Triển vọng kinh tế EU phục hồi khiêm tốn sau một năm đầy thử thách

Theo Dự báo kinh tế mùa thu năm 2023 của Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 15/11, nền kinh tế EU đã mất đà trong năm nay do chi phí sinh hoạt cao, nhu cầu bên ngoài yếu và thắt chặt tiền tệ. 

Chú thích ảnh
Tăng trưởng kinh tế EU đã mất đà, nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ phục hồi. Ảnh: Reuters

Trong khi hoạt động kinh tế dự kiến ​​sẽ dần phục hồi trong tương lai, Dự báo mùa thu của Ủy ban châu Âu đã điều chỉnh mức tăng trưởng GDP của EU xuống so với dự báo mùa hè. Lạm phát ước tính đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm tại khu vực đồng tiền chung euro vào tháng 10/2023 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.  

Tăng trưởng đã mất đà, nhưng vẫn được kỳ vọng phục hồi

Sau sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hầu hết năm 2022, GDP thực tế của EU giảm dần vào cuối năm và hầu như không tăng trưởng trong ba quý đầu năm 2023. Tuy vẫn ở mức cao, nhưng lạm phát đã giảm, trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt đã gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến ​​trước đây, cùng với các yếu tố bên ngoài tiêu cực. 

Các chỉ số kinh doanh và dữ liệu khảo sát mới nhất trong tháng 10 cho thấy hoạt động kinh tế của EU cũng trầm lắng trong quý 4 năm nay, trong bối cảnh tình trạng bất ổn gia tăng. Nhìn chung, Dự báo mùa thu của EC dự báo tăng trưởng GDP vào năm 2023 ở mức 0,6% ở cả EU và khu vực đồng euro, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo mùa hè.

Tuy nhiên, EC cho rằng hoạt động kinh tế dự kiến ​​sẽ dần được cải thiện khi tiêu dùng phục hồi nhờ thị trường lao động mạnh mẽ ổn định, tăng trưởng tiền lương bền vững và lạm phát tiếp tục giảm bớt. Bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, đầu tư dự kiến ​​sẽ tăng trở lại. Năm 2024, tăng trưởng GDP của EU được dự báo sẽ cải thiện lên 1,3%, dù giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo mùa hè. Tại khu vực đồng euro, tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ thấp hơn một chút, ở mức 1,2%.

Vào năm 2025, với lạm phát và lực cản từ việc thắt chặt tiền tệ giảm xuống, tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​sẽ tăng lên 1,7% đối với EU và 1,6% đối với khu vực đồng euro, theo EC.

Lạm phát tiếp tục giảm sau khi xuống mức thấp nhất 2 năm

Báo cáo của EC nêu rõ lạm phát đang có xu hướng giảm, ước tính xuống còn 2,9% tại khu vực đồng euro trong tháng 10, từ mức đỉnh 10,6% một năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

Lạm phát chung ở khu vực đồng euro được dự đoán sẽ giảm từ 5,6% vào năm 2023 xuống 3,2% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025. Tại EU, lạm phát chung được dự đoán sẽ giảm từ 6,5% vào năm 2023 xuống 3,5% vào năm 2024 và 2,4% vào năm 2025.

Chú thích ảnh
Xung đột ở Ukraine và Trung Đông dự báo sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế EU. Ảnh: Reuters

Thị trường lao động vẫn có khả năng phục hồi

Thị trường lao động EU tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2023, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong quý 2, tỷ lệ việc làm ở EU đạt mức cao kỷ lục và trong tháng 9, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 6%, gần mức thấp kỷ lục.

Mặc dù thông tin mới nhất từ ​​các cuộc khảo sát cho thấy tình hình đang có dấu hiệu tiêu cực và một số quốc gia thành viên EU đã chứng kiến ​​tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thị trường lao động sẽ vẫn có khả năng phục hồi trong thời gian tới. 

Tăng trưởng việc làm ở EU được dự đoán là 1,0% trong năm nay, trước khi giảm xuống 0,4% trong cả hai năm 2024 và 2025. Tỷ lệ thất nghiệp ở EU dự kiến ​​sẽ duy trì ổn định ở mức 6,0% vào năm 2023 và 2024, và sẽ giảm xuống mức 5,9% vào năm 2025. Tiền lương thực tế dự kiến ​​sẽ chuyển biến tích cực vào năm tới nhờ tiền lương danh nghĩa tiếp tục tăng và lạm phát giảm.

Rủi ro và bất ổn gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị

Sự bất ổn và rủi ro đối với triển vọng kinh tế đã gia tăng trong những tháng gần đây trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn và cuộc xung đột ở Dải Gaza bùng phát. Cho đến nay, tác động của điều này đối với thị trường năng lượng đã được kiềm chế, nhưng nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng có thể tác động đáng kể đến giá cả. Sự phát triển kinh tế ở các đối tác thương mại lớn của EU, đặc biệt là Trung Quốc, cũng có thể gây ra rủi ro.

Về nội bộ, việc thắt chặt tiền tệ có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế lâu hơn và ở mức độ lớn hơn dự kiến. Cuối cùng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, cháy rừng, hạn hán và lũ lụt đang hoành hành khắp lục địa và trên thế giới với tần suất và phạm vi ngày càng tăng, minh họa những hậu quả nghiêm trọng mà biến đổi khí hậu có thể gây ra không chỉ đối với môi trường và những người bị ảnh hưởng mà còn đối với cả nền kinh tế.

Dự báo kinh tế mùa đông năm 2024 của Ủy ban châu Âu sẽ cập nhật các dự báo về GDP và lạm phát, dự kiến ​​sẽ được công bố vào tháng 2/2024.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo ec.europa.eu)
EU ghi nhận sự phát triển và năng lực của Việt Nam về chuyển đổi xanh
EU ghi nhận sự phát triển và năng lực của Việt Nam về chuyển đổi xanh

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ và Nghị viện châu Âu (EP), tối 15/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Brussels (Bỉ), đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu (INTA) Bernd Lange.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN