Vai trò của Mỹ đối với thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollhah của Liban đã đặt ra viễn cảnh khó khăn cho các quốc gia làm trung gian cho thỏa thuận này, đặc biệt là Mỹ.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô Beirut, Liban ngày 16/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban, Mỹ đã đảm nhận trách nhiệm duy trì sự bình yên dọc một trong những biên giới bất ổn nhất ở Trung Đông. Nhiệm vụ này càng trở nên phức tạp hơn do quá trình chuyển giao giữa các chính quyền Mỹ, với việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trong thời hạn 60 ngày đầu tiên của lệnh ngừng bắn.

Thỏa thuận ngừng bắn - có hiệu lực vào sáng ngày 26/11 - nêu rõ trong giai đoạn chuyển tiếp, quân đội Israel sẽ rút khỏi miền Nam Liban. Đồng thời, quân đội Liban sẽ triển khai binh sĩ đến các khu vực biên giới, trong khi Hezbollah được yêu cầu di dời vũ khí hạng nặng về phía Bắc sông Litani.

Ủy ban giám sát do Mỹ đứng đầu sẽ giám sát việc thực thi thỏa thuận và giải quyết các hành vi vi phạm. Để trấn an đồng minh, Mỹ đã cung cấp cho Israel một lá thư đảm bảo cho phép Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phản ứng theo cách tuân thủ luật pháp quốc tế đối với các mối đe dọa trực tiếp từ lãnh thổ Liban.

Thỏa thuận có hiệu lực như thế nào?

Những nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah đã bắt đầu từ nhiều tháng trước. Sáng kiến ​​của Mỹ và Pháp được công bố vào tháng 9 đã sụp đổ gần như ngay lập tức khi Israel ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Mặc dù Washington hoan nghênh động thái này, nhưng quyết định hành động không thông báo trước cho Tổng thống Joe Biden của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã dẫn đến căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo.

Chú thích ảnh
Quân đội Israel hoạt động ở khu vực sông Litani tại Liban lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ. Ảnh: IDF

Những nỗ lực mới do ông Amos Hochstein, đặc phái viên của Tổng thống Biden, dẫn đầu đã đạt được sức hút vào giữa tháng 10. Ông Hochstein đã đứng ra làm trung gian giữa Israel và Liban - giải quyết các yêu cầu của Israel về việc thực thi nghiêm ngặt việc tái vũ trang của Hezbollah, quyền tự do hoạt động của lực lượng này để ứng phó với các mối đe dọa trong tương lai. Các cuộc đàm phán diễn ra nhanh chóng, tạo niềm tin cho Washington rằng một thỏa thuận đang trong tầm tay.

Ngày 31/10, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Hochstein đã đến Israel để gặp Thủ tướng Netanyahu. Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, nhà lãnh đạo Israel tin rằng cả Tel Aviv và Liban đều có chung lợi ích trong việc đạt được lệnh ngừng bắn.

Năm ngày sau cuộc bầu cử Mỹ, Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer đã thông báo tóm tắt cho Tổng thống đắc cử Donald Trump về các cuộc đàm phán trong một cuộc họp ở Mar-a-Lago. Ông Trump đã ra tín hiệu ủng hộ thỏa thuận này, đồng thời khuyến khích ông Netanyahu hoàn tất thỏa thuận trước khi chính quyền mới nhậm chức.

Nhiều quan chức Mỹ vượt qua trở ngại

Chú thích ảnh
Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri ở Beirut ngày 14/8/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trong những ngày tiếp theo, ông Hochstein và các quan chức cấp cao khác, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, đã làm việc chặt chẽ với các đại diện của Israel và Liban để vượt qua hàng loạt trở ngại.

Một vấn đề gây tranh cãi là việc Israel kiên quyết giữ quyền đáp trả các hành vi vi phạm của Hezbollah. Và việc Pháp phản đối điều này đã đe dọa thỏa thuận trong giây lát, nhưng sự can thiệp trực tiếp của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giúp giải quyết bất đồng.

Đến cuối tháng 11, thỏa thuận đã gần hoàn tất. Tuy nhiên, căng thẳng lại gia tăng khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông Netanyahu, làm gián đoạn các cuộc đàm phán. Phải đến khi đích thân Tổng thống Biden can thiệp và Mỹ đe dọa rút khỏi các nỗ lực hòa giải, các cuộc đàm phán mới trở lại đúng hướng. Nội các Israel đã chấp thuận thỏa thuận trong vòng 36 giờ sau khi hoàn tất.

Thành công của thỏa thuận hiện phụ thuộc vào việc triển khai quân đội Liban ở miền Nam Liban và việc Hezbollah tuân thủ rút vũ khí hạng nặng về phía Bắc sông Litani. Không giống như năm 2006, khi các nỗ lực quốc tế suy yếu sau những bước ban đầu, thỏa thuận hiện tại được hình thành nhờ vai trò xuyên suốt của Mỹ. Các sĩ quan và nhà ngoại giao Mỹ vẫn sẽ giám sát việc tuân thủ thỏa thuận từ Đại sứ quán Mỹ tại Beirut, làm việc với các quan chức Liên hợp quốc, Pháp, Israel và Liban để giải quyết mọi hành vi vi phạm.

Mặc dù Mỹ không triển khai binh sĩ dọc biên giới, nhưng thỏa thuận cho phép Israel hành động chống lại các mối đe dọa trực tiếp nếu cần thiết. Các quan chức Mỹ vẫn hy vọng cơ chế giám sát sẽ ngăn chặn các hành vi vi phạm leo thang. Một quan chức cấp cao nhấn mạnh tầm quan trọng việc cảnh giác liên tục. Ông tuyên bố: “Chúng tôi muốn có một đường dây nóng theo thời gian thực để giải quyết các hành vi vi phạm ngay lập tức. Nếu chúng tôi tập trung, các can thiệp trực tiếp sẽ rất hiếm”.

Và vòng chưa đầy 60 ngày nữa, chính quyền Tổng thống đắc cử Trump sẽ thừa hưởng thỏa thuận mong manh này.

Đội ngũ của ông Trump lập luận rằng dù Hezbollah đã đồng ý ngừng bắn, các điều khoản của thỏa thuận vẫn có thể sẽ tồi tệ hơn khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng. Do đó, thỏa thuận có được duy trì hay không sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp quốc tế hiệu quả và việc thực hiện thỏa thuận có kỷ luật trong những tuần tới.

Hải Vân/Báo Tin tức
Israel dội bom dồn dập xuống thủ đô Liban trước giờ ngừng bắn với Hezbollah
Israel dội bom dồn dập xuống thủ đô Liban trước giờ ngừng bắn với Hezbollah

Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích cùng lúc vào chiều 26/11 nhằm vào 20 mục tiêu ở phía Nam Beirut trong vòng 2 phút, ngay trước khi lệnh ngừng bắn tại Liban được công bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN