Trung Đông trước mối lo Intifada

Tiến trình hòa bình Trung Đông một lần nữa lại đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và trở lại tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế trước nguy cơ nổ ra một cuộc nổi dậy (Intifada) lần thứ ba của nhân dân Palestine chống Israel.


Cảnh sát Israel tuần tra tại lối vào khu thành cổ ở đông Jerusalem ngày 15/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Các vụ đụng độ giữa người biểu tình Palestine và lực lượng Israel đã liên tiếp nổ ra từ trung tuần tháng 9/2015, thời điểm bắt đầu dịp lễ năm mới Rosh Hashana của người Do Thái và lễ hiến sinh al-Adha của người Hồi giáo. Xung đột khởi phát từ khu vực đền thờ Hồi giáo al-Aqsa (Jerusalem) - địa điểm tín ngưỡng linh thiêng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo - đã nhanh chóng lan sang những khu vực khác ở Bờ Tây, biên giới với Dải Gaza, thậm chí các thành phố lớn của Israel. Để đối phó với các cuộc biểu tình bạo động và hành động tấn công của người biểu tình Arab và Palestine, chính quyền Israel đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay: từ trấn áp, bắt giữ hành chính, phong tỏa những điểm "nóng" cho tới nới lỏng việc cho phép cảnh sát sử dụng đạn thật.

Tuy nhiên, bất chấp việc huy động một lực lượng cảnh sát hùng hậu và lần đầu tiên đưa quân đội vào các thành phố để tăng cường an ninh, các cuộc biểu tình và phản đối của người Arab và Palestine không những không thuyên giảm mà còn leo thang căng thẳng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Palestine, các cuộc đụng độ kể từ đầu tháng 10 tới nay đã khiến ít nhất 30 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương, trong khi phía Israel có 7 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Bạo lực gia tăng và kéo dài trên diện rộng gây thương vong lớn cho cả hai bên, nhất là người Palestine, khiến giới chức Israel thực sự lo ngại về nguy cơ nổ ra cuộc nổi dậy Intifada lần thứ ba của người Palestine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jerusalem ngày 15/10, Thủ tướng Israel Netanyahu (ảnh) tuyên bố sẽ tiến hành cuộc gặp “hết sức cởi mở” với Tổng thống Palestine nhằm làm dịu bớt tình trạng bạo lực giữa người Palestine và Israel kéo dài gần một tháng qua. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thỏa thuận hòa bình ký năm 1994 giữa Jordan và Israel, người Do Thái được thăm đền al-Aqsa, song chỉ được cầu nguyện dưới chân núi của khu vực mà Israel gọi là Núi Đền này. Tuy nhiên, phía Palestine cáo buộc Israel đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế người Hồi giáo nhằm tạo điều kiện cho khách Do Thái thăm đền. Chính các chuyến thăm trên đã châm ngòi căng thẳng do người Palestine và người Hồi giáo trên thế giới lo ngại Israel cố chiếm giữ khu đền. Trên thực tế, nguy cơ nổ ra xung đột luôn thường trực vào thời điểm này hàng năm do trùng với những ngày lễ lớn của đạo Hồi và đạo Do Thái khi rất đông tín đồ của cả hai bên đổ về khu vực thành cổ Jerusalem hành lễ.

Bên cạnh căng thẳng tôn giáo, việc các cộng đồng dân cư Arab và Do Thái sống xen kẽ nhau trong cùng khu vực, tình hình kinh tế khó khăn của các cộng đồng người Arab và Palestine cùng với sự mở rộng các khu định cư Do Thái cũng được xem là một phần nguyên nhân. Tuy nhiên, về sâu xa, những gì xảy ra tại Jerusalem và khu Bờ Tây phản ánh sự thiếu niềm tin của người dân Palestine vào bất kỳ sự dàn xếp chính trị nào, nhất là khi các cuộc đàm phán hòa bình đều thất bại.

Trong khi căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt, các nhà lãnh đạo hai bên vẫn loay hoay tìm giải pháp làm dịu tình hình. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chỉ thị cho các lực lượng an ninh và đảng phái chính trị có các biện pháp giảm xung đột. Ông Abbas còn đưa vấn đề này ra trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây, đồng thời cảnh báo rằng căng thẳng có nguy cơ dẫn đến cuộc nổi dậy của người Palestine nếu Tel Aviv tiếp tục vi phạm và thực hiện các vụ tấn công nhằm vào khu đền al-Aqsa.

Phía Palestine cũng chỉ trích các biện pháp cứng rắn của Israel là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tăng cường lực lượng tại các thành phố và phương tiện giao thông công cộng, lập các trạm kiểm soát, phong tỏa các khu vực của người Arab và Palestine, đồng thời tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Abbas để nối lại đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, triển vọng về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo nhằm tháo gỡ tình hình vẫn chưa rõ ràng.

Nếu xét về quy mô và tính chất, cuộc xung đột hiện nay chưa thể so sánh với hai cuộc nổi dậy của người Palestine chống Israel vào những năm 1980 và 2000. Các cuộc biểu tình và hành động tấn công của người Palestine vẫn chưa mang tính tổ chức và diễn ra ở phạm vi hẹp, chủ yếu ở Jerusalem. Tuy nhiên, giới quan sát đều cho rằng chỉ cần xuất hiện thêm một vài diễn biến kịch tính, căng thẳng sẽ thực sự dẫn tới một Intifada nữa của người Palestine. Tình hình đó sẽ đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc và hy vọng về giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình sẽ càng trở nên xa vời.

Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Israel)
Palestine chỉ trích các biện pháp an ninh của Israel
Palestine chỉ trích các biện pháp an ninh của Israel

Chính quyền Palestine ngày 14/10 cảnh báo các biện pháp an ninh mà Israel đang thực thi tại Đông Jerusalem có thể dẫn tới tình trạng leo thang căng thẳng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN