Vòng xoáy khủng hoảng mới trong quan hệ Anh-Nga

Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Anh tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ngày 14/3 ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh và đình chỉ các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc.

Đây có thể xem như "giọt nước tràn ly" đối với mối quan hệ vốn không "xuôi chèo mát mái" giữa Nga và Anh trong nhiều năm qua.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại một phiên họp Quốc hội ở London. Ảnh: RTE/TTXVN

Hơn một tuần qua, Nga và Anh đã có nhiều chỉ trích lẫn nhau sau khi ông Skripal, 66 tuổi, và con gái Yulia được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh hôm 4/3 tại thành phố Salisbury, Tây Nam nước Anh. Phía Anh cho rằng ông Skripal có thể bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok được sản xuất tại Nga và cáo buộc Moskva dính dáng đến vụ đầu độc này. Giới chức Nga đã lên tiếng bác bỏ, đồng thời khẳng định đây là âm mưu mới của Anh chống lại nước này trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Nga.

Dù khẳng định Anh không muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Nga, nhưng việc chính phủ của Thủ tướng Theresa May yêu cầu 23 nhà ngoại giao Nga mà Anh cho là các nhân viên tình báo sẽ phải rời khỏi Anh trong vòng 1 tuần, đồng thời cảnh báo sẽ phong tỏa các tài sản của Nga trên lãnh thổ Anh, cũng như ngừng mọi cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh, cho thấy phần nào thái độ cứng rắn của Anh. Bên cạnh đó, Thủ tướng May còn tuyên bố sẽ không có thành viên nào trong Hoàng gia hoặc bất cứ thành viên nội các nào của Anh tham dự VCK World Cup 2018 được tổ chức ở Nga trong năm nay.

Về phần mình, Moskva luôn khẳng định hoàn toàn không liên quan đến vụ việc xảy ra tại thành phố Salisbury, đồng thời cho rằng các cáo buộc của Anh là không có căn cứ và mang động cơ chính trị nhằm đưa thông tin sai lệch cho cộng đồng quốc tế, điều mà Nga không thể chấp nhận.

Đại sứ quán Nga tại Anh chỉ trích quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga là "bước đi thiển cận, không thỏa đáng và không thể chấp nhận được", có thể tác động tiêu cực tới khả năng cấp thị thực cho các công dân Anh. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matvienko coi cáo buộc Moskva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal cùng những động thái nhằm vào Nga của Anh là "hành động khiêu khích trước cuộc bầu cử Nga và VCK World Cup 2018", vì vậy, Nga nên có các hành động đáp trả "cứng rắn, nhanh chóng và tương xứng".

Bộ Ngoai giao Nga tuyên bố sẽ có hành động đáp trả tương xứng và không loại trừ khả năng Moskva sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh đang làm việc tại Nga.

Trang mạng Telegraph.co.uk ngày 15/3 dẫn nhận định của ông Evgenny Primakov Jr, một trong những người phát ngôn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng vụ việc liên quan đến cựu điệp viên Skripal đã đẩy sự đối đầu giữa Anh và Nga vào tình trạng “điên rồ” vốn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh. Trả lời phỏng vấn độc quyền của Telegraph qua điện thoại, người phát ngôn này nói rằng những cáo buộc của Anh là “ngớ ngẩn”. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng mối quan hệ Nga-Anh sẽ phải vật lộn để phục hồi từ khủng hoảng hiện nay, đồng thời kêu gọi hai bên “cần có một bước lùi để bình tình đánh giá tình hình”.

Theo ông Primakov, cựu điệp viên Nga Skripal làm việc cho Anh có thể đã bị các cơ quan mật vụ Mỹ hoặc Anh đầu độc nhằm hủy hoại thanh danh và uy tín của cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra vào ngày 18/3 này. Ông Primakov nói rằng các bên cần nhận ra thực tế là mối quan hệ song phương hiện đang ở trạng thái “rơi tự do” và sẽ cần các biện pháp đặc biệt để “sửa chữa”. Ông cũng miêu tả bầu không khí chính trị ở Moskva lúc này là giới hoạch định chính sách Nga cũng không còn tin tưởng London và coi vụ Skripal là một phần của kế hoạch tấn công phối hợp của thế lực thù địch phương Tây.

Mối quan hệ Nga - Anh từ lâu đã rơi vào tình trạng tương đối căng thẳng. Sự xuống cấp quan hệ giữa hai nước này diễn ra sau cái chết của sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksandr Litvinenko hồi năm 2006 ở London. Phía Anh cho rằng ông Litvinenko bị chết sau khi sử dụng một lượng đáng kể các chất phóng xạ hiếm với tên gọi “Polonium-210” cùng với thức ăn.

Chính quyền Anh đã buộc tội hai công dân người Nga Dmitry Kovtun và Andrey Lugovoi liên quan đến vụ đầu độc này. Cả hai người này đều rời Anh và phía Nga đã từ chối dẫn độ họ quay trở lại Anh. Chính vụ việc này đã làm mối quan hệ London-Moskva trở nên tồi tệ. Ngoài ra, Anh với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp đặt các lệnh cấm vận nhằm vào Nga liên quan đến bán đảo Crimea. Tuy nhiên, sau khi nước này rút ra khỏi EU thì các hành động này sẽ bị bãi bỏ, nhưng điều này cũng không có nghĩa là Anh sẽ không áp đặt trừng phạt riêng chống Nga.

Bất chấp tình hình quan hệ chính trị căng thẳng nhưng mối quan hệ kinh tế giữa hai nước này hoàn toàn không tệ như vậy và thậm chí còn có tín hiệu lạc quan. Năm 2017, kim ngạch thương mại Nga-Anh đạt hơn 12 tỷ USD, tăng khoảng 22,75% so với  năm 2016. Tại Anh cũng có sự hoạt động của nhiều công ty tài chính của Nga cũng như các hoạt động kinh doanh của các doanh nhân có liên quan đến Điện Kremlin. Báo "Financial Times" của Anh nhận định rằng mặc dù quan hệ chính trị với Moskva trở nên xấu , song Anh “đã nỗ lực làm tất cả để không làm ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế”.

Báo này cho rằng trong trường hợp Anh đổ lỗi vụ việc lần này cho Nga thì quan hệ tài chính giữa hai nước có thể xuống cấp nghiêm trọng. Bài báo viết: “Điều đó có thể dẫn đến các biện pháp bao gồm kiểm tra chặt chẽ hơn về nguồn gốc tiền Nga sử dụng mua bất động sản hoặc tài sản ở Anh cũng như những công ty Nga niêm yết trên thị trường chứng khoán Anh”.

Về phần mình, biên tập viên Richard Norton-Taylor của báo The Guardian (Anh) nhấn mạnh rằng cách tiếp cận “diều hâu” đối với Nga, ví dụ như sự đổ vỡ quan hệ ngoại giao, sẽ không có lợi cho Anh.

Thực tế cho thấy các đồng minh của Anh đều bày tỏ lo ngại sâu sắc về vụ việc gây căng thẳng giữa Anh và Nga. Mỹ kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ với phía Anh trong tiến trình điều tra xoay quanh vụ việc gây chấn động này. Các nước EU cho rằng Anh nên tiếp tục duy trì liên lạc và đối thoại với Nga để giải quyết những bất đồng giữa hai bên. Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tiến hành cuộc điều tra toàn diện.

Giới phân tích nhận định nếu Nga và Anh không thể giải quyết vấn đề trên một cách thỏa đáng, vụ việc này không chỉ đẩy quan hệ hai nước rơi xuống một giai đoạn xấu chưa từng có kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà còn có nguy cơ biến thành khủng hoảng quốc tế. Rõ ràng, khi sự thật chưa được làm sáng tỏ, Nga và Anh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các hành động nhằm tránh bị lún sâu vào khủng hoảng ngoại giao, tránh để tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ngọc Hà (TTXVN)
Căng thẳng vụ điệp viên Skripal: Nga cảnh báo chuẩn bị đáp trả Anh
Căng thẳng vụ điệp viên Skripal: Nga cảnh báo chuẩn bị đáp trả Anh

Ngày 15/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng chỉ trích lập trường "vô trách nhiệm" của Anh liên quan vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc, đồng thời cảnh báo Moskva đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả London trong vụ việc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN