắng nhanh như ở Kharkiv vào tháng 9 năm ngoái - cũng đặt ra những thách thức về hậu cần. Xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác tiêu thụ lượng nhiên liệu khổng lồ. Cuộc tấn công vào Kharkiv của Ukraine năm ngoái đã suy yếu đi một phần vì quân đội đã sử dụng cạn nguồn cung cấp.
Các vấn đề về nguồn cung cũng có thể ảnh hưởng đến cả các lực lượng mạnh và đang chiến thắng. Năm 1944, sau cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Normandy, quân đội của Tướng quân đội Mỹ George S. Patton đã phải dừng lại sau khi cuộc chạy đua hơn 1.000km trong nhiều tuần, một phần vì họ đã vượt xa các tuyến tiếp tế.
Mặt khác, các hoạt động tiếp tế thành công cũng đặt ra một thách thức quen thuộc với thường dân: đó là giao thông. Một cuộc tấn công lớn đòi hỏi các phương tiện tiếp tế chở đầy hàng hóa tiến về phía các binh sĩ và những chiếc xe trống rỗng quay trở lại, thường qua các điểm tắc nghẽn như cầu hoặc qua các bãi mìn.
Tướng DeLuca nói về hoạt động hậu cần của một chiến dịch lớn: “Nó giống như một trận dịch châu chấu hoặc bạn vừa đạp phải một ổ kiến, với lưu lượng giao thông tăng lên ở khắp nơi".
Ông nói, các thiết bị hậu cần do Washington và các đồng minh cung cấp cho thấy họ đang tìm cách để kích hoạt một cuộc tấn công ở quy mô nào đó, mặc dù trở ngại lớn nhất nằm ở việc thực hiện nó trên chiến trường. “Không ai nên đánh giá thấp nhiệm vụ phía trước của người Ukraine", Tướng DeLuca nói.