Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Thái Lan kỳ vọng chuyến công du kéo dài 1 tuần từ ngày 7 - 14/3 tới 2 nước thành viên đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức và Pháp là chất xúc tác giúp đẩy nhanh nỗ lực ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Thái Lan - EU, cũng như tạo đà cho các cuộc đàm phán về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Thái Lan.
Các số liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan cho biết EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Bangkok với giá trị trao đổi song phương đạt 34,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm ngoái. Từ cách đây hơn 10 năm, hai bên đã khởi động các cuộc đàm phán về FTA, song cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2014 khiến tiến trình này bị đình trệ.
Trong các năm 2017 và 2019, Hội đồng châu Âu đã thông qua việc đưa ra cách tiếp cận tái tham gia dần dần, kêu gọi Ủy ban châu Âu khám phá khả năng nối lại các cuộc đàm phán FTA với Thái Lan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các bước theo hướng đó, mà đỉnh điểm là việc ký kết Thỏa thuận Đối tác và Hợp tác vào tháng 12/2022.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2021 của EU tiếp tục khẳng định mối quan tâm lâu dài đối với việc nối lại đàm phán FTA với Thái Lan. Trong khi đó, kể từ khi nhậm chức tháng 8 năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Srettha cũng nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là ký kết FTA với EU. Đây cũng là một trong những nội dung nghị sự quan trọng của ông Srettha trong chuyến thăm Đức và Pháp, phản ánh mong muốn của Bangkok nâng cao quan hệ với Đức và Pháp để họ trở thành đối tác chiến lược của Thái Lan.
Trong khuôn khổ chuyến thăm 2 nước châu Âu, Thủ tướng Srettha đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành hàng không, ô tô, phụ tùng ô tô, du lịch, thời trang và bán lẻ. Ông cũng tham dự Hội nghị toàn cầu về cơ sở hạ tầng và bất động sản MIPIM 2024 tại Cannes (Pháp) và Hội chợ thương mại du lịch lớn nhất thế giới ITB Berlin 2024 tại Đức, đồng thời có bài phát biểu tại buổi chiêu đãi hằng năm của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức.
Đặc biệt, trong cuộc gặp với Tổng thống Macron, Thủ tướng Srettha đã nhận được sự ủng hộ từ Pháp cho kế hoạch đầy tham vọng của Thái Lan nhằm tìm kiếm một thỏa thuận miễn thị thực với các nước châu Âu trong khu vực Schengen. Trong một cuộc phỏng vấn riêng với truyền thông nước nhà sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp ngày 11/3, ông Srettha cho biết Tổng thống Macron sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của Thái Lan nhằm đạt được thỏa thuận miễn thị thực với khu vực Schengen.
Hai nước có thể bắt đầu thúc đẩy chung sáng kiến miễn thị thực một thời gian sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến được tổ chức từ ngày 6 - 9/6 năm nay. Thủ tướng Srettha đã nhấn mạnh với Tổng thống Macron rằng chương trình miễn thị thực sẽ không chỉ mang lại nhiều cơ hội hơn cho khách du lịch và doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội cho người dân Thái Lan và các nước Schengen hợp tác trong các khía cạnh khác.
Đối với FTA Thái Lan - EU, nhà lãnh đạo Thái Lan kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ hoàn tất và mang đến kết quả tốt đẹp sau khoảng 18 tháng.
Có thể thấy trong hơn 6 tháng kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Srettha đã và đang tích cực, chủ động tiếp cận với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, từ các chính khách tới các nhà đầu tư, nhằm giành lại niềm tin của giới đầu tư quốc tế. Với nhiều năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp thành công, ông Srettha đã tự tin gắn kết với cộng đồng toàn cầu.
Trong chuyến công tác tới Đức và Pháp, ông đã nhấn mạnh tham vọng của Thái Lan trở thành trung tâm khu vực trong 8 lĩnh vực phát triển: du lịch, y tế và chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nông nghiệp, hàng không, giao thông, sản xuất phương tiện tương lai, kinh tế kỹ thuật số và tài chính. Nhà lãnh đạo Srettha đã gửi lời mời các nhà đầu tư và người dân hai nước châu Âu này trở thành đối tác cốt lõi trong các kế hoạch phát triển đầy tham vọng của Thái Lan.
Tuy nhiên, giới quan sát nhìn nhận những nỗ lực hiện tại của Thủ tướng Srettha dù rất tích cực song là chưa đủ trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan đang bị mắc kẹt với những vấn đề như xã hội già hóa, tình trạng bất bình đẳng lớn, thiếu lao động có tay nghề cao, khả năng cạnh tranh suy giảm của khu vực tư nhân....
Giới quan sát nhận định vẫn còn phải xem liệu chuyến công du mới nhất của Thủ tướng Srettha có thể đóng vai trò là “chất xúc tác” cho một FTA ở mức độ nào. Trên thực tế, EU đã tiến nhanh hơn Thái Lan trong việc phát triển nền kinh tế ít carbon, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Thái Lan. Bên cạnh đó, các biện pháp xanh nghiêm ngặt do EU đưa ra có thể ngăn cản các sản phẩm của Thái Lan tiếp cận thị trường rộng lớn đó.
Tuy vậy, với những kết quả đạt được trong chuyến công du mới nhất tới châu Âu, có thể thấy nỗ lực tìm lại niềm tin của Thủ tướng Srettha đã nhận lại những tín hiệu chuyển động tích cực. Tiếp nối chuyến thăm này, một phái đoàn doanh nghiệp Thái Lan dự kiến thăm Pháp vào tháng 5 tới, trong khi một phái đoàn Pháp sẽ thăm Thái Lan vào tháng 9. Bản thân Tổng thống Pháp Macron hứa thăm lại Thái Lan vào năm 2025.
Thời gian tới sẽ trả lời chính xác những nỗ lực “chào hàng” của Thủ tướng Srettha mang lại những thành quả gì cho xứ Chùa Vàng.