Nông nghiệp sinh thái, kết hợp các nguyên tắc sinh thái và kinh nghiệm canh tác nông nghiệp địa phương, trong đó có các kỹ thuật quan trọng như luân canh cây ngũ cốc với cây họ đậu, giảm sự phụ thuộc vào phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu, thúc đẩy đa dạng sinh học và tăng cường sức khỏe đất. Trong khi đó, các loại NUS như lúa mạch, đậu lăng và đậu gà, được công nhận là có tiềm năng giúp giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, nạn đói và tác động của biến đổi khí hậu nhờ có khả năng chịu đựng trong môi trường khắc nghiệt, đồng thời giúp làm giàu độ phì nhiêu và khả năng phục hồi của đất thông qua quá trình cố định đạm tự nhiên. Những dự án này đã chứng minh tính hiệu quả đặc biệt ở MENA nhờ phù hợp với đặc thù canh tác nông nghiệp vùng. Tuy nhiên, nhân tố chính quyết định thành công chính là việc đưa phụ nữ nông thôn vào vị thế tiên phong ngay từ đầu.
Hiện nay, phụ nữ nông thôn chiếm khoảng 22% dân số toàn cầu, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sản xuất lương thực, an ninh và dinh dưỡng cho cộng đồng ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Trên toàn cầu, 36% phụ nữ làm việc trong các hệ thống nông nghiệp thực phẩm tính đến năm 2019. Phụ nữ nông thôn chính là những người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và kiến thức truyền thống, là xương sống của cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất lương thực, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy sức khỏe cộng đồng. Nhờ mối liên kết chặt chẽ với thiên nhiên, phụ nữ nông thôn trở thành những tác nhân quan trọng trong các nỗ lực thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng phục hồi khí hậu trong cộng đồng. Họ chính là những người trực tiếp thực hiện các hoạt động nông nghiệp bền vững, quản lý tài nguyên nước và tham gia vào các nỗ lực quản lý đất đai để chống lại sự suy thoái môi trường, giúp cộng đồng thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu, như thời tiết thất thường và năng suất nông nghiệp giảm.
Mặc dù có những đóng góp không thể thiếu, phụ nữ nông thôn vẫn phải đối mặt với những thách thức có hệ thống, bao gồm tỷ lệ đói nghèo cao hơn, khả năng tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội hạn chế, cũng như các hành vi phân biệt đối xử bắt nguồn từ quan niệm giới tính truyền thống. Các vùng nông thôn trên toàn thế giới thường có tỷ lệ đói nghèo cùng cực cao hơn và thiếu thốn nhiều mặt. Phụ nữ nông thôn thường bị mắc kẹt trong công việc lương thấp hoặc không được trả lương và có khả năng tiếp cận hạn chế với các dịch vụ tài chính, quyền sở hữu đất đai và quyền hợp pháp, điều này làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế. Ngoài ra, nhóm này cũng có ít cơ hội việc làm chính thức hơn do các quan niệm lạc hậu và khả năng tiếp cận không bình đẳng với các chương trình giáo dục và phát triển kỹ năng.
Ở nhiều quốc gia, các thể chế xã hội phân biệt đối xử, bao gồm cả những đạo luật chính thức và bất thành văn, ngăn cản phụ nữ sở hữu đất đai hoặc tiếp cận tín dụng cần thiết để đầu tư cho nông nghiệp. Sự bất bình đẳng có hệ thống này cản trở khả năng tham gia đầy đủ của phụ nữ vào các quá trình ra quyết định ảnh hưởng đến cộng đồng và sinh kế của họ. Các chuẩn mực xã hội và tập quán truyền thống cũng tiếp tục hạn chế vai trò của phụ nữ bên ngoài hộ gia đình, hạn chế khả năng dịch chuyển xã hội và kinh tế của họ.
Dù vậy, không thể phủ nhận vai trò đi đầu của phụ nữ nông thôn trong các nỗ lực cải thiện an ninh lương thực, tăng cường đa dạng sinh học và đối phó với biến đổi khí hậu. Những nỗ lực của họ trong phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô nhỏ, quản lý chăn nuôi và nghề cá đóng góp đáng kể vào an ninh lương thực hộ gia đình, nhưng công việc của họ thường không được ghi nhận đúng mức. Tất cả những điều này đã cản trở đáng kể cơ hội vươn mình mạnh mẽ của những người phụ nữ đang bị lãng quên ở những vùng nông thôn. Ngày Quốc tế Phụ nữ Nông thôn 15/10 năm nay có chủ đề là "Phụ nữ nông thôn bảo vệ thiên nhiên vì tương lai chung: Xây dựng khả năng phục hồi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và chăm sóc đất đai hướng tới bình đẳng giới và trao quyền", nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ nông thôn trong những nỗ lực chung của toàn thế giới tiến tới tương lai bền vững.
Chủ đề này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh những thách thức phi truyền thống từ biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và suy thoái đất có thể tác động đáng kể đến quyền, khả năng phục hồi và nguồn lực của phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn. Nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) ước tính rằng trên toàn cầu, trong trường hợp xấu nhất, biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm 158 triệu phụ nữ và trẻ em gái vào cảnh nghèo đói và thêm 236 triệu phụ nữ và trẻ em gái vào cảnh mất an ninh lương thực vào năm 2050. Các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và sinh kế đang dần cạn kiệt và khả năng đảm bảo an toàn các nguồn lực dành cho phụ nữ nông thôn, như thực phẩm lành mạnh, năng lượng sạch và nước, theo đó giảm sút.
Bằng cách đặt phụ nữ vào trung tâm của những sáng kiến canh tác bền vững, ICARDA và các đối tác đang thúc đẩy đổi mới khoa học và một hệ thống thực phẩm công bằng hơn. Thông qua những nỗ lực này, phụ nữ nông thôn có thể mở đường cho một tương lai bền vững bắt nguồn từ nông nghiệp sinh thái và sự hồi sinh của các loại cây trồng bị bỏ quên. Những dự án của ICARDA tạo ra một mối liên tưởng vô hình đầy ý nghĩa giữa những giống cây trồng bị bỏ quên và những người phụ nữ nông thôn. Một bên là những hạt giống đầy nội lực có lúc bị lãng quên, nhưng nếu được khai thác phù hợp sẽ là chìa khóa mở cửa an ninh lương thực tương lai, trong khi bên còn lại là những người phụ nữ đầy nghị lực, được tôi rèn trong khó khăn và sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ để phát huy tiềm năng bảo vệ tương lai chung nếu được công nhận và đầu tư đầy đủ.