Tổng thống Trump có thể loại công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công trong buộc quỹ lương hưu liên bang của Mỹ ngừng đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại đại lục.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN

Giờ đây, ông lại cứng rắn trong việc loại các công ty Trung Quốc khỏi hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là NYSE và Nasdaq, qua việc buộc các công ty này phải tuân thủ nguyên tắc kế toán chống gian lận, hoặc là tìm sàn giao dịch mới. 

Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox Business mới đây, ông Trump cho biết Mỹ đang tìm cách yêu cầu các công ty Trung Quốc phải tuân thủ Luật Sarbanes-Oxley. Ông cũng dự đoán các công ty lớn của Trung Quốc như Alibaba (mã chứng khoán BABA) sẽ buộc phải rời sang sàn chứng khoán London hoặc Hong Kong. 

Luật Sarbanes-Oxley (SOX) được xây dựng sau khi nổ ra một loạt các vụ bê bối liên quan đến nhiều công ty, khởi nguồn là Enron và WorldCom (đã giải thể), khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại lớn do những lỗ hổng về kiểm toán. Dự luật được đồng bảo trợ bởi cựu nghị sỹ Paul Sarbanes và nghị sỹ Michael Oxley, được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 30/7/2002.

Đây là một trong những luật căn bản của nghề kế toán, kiểm toán nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư bằng cách buộc các công ty đại chúng phải đảm bảo minh bạch hơn trong các báo cáo, các thông tin tài chính khi công bố. Nhiều công ty nước ngoài có Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ đều tuân thủ luật này, ví như tập đoàn dầu khí Brazil Petrobras. 

Các công ty Trung Quốc muốn được niêm yết trên các sàn chứng khoán tại Mỹ bởi cổ phiếu của họ có điều kiện tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Phố Wall cũng thích điều này bởi được tiếp cận dễ dàng hơn chứng khoán Trung Quốc. Vậy nhưng hơn 100 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ không cho phép bên thứ 3 kiểm toán tài chính, dẫn đến tiếng nói phản đối không công bằng. 

Bê bối kế toán gần đây đối với Luckin’ Coffee, được mệnh danh là “Starbuck của Trung Quốc”, mà người đầu tiên phát hiện ra là công ty nghiên cứu đầu tư Muddy Waters, là trường hợp điển hình cho thấy Phố Wall bị tổn hại từ việc một số công ty Trung Quốc “xào nấu” số liệu, sổ sách. 

Cổ phiếu của Luckin’ Coffee đã bị dừng giao dịch trên sàn Nasdaq sau khi rớt giá 80% do báo cáo mà Muddy Waters tung ra. Công ty này sa thải Giám đốc điều hành (CEO) và Giám đốc vận hành (COO) để xoa dịu dư luận. 

Hiện chưa rõ bằng cách nào Tổng thống Trump có thể buộc Ủy ban chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) áp dụng quy định đối với Trung Quốc. Cũng chưa biết liệu các công ty Trung Quốc có còn tiếp tục được niêm yết trên các sàn giao dịch tại Mỹ mà không phải tuân thủ quy định của SOX hay không. 

Khoản 404 của SOX quy định ban điều hành các công ty và kiểm toán viên phải báo cáo đầy đủ về số liệu kế toán, điều mà các quan chức Trung Quốc nói với SEC là “thông tin bí mật”. Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng của Mỹ (PCAOB) có một danh sách các công ty mà Ủy ban khó tiếp cận được thông tin kiểm toán. Trung Quốc áp đảo danh sách này. Không có một công ty nào của Brazil, Nga, Ấn Độ hay Nam Phi – những đối tác tương đồng với Trung Quốc, nằm trong danh sách của PCAOB.

SEC và PCAOB trong nhiều năm qua đã tìm kiếm các cuộc đối thoại xây dựng với quan chức và giới làm luật Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nhà đầu tư cũng như chất lượng của các báo cáo tài chính, dịch vụ kiểm toán. Dù vậy, SEC chưa đạt được nhiều tiến triển. 

Ý tưởng của Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ của một số nghị sĩ tại Quốc hội. Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết một đồng minh thân thiết của ông Trump tại Quốc hội cho rằng Tổng thống Mỹ hoàn toàn đúng khi chỉ rõ thực tế các công ty Trung Quốc khai thác thị trường vốn ở Mỹ nhưng lại không chấp nhận các quy định, điều luật của Mỹ. 

Ông Rubio có kế hoạch thuyết phục nghị sĩ Dân chủ ủng hộ sáng kiến được thiết kế để tách các công ty Trung Quốc khỏi Mỹ. Ông cùng với nghị sĩ Bob Menendez, Kirsten Gillibrand đều của đảng Dân chủ và Tom Cotton thuộc đảng Cộng hòa mới đây đã cùng đưa ra dự luật có tên gọi “Luật công bằng”, buộc Trung Quốc phải chia sẽ báo cáo tài chính cho kiểm toán bên thứ 3. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Forbes)
Mỹ tăng cường áp lực quân sự lên Trung Quốc trong thời kỳ dịch COVID-19
Mỹ tăng cường áp lực quân sự lên Trung Quốc trong thời kỳ dịch COVID-19

Mỹ đã gia tăng áp lực quân sự lên Trung Quốc ở thời điểm Washington cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng COVID-19 để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN