Một nhân vật cấp cao trong ngành dầu khí thân cận với Bộ Dầu mỏ của Iran đã tiết lộ thông tin trên với trang OilPrice.com ngày 13/8.
Về dự án đầu tiên – Giai đoạn 11 của mỏ khí đốt không liên kết South Pars (SP11) – tuần trước, Giám đốc điều hành của Công ty Dầu khí Pars (POGC) tuyên bố các cuộc đàm phán đã được nối lại với các nhà phát triển Trung Quốc để thúc đẩy dự án này.
Ban đầu, dự án SP11 đã được tập đoàn Total của Pháp ký hợp tác song rút khỏi hợp đồng sau khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran. Sau đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã thế chân. Theo hợp đồng ban đầu, CNPC đã được giao 50,1% cổ phần trong mỏ khai thác khi công ty Pháp rút tiền về, giúp CNPC chính thức nắm giữ tổng cộng 80,1% cổ phần tại đây. Công ty Petropars của Iran nắm giữ phần còn lại.
Cùng lúc đó, Iran muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển của các mỏ dầu ở vùng Tây Karoun, trong đó có mỏ Bắc Azadegan, Nam Azadegan, Bắc Yaran, Nam Yaran và Yadavaran, nhằm tối ưu hóa nguồn dầu mỏ trước khi bị Mỹ kìm kẹp hoạt động xuất khẩu hơn nữa.
Trung Quốc - khi mới chỉ bị cuốn vào những phát súng mở đầu của cuộc chiến thương mại với Mỹ - không đồng ý với các chính sách “gây sức ép tối đa” của Washington nhằm vào Iran, đồng thời tự coi là đối tác lâu dài của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này.
Khi đó, Trung Quốc đã đồng ý thỏa hiệp với Mỹ rằng nếu ngừng phát triển SP11, nước này sẽ được phép tiếp tục hoạt động tại Bắc Azadegan và Yadavaran – dự án lớn thứ hai của Trung Quốc với Iran. Bắc Kinh giải thích với Washington rằng họ tiếp tục tham gia vào Bắc Azadegan là do họ đã chi hàng tỷ USD để phát triển giai đoạn thứ hai của mỏ dầu rộng 460 km2 này.
Tương tự, Trung Quốc tại thời điểm đó nói rằng các hoạt động của họ tại Yadavaran có thể được biện minh bởi thực tế là bản hợp đồng này đã được ký từ năm 2007, trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5/2018 và do đó, về mặt pháp lý, Bắc Kinh có quyền để tiếp tục phát triển.
Dự án lớn thứ ba vẫn chưa hoàn thành của Trung Quốc tại Iran là việc xây dựng cảng xuất khẩu dầu Jask - đặc biệt trong tình hình an ninh hiện nay - không hề nằm trong Eo biển Hormuz hay Vịnh Persian mà ở Vịnh Oman.
Thậm chí trước vòng trừng phạt mới của Mỹ, cảng xuất khẩu Kharg đã không phù hợp để các tàu chở dầu lui tới vì độ hẹp của Eo biển Hormuz sẽ khiến chúng phải di chuyển rất chậm. Sau khi vòng cấm vận mới cùng loạt vụ bắt giữ tàu chở dầu để trả đũa, Trung Quốc có ít lựa chọn ngoài việc điều vài tàu chiến đến vùng vịnh này để bảo vệ tàu thương mại của họ hoặc dừng hoàn toàn mua dầu của Iran - cả hai điều Bắc Kinh đều đặc biệt không muốn làm.
Vì vậy, theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ đầu tư một đường ống dẫn dầu dài 1.000 km trị giá 2 tỷ USD nối Guriyeh ở quận Shoaybiyeh-ye Gharbi tại tỉnh Khuzestan ở phía Tây Nam Iran đến Jack ở tỉnh Hormozgan ở Nam nước này.
Ngoài ra, dự án còn bao gồm việc xây dựng 20 bồn chứa dung tích lên tới 500.000 thùng dầu mỗi bồn và các cơ sở vận chuyển đi kèm với tổng trị giá 200 triệu USD. Dự kiến, cảng xuất khẩu Jask sẽ có khả năng lưu trữ tới 30 triệu thùng và xuất khẩu 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Khi là một trong số ít ỏi những nước sẵn sàng hợp tác phát triển dầu khí với Iran trong bối cảnh bị lệnh cấm vận bủa vây, Trung Quốc đã được nước chủ nhà tạo điều kiện hết sức. Để tái khởi động dự án SP11, Trung Quốc sẽ được miễn 17,25% tổng giá trị khí đốt mà mỏ này khai thác được trong 9 năm liên tiếp.
“Tổng giá trị khí đốt khi áp dụng cho CNPC theo công thức hoàn vốn chi phí so với định giá thị trường mở và giá trị ròng hiện tại của mỏ dầu này là 116 tỷ USD” nguồn tin của Iran nói với Oilprice.com.
"Lựa chọn hạt nhân"
Nếu Mỹ có bất kỳ phản ứng nào về các dự án của Trung Quốc tại Iran, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng “lựa chọn hạt nhân” của nước này là bán tất cả hoặc một phần số trái phiếu trị giá 1.400 tỷ USD của Mỹ. Việc nắm giữ lượng trái phiếu khổng lồ - hình thức mà Chính phủ Mỹ kiếm tiền đầu tư cho nền kinh tế và được coi là một yếu tố quan trọng trong việc định giá đồng USD – từng được Bắc Kinh dùng làm quân cờ mặc cả, đặc biệt khi nước này cảm thấy bị đe dọa.
Năm 2007, trước cuộc khoảng tài chính toàn cầu, một số nhân vật cấp cao tại các trung tâm cố vấn chiến lược ở Trung Quốc đã đề cập về nguy cơ bán lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ gây ra sự sụp đổ của đồng USD, tăng đột biến lợi suất trái phiếu cũng như gây hỗn loạn thị trường chứng khoán.
Một chiến thuật như vậy sẽ phù hợp với chiến lược tổng thể của Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ thách thức sự ổn định của đồng đô la Mỹ như loại tiền tệ thanh toán giao dịch và dự trữ toàn cầu chính.
Gần đây, ông Leonid Mikhelson, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Novatex của Nga cho biết đang cân nhắc nhận thanh toán giao dịch với Trung Quốc trong tương lai bằng đồng Nhân dân tệ. Nga cũng đang cố gắng tẩy chay đồng USD trong hoạt động mua bán dầu để đối phó với những biện pháp trừng phạt của Mỹ.
“Vấn đề này đang được thảo luận giữa các đối tác thương mại lớn nhất của Nga là Ấn Độ và Trung Quốc, thậm chí các nước Arab cũng bắt đầu tính tới điều này. Nếu Mỹ gây khó dễ cho các ngân hàng Nga thì chúng ta sẽ thay thế đồng đô la Mỹ. Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ đẩy nhanh thêm quá trình này”, ông Mikhelson nói thêm.