Philippines chìa cành oliu về phía Trung Quốc?

Sau cuộc gặp với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, Đặc phái viên Philippines Fidel Ramos của Tổng thống Rodrigo Durterte khẳng định Philippines muốn thảo luận chính thức với Trung Quốc để tiến tới hòa bình và hợp tác.

Chuyến công tác của ông Ramos tới đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc diễn ra sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila - nguyên đơn trong vụ kiện - trở nên vô cùng căng thẳng. Trong hai ngày tại Hong Kong, cựu Tổng thống Philippines Ramos đã thảo luận với bà Phó Oánh, gặp gỡ Giáo sư Ngô Sĩ Tồn, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc. 

Theo ông Ramos, hai bên đã bàn về việc thiết lập một cơ chế ngoại giao “hai kênh”, trong đó kênh 1 là kênh giữa các chính phủ, còn kênh 2 là kênh đối thoại không chính thức, chủ yếu là giữa các viện nghiên cứu chiến lược, nhằm thúc đẩy đối thoại trên những vấn đề tranh chấp mà nền ngoại giao chính phủ chưa thể giải quyết được. Ông Ramos cùng với cựu Bộ trưởng Nội Vụ Philippines Rafael Alunan, đã đề xuất ý tưởng “hai kênh” nhân các cuộc tiếp xúc tại Hong Kong với các đại diện của Trung Quốc. Cả ông Ramos lẫn Alunan đều nhấn mạnh rằng họ chỉ là các đặc phái viên không chính thức, còn các cuộc đàm phán chính thức sau này sẽ do những người khác đảm trách. 

Ý tưởng cùng khai thác ngư trường ở Biển Đông đã được cựu ông Ramos đề cập tới khi hai bên thảo luận về vấn đề đánh bắt thủy hải sản. Đây là nội dung liên quan tới mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Philippines từ năm 2012, khi Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough, chỉ cách bờ biển Philippines 230 km, nhưng lại cách đảo Hải Nam đến 650 km. Ông Ramos tiết lộ rằng ông đã thảo luận việc khôi phục lại tình trạng trước năm 2012, khi ngư

Ông Fidel Ramos phát biểu tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 12/8. Ảnh: EPA/TTXVN

dân Trung Quốc, Philippines và cả ngư dân Việt Nam được tự do đến hoạt động ở khu vực lân cận Scarborough. Tuy nhiên, cả ông Ramos lẫn ông Alunan đều cho biết là phía Trung Quốc đã không cam kết gì mà chỉ đơn thuần ghi nhận đề xuất của phía Philippines mà thôi.

 Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa ông Ramos và bà Phó Oánh, hai nhà ngoại giao này khẳng định cả Bắc Kinh và Manila sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác trong việc đánh bắt thủy hải sản, bảo vệ ngư trường và các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, tuyên bố này không đề cập trực tiếp tới vấn đề Biển Đông hay phán quyết của Tòa Trọng tài. Hai bên cũng không nhắc đến lộ trình cụ thể của các cuộc đàm phán. Ông Ramos cũng cho biết hai bên không hề nhắc đến vấn đề chủ quyền đối với nhiều khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông như bãi cạn Scarborough hay đá Vành Khăn. Có ý kiến cho rằng thực tế này cho thấy dường như Philippines đã nhượng bộ phần nào yêu cầu của Trung Quốc là không đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài trong các cuộc gặp song phương.
 Tuyên bố chung có đoạn: “Các cuộc thảo luận không chính thức đã tập trung vào nhu cầu cần có đối thoại xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng nhằm mở đường cho hợp tác nói chung”. Trong cuộc họp báo, ông Ramos cho biết ông không đề cập đến tranh chấp biển đảo trong các cuộc thảo luận với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, nhưng có nói đến quyền đánh bắt thủy hải sản. Ông Ramos cho là hai bên sẽ gặp lại nhau song chưa rõ thời gian và địa điểm cụ thể.

 Trung Quốc đã tỏ ý hoan nghênh ông Ramos tới thăm Bắc Kinh với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, người mới lên nắm quyền từ tháng 6/2016 nhưng đã thể hiện thái độ cởi mở với Trung Quốc hơn là người tiền nhiệm Bengiono Aquino. Ông Ramos ví chuyến đi Hong Kong của mình như một chuyến “đi câu” và nói: “Thực ra chuyến đi của tôi không phải là để làm tan băng, vì chẳng có băng giá nào để mà làm tan ở Hong Kong”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó cho biết Trung Quốc hy vọng các trao đổi như chuyến đi của ông Ramos “sẽ giúp Trung Quốc và Philippines quay trở lại bàn đàm phán và cải thiện quan hệ”. 
TTK
Philippines đề xuất cơ chế đàm phán riêng rẽ với Trung Quốc
Philippines đề xuất cơ chế đàm phán riêng rẽ với Trung Quốc

Philippines và Trung Quốc đã thảo luận về thiết lập một cơ chế đàm phán "hai kênh" riêng rẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN