Trả lời phỏng vấn báo Anh Sky News, Chuẩn Đô đốc Michael Boyle – Chỉ huy Nhóm tàu tấn công 12 – cho biết: “Phần quan trọng trong sứ mệnh răn đe là mức độ sẵn sàng. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ Mỹ và lợi ích quốc gia nếu được huy động… Công việc của tôi là ở đây, sẵn sàng, ngăn chặn và phòng thủ nếu được yêu cầu”.
Trước đó, hồi tháng 5, Mỹ đã điều động nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Abraham Lincoln dẫn đầu và máy bay ném bom tới Vịnh Péc-xích. Động thái này được Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton miêu tả là thông điệp “rõ ràng và không hề nhầm lẫn” Washington muốn gửi tới Iran rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lợi ích của Mỹ hoặc các đồng minh sẽ bị đáp trả “không thương tiếc”.
Bất chấp thông báo triển khai rầm rộ, hiện tàu sân bay của Mỹ chưa đi vào Eo biển Hormuz – tuyến đường hàng hải chiến lược kết nối các nhà sản xuất dầu thô Trung Đông với thị trường quốc tế.
"Đối với sứ mệnh của chúng tôi, mang theo mục đích răn đe, chúng tôi đang ở đúng vị trí. Người Iran biết rằng chúng tôi là một sự răn đe nhiều hơn khi ở đây thay vì ở trong Vịnh Péc-xích bởi vì từ vị trí này, chúng tôi có thể tiếp cận họ song họ lại không thể tiến gần tới chúng tôi”, Chuẩn Đô đốc Michael Boyle lý giải.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc Mỹ đang biến vùng Vịnh thành một "mồi lửa sẵn sàng bùng cháy".
Kênh truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Qatar dẫn lời Ngoại trưởng Zarif trong cuộc phỏng vấn cho biết vùng Vịnh sẽ trở nên "ít an toàn hơn" do các tàu hải quân nước ngoài tăng cường sự hiện diện tại đây.
Ông Zarif nêu rõ khu vực này đã trở thành "mồi lửa sẵn sàng bùng cháy" do chứa đầy vũ khí của Mỹ và các đồng minh của nước này. Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran khẳng định Tehran sẽ hành động để bảo vệ an ninh của mình.
Video máy bay trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln luyện tập tại biển Arab (nguồn: VOA):
Theo báo Anh Sky News, máy bay trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln được cho là đã nhận nhiệm vụ tấn công một vài mục tiêu Iran trong tháng 6 vừa qua sau khi Tehran bắn hạ một máy bay không người lái do thám Mỹ với lý do máy bay này xâm phạm không phận quốc gia Trung Đông và phớt lờ các tín hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, vào phút chót, Tổng thống Donald Trump đã hủy lệnh tấn công vào phút chót.
Sự cố Iran bắn hạ máy bay không người lái do thám Mỹ là một trong nhiều diễn biến góp phần làm leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia. Washington cáo buộc Tehran đứng sau "các cuộc tấn công phá hoại" nhằm vào tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào giữa tháng 5 và ở vịnh Oman hồi đầu tháng 6, điều mà Iran luôn bác bỏ.
Mỹ cũng đề xuất thành lập một liên minh hải quân quốc tế tại vùng Vịnh và mời một số nước châu Âu, bao gồm Đức, Pháp và Anh, cùng với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia tham gia.
Tehran đã lên tiếng cảnh báo hậu quả từ việc Israel tham gia liên minh của Mỹ. Trong khi đó, Anh tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh đảm bảo an ninh hàng hải cùng với Mỹ ở vùng Vịnh để bảo vệ các tàu thuyền qua lại khu vực này sau khi Iran bắt giữ một tàu mang cờ Anh.