Ukraine đi về đâu?

Tận mắt chứng kiến người biểu tình lập lều trại tại Quảng trường Độc lập hay xây chiến lũy bằng những bao tuyết để đối mặt với cảnh sát ở trung tâm thủ đô Kiev, cảm nhận thực sự của tôi là một nỗi buồn, lo cho đất nước Ukraine xinh đẹp. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine không phải là một chính sách hướng Đông (thân Nga) hay hướng Tây (thân EU) mà là tình cảnh kinh tế tồi tệ của một trong những nước được xem là nghèo nhất ở châu Âu này.

Phóng viên TTXVN và VTV ngồi sưởi với người biểu tình ở Quảng trường Độc lập, Kiev


Nhiều chuyên gia cho rằng Ukraine vẫn chưa có một thủ lĩnh thực sự có thể hàn gắn những vết thương, điều hành một quốc gia nằm giữa Nga và EU, để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn. Sau cuộc Cách mạng Cam (2004), các chính trị gia đối lập đã mất đi sự tín nhiệm do không thể giải quyến tình trạng tham nhũng cũng như vực dây nền kinh tế. Chính họ cũng đã để lại cho Ukraine những hậu quả nặng nề ví dụ như ký với Nga một thỏa thuận cung cấp khí đốt đầy bất lợi.  

Nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây này rơi vào suy thoái kinh tế từ nửa cuối năm 2012 do nhu cầu thép trên thế giới, măt hàng xuất khẩu chủ lực của Ukraine giảm mạnh và do những rào cản của Nga đối với sản phẩm nông nghiệp Ukraine, lĩnh vực xuất khẩu chính thứ 2. Một cuộc thăm dò 16 ngân hàng và cơ quan môi giới của Ukraine trong tháng 12/2013 cho thấy tăng trưởng GDP nước này năm 2013 dự tính là âm 0,5% so với mức tăng 0,2% năm 2012. Bạn thực sự cảm nhận được sự nguội lạnh của nền kinh tế khi ở trong một hội trường lớn của thủ đô Kiev mà vẫn phải mặc áo chống rét, điều không hề có trong mùa đông giá rét ở Nga. Hỏi ra mới biết, đó là do cơ quan quản lý giảm vận hành hệ thống sưởi ấm để tiết kiệm. Tuy nhiên điều nguy hiểm hơn là khó khăn kinh tế làm tích tụ những bất ổn xã hội, dẫn tới tâm lý phản kháng và cái vòng luẩn quẩn tiếp tục phát triển không có hồi kết chừng nào người nhân dân chưa có việc làm ổn định, nền kinh tế chưa được vực dậy. Bất ổn xã hội ở Ukraine còn đào sâu hơn sự chia rẽ giữa miền Đông công nghiệp và miền Tây nông nghiệp vốn được xem là “sống dựa”vào miền Đông. Và càng làm dấy lên nhiều dự đoán về một sự chia cắt của nước cộng hòa này.

Quan sát tình hình chính trường Ukraine, ta có thể thấy nhiều khả năng Tổng thống Victor Yanukovich sẽ tiếp tục lùi bước trước “bộ ba đối lập”. Tuy nhiên nhượng bộ này sẽ chẳng đem lại kết quả gì. Ông Yanukovich cũng có thể bất ngờ đưa ra những quyết định cứng rắn. Song điều này là quá muộn và việc thể hiện sự cứng rắn giờ chỉ đổ thêm dầu vào lửa, làm cho Ukraine càng sớm bị chia cắt hơn. Nhiều người cho rằng người biểu tình sẽ hài lòng khi đạt được mục tiêu bầu cử tổng thống sớm. Song không hoàn toàn như vậy. Trước tiên, tình hình Ukraine hiện nay rất phức tạp để tổ chức bầu cử - và bất cứ kết quả bầu cử nào cũng sẽ bị thách thức nếu nó không thỏa mãn phe đối lập. Trong khi đó, một cuộc cuộc thăm dò công bố ngày 31/1 cho thấy nếu tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 2/2, ông Yanukovych sẽ giành chiến thắng với 19,8% phiếu bầu, về sau ông là các thủ lĩnh đối lập Vitali Klitschko (19,1%), Yasenia Yatsenyuk (6,3%), và tỷ phú Piotr Poroshenko (10,5%).

Như vậy có thể thấy phe đối lập chưa thể nắm chính quyền sau các cuộc bầu cử, vì thế họ có khả năng sẽ tìm cách tiếm quyền. Tại các khu vực miền Tây Ukraine – đây là thực tế đã diễn ra. Tuy nhiên ở các khu vực còn lại, họ chưa đủ sức mạnh để tiến hành hành động đánh chiếm các cơ quan công quyền - thể hiện rõ bộ mặt thật của mình. Hiện phe đối lập mới chỉ yêu cầu tiến hành bầu cử sớm bởi bầu cử giải thoát cho họ khỏi khả năng bị trấn áp và cho phép họ củng cố chỗ đứng tại các khu vực mà họ đã chiếm đóng, cũng như một hình ảnh hợp pháp ở những khu vực đó. Có thể hiểu phe đối lập sẽ không bao giờ chấp nhận kết quả bầu cử bất lợi. Và cái vòng luẩn quẩn sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào kinh tế Ukraine chưa sôi động trở lại.


Duy Trinh
Ngoại trưởng Mỹ gặp lãnh đạo phe đối lập của Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ gặp lãnh đạo phe đối lập của Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 1/2 đã có cuộc gặp với 3 nhà lãnh đạo phe đối lập Ukraine tại bên lề Hội nghị An ninh diễn ra tại thành phố Munich ngay sau khi Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây cố tình kích động bạo lực tại Kiev.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN