Trung Quốc sắp hành động lớn ở Biển Đông?

Trung Quốc có thể mưu tính sẽ thay đổi hoàn toàn hiện trạng của Biển Đông bằng cách tiếp tục ngang ngược cải tạo bãi cạn Scarborough vào đầu tháng 9 tới, ngay sau Thượng đỉnh G20 và trước bầu cử Mỹ.

Tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough. Ảnh: Manilatimes

Trang tin "National Interest" (Mỹ) mới đây có bài phân tích với tựa đề "Trung Quốc có thể hành động lớn ở Biển Đông vào tháng 9 tới" của tác giả Harry Kazianis, chuyên gia về chính sách quốc phòng. Theo bài viết, nếu như Trung Quốc đang "ủ mưu" thay đổi hoàn toàn hiện trạng của Biển Đông bằng cách tiếp tục ngang ngược cải tạo bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) - thực thể nằm trong Khu Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines, thì thời điểm diễn ra động thái này có thể vào khoảng đầu tháng 9 tới, sau khi Hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, và trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 8/11.

Động thái trên được đưa ra trong một bài báo ngày 13/8 của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Theo đó, bài báo trích dẫn một nguồn tin tin cậy cho biết Bắc Kinh sẽ không thực hiện bất kỳ việc cải tạo nào trên bãi cạn này cho đến khi kết thúc Hội nghị G-20 và sẽ bắt đầu cải tạo trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết: "Khi Hội nghị G-20 được tổ chức tại Hàng Châu vào tháng 9 tới, hòa bình khu vực sẽ là chủ đề chính trong Hội nghị thượng đỉnh lần này và Trung Quốc sẽ kiềm chế không tiến hành kế hoạch cải tạo tại Biển Đông". Nếu Trung Quốc muốn thực hiện một bước tiến lớn tại Biển Đông, đặc biệt là để chống lại phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài, sau khi G-20 diễn ra và trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là thời điểm "thích hợp nhất". Lý do là nhằm tìm cách nâng cao vị thế của một siêu cường đang nổi và không vấp phải rắc rối nào, Bắc Kinh sẽ tiến hành kịch bản ở Biển Đông một cách rất thận trọng, bằng nhiều tín hiệu nhưng không để căng thẳng leo thang trong thời gian này. Trung Quốc không muốn mạo hiểm với những căng thẳng hiện hữu ở khu vực vì cho rằng thời gian này không phải là lúc thích hợp để căng thẳng nên Bắc Kinh chắc chắn sẽ kiềm chế cho đến khi Hội nghị G-20 diễn ra thành công.

Một lý do khác khiến Trung Quốc ấp ủ âm mưu này lâu hơn là Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ khi các phương tiện thông tin truyền thông Mỹ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và không đề cập đến bất kỳ động thái leo thang nào ở Biển Đông, nhờ đó vấn đề biển Đông sẽ bị chôn vùi và ít được thế giới quan tâm. Và đặc biệt, không có thời điểm nào "lý tưởng" hơn để tiến hành gây rối ở Biển Đông bằng thời điểm Mỹ, quốc gia duy nhất có thể ngăn cản Bắc Kinh "làm xằng", bị phân tâm trong việc lựa chọn vị Tổng thống nhiệm kỳ sắp tới. Khi đó, Mỹ cũng như các phương tiện truyền thông sẽ chỉ tập trung vào cuộc chiến giữa ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Ông Fidel Ramos phát biểu trong cuộc họp báo tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 12/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, hiện cũng có một lý do khác nữa (theo một nguồn tin giấu tên) rằng hiện nay, Trung Quốc đang chìa "củ cà rốt" đối với chính quyền mới ở Manila để sớm đạt được thỏa thuận về cách giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, đồng thời gây áp lực đối với tân Tổng thống Rodrigo Duterte bằng việc triển khai một số lượng lớn các tàu lớn xung quanh bãi cạn với tín hiệu rằng Trung Quốc đang sẵn sàng thực hiện cải tạo, bồi đắp bãi cạn Scarborough với hành động kiên quyết và mạnh dạn. Ngược lại, việc Philippines bổ nhiệm cựu Tổng thống Fidel Ramos làm đặc phái viên trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nhất là hai bên vừa kết thúc các cuộc thảo luận tại Hong Kong (Trung Quốc), được mô tả như một "hành động phá băng" trong quan hệ giữa hai nước sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, còn một lý do khác cho kế hoạch hung hăng của Bắc Kinh là nước này muốn tiến hành một động thái mạnh trong thời gian này là nhằm gây áp lực đối với Manila để đạt được giải quyết tranh chấp có lợi cho Trung Quốc hoặc "ép" Philippines có sự nhượng bộ với các điều kiện của Bắc Kinh. Với những hình ảnh được đăng tải gần đây ghi lại cảnh số lượng lớn tàu Trung Quốc và các máy bay ném bom tuần tra trên khắp Biển Đông, dường như Trung Quốc đang phát tín hiệu sẵn sàng cho một hành động mạnh bạo và kiên quyết hơn.

Theo tác giả Kazianis, điều quan trọng nhất trong thời điểm này là Washington cần phản ứng như thế nào với "những đám mây đang góp thành bão" trên Biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần tiếp tục nhấn mạnh rõ ràng quan điểm rằng hoạt động khai hoang ở bãi cạn Scarborough là một sai lầm nghiêm trọng của Trung Quốc và đưa ra tín hiệu rằng Mỹ sẽ có những động thái, hành động kiên quyết và mang tính bước ngoặt cho vấn đề Biển Đông, nếu Trung Quốc tiếp tục có hành vi hung hăng tại bãi cạn Scarborough nói riêng và vấn đề Biển Đông nói chung. Tuy nhiên, hiện Chính quyền Obama còn rất ít thời gian nên khó có thể đưa ra những phản ứng cứng rắn đối với Trung Quốc. Đây có thể là lý do chính mà Bắc Kinh coi là thời điểm lý tưởng để thực hiện tiếp mưu đồ ở Biển Đông.

TTXVN/Tin Tức
Trung Quốc sẽ “ra đòn” ở Biển Đông sau Thượng đỉnh G20?
Trung Quốc sẽ “ra đòn” ở Biển Đông sau Thượng đỉnh G20?

Một học giả cao cấp về chính sách quốc phòng cho rằng thời điểm kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể là thời điểm vô cùng thuận lợi để Trung Quốc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ mà ít bị chú ý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN