Trước hội nghị NATO, Tổng thống Trump viết thư giục đồng minh chuyện tiền nong

Các quan chức châu Âu lo ngại chỉ với một dòng tweet, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm hỏng bầu không khí của một hội nghị thượng đỉnh nữa như đã làm với hội nghị thượng đỉnh G7 mới diễn ở Canada.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

 

Lo lắng đó không thừa khi mà trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hai tuần, Tổng thống Trump đã khiến các thành viên ngạc nhiên khi thay vì viết tweet, Tổng thống Trump đã gửi thư.

 

Trong bức thư lời lẽ cứng rắn gửi một số thành viên trong liên minh NATO không đạt mức chi tiêu quốc phòng tối thiểu. Theo tạp chí Financial Times, bức thư viết theo mẫu chung nhưng có thêm một số từ ngữ dành riêng cho một số quốc gia cụ thể.

 

Bức thư của Tổng thống Trump có đoạn viết rằng người Mỹ đã chán phải đóng tiền quốc phòng cho châu Âu và muốn thấy các thành viên NATO khác chia sẻ gánh nặng.

 

Bức thư có đoạn: “Ngày càng khó giải thích với công dân Mỹ lý do một số quốc gia không chia sẻ trách nhiệm an ninh tập thể của NATO. Do đó, tôi hy vọng [quốc gia] sẽ tái cam kết mạnh mẽ đáp ứng các mục tiêu mà chúng ta đã nhất trí”.

 

Theo Financial Times, bức thư gửi cho Đức có những từ ngữ cứng rắn nhất.

 

Mặc dù việc chính quyền Mỹ thúc giục đồng minh chia sẻ gánh nặng tài chính không phải là chuyện ít gặp nhưng giọng điệu và thời điểm của bức thư cho thấy sự mâu thuẫn nặng nề giữa Tổng thống Trump và đồng minh.

 

Thông thường, các hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức để lãnh đạo các nước chụp ảnh và ra những tuyên bố mang tính hình thức.

 

Tuy nhiên, cuộc họp thượng đỉnh NATO diễn ra ngày 11-12/7 tới đây có thể thất bại với sự xuất hiện của Tổng thống Trump – người đã từng không ký tuyên bố chung hội nghị G7 vừa rồi.

 

Một nhà ngoại giao châu Âu nói chỉ cần không có chuyện gì để đăng báo thì hội nghị lần này sẽ là một thành công. Ông cũng thừa nhận ở thời điểm này mọi người đều lo sợ.

 

Cuộc gặp giữa các lãnh đạo NATO sẽ có một số thông báo về đột phá chính sách: một chương trình mới của NATO ở Iraq để huấn luyện lực lượng an ninh Iraq, một sáng kiến chung với Liên minh châu Âu để tăng tính linh hoạt quân sự cho lực lượng đồng minh di chuyển trong châu Âu, mở hai cơ sở chỉ huy mới ở Virginia và Đức, khả năng khởi động đối thoại để Macedonia gia nhập liên minh.

 

Sau hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp mặt. Tuy nhiên, hình ảnh hai nhà lãnh đạo thể hiện quan hệ tốt đẹp ngay sau khi hội nghị NATO gặp trục trặc có vể là điều không hay cho lắm.

 

Chú thích ảnh
NATO lo ngại Tổng thống Trump tỏ ra thân thiện với Tổng thống Putin. Ảnh: Reuters

 

Bà Julie Smith, chuyên gia về an ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định: “Các đồng minh lo ngại Tổng thống Putin sẽ được Tổng thống Trump khen ngợi trong khi đồng minh bị kịch liệt chỉ trích vì không chi tiêu quốc phòng đầy đủ”.

 

Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho rằng duy trì liên kết liên minh là điều quan trọng trước cuộc gặp Trump-Putin. Bà cho rằng ông Putin cần “hiểu rằng Tổng thống Mỹ cũng nói chuyện thay mặt cho NATO”.

 

Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh châu Âu cùng Canada vốn đã căng thẳng do cuộc chiến thương mại đang leo thang, do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

 

Tại hội nghị G7 ở Canada, Tổng thống Trump đã công kích cá nhân Thủ tướng Canada Justin Trudeau trên Twitter là “yếu đuối và không trung thực”, từ chối ký tuyên bố chung cùng với 6 nước khác.

 

Ông Adam Thomson, cựu Đại sứ Anh tại NATO, nói: “Điều tôi cho là gây rắc rối với NATO nhất là những lời giận dữ có thể bị biến thành hành động giận dữ”.

 

Năm 2017, Tổng thống Trump đã khuấy đảo hội nghị thượng đỉnh NATO khi từ chối ủng hộ điều khoản phòng vệ tập thể của NATO và đẩy lãnh đạo Montenegro khi chụp ảnh.

 

Năm 2014, sau khi căng thẳng ở Đông Ukraine và Trung Đông leo thang, các thành viên NATO đã đặt mục tiêu mỗi nước chi 2% GDP cho quốc phòng tới năm 2024 – một qui định của NATO có từ lâu mà ít thành viên tuân thủ.

 

Đầu năm nay, 8 trong 29 thành viên đạt hoặc gần đạt mục tiêu 2% gồm Mỹ, Anh, Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia, Romania và Hy Lạp.

 

Sáu quốc gia gồm Bulgaria, Pháp, Hungary, Montenegro, Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đạt mục tiêu này vào năm 2024. Hai thành viên gồm Na Uy và Đa Mạch có thể không đạt mục tiêu 2% vào năm 2024, nhưng có kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Ví dụ như Na Uy có kế hoạch mua 52 máy bay chiến đâu F-35.

 

Điều đó có nghĩa là phần lớn thành viên NATO không có kế hoạch đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng, kể cả Đức – thành viên giàu nhất châu Âu.

 

Các quan chức cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã âm thầm tìm cách thuyết phục Tổng thống Trump tránh đưa ra những lời nói tiêu cực tại hội nghị thượng đỉnh NATO và tập trung vào việc tăng chi tiêu quốc phòng, cho dù một số quốc gia không đạt mức chuẩn này.

 

Theo ông Vershbow, một quan ngại lớn với các nước châu Âu là ảnh hưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chính quyền Mỹ đang suy giảm. Ông Mattis được coi là người bảo vệ quan trọng nhất với các đồng minh để họ bấu víu.

 

Ngoài ra, các nước châu Âu còn lo Tổng thống Trump có thể biến hội nghị NATO thành một phiên bản của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông Trump có thể hứa ngừng tập trận NATO ở Ba Lan và các nước Baltic – các cuộc tập trận vốn bị Nga phản đối. Hoặc ông có thể giảm trừng phạt Nga.

 

Có tin nói rằng tại G7 năm 2017, ông Trump đã đề nghị các lãnh đạo G7 giải thích tại sao lại về cùng phe với Ukraine và nói thêm rằng Crimea là thuộc Nga vì ai ở đây cũng nói tiếng Nga.

 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đây là lý do Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin khiến đồng minh của Mỹ khó chịu
Đây là lý do Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin khiến đồng minh của Mỹ khó chịu

Mỹ-Nga đã nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào ngày 16/7. Tuy nhiên, tin vui này có thể khiến một số đồng minh của Mỹ tức giận và khiến ông Trump bị chính giới trong nước chỉ trích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN