Tổng thống Mỹ thay nhân sự để siết chặt chính sách ngoại giao

Ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột thông báo quyết định cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson, đồng thời bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo vào cương vị này.

Ông Rex Tillerson (trái) và ông Mike Pompeo (phải). Ảnh: AFP/TTXVN.

Quyết định thay đổi nhân sự của Tổng thống Trump được chú ý đặc biệt khi Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Triều Tiên, cuộc gặp được kỳ vọng có thể mở ra cơ hội cho bế tắc kéo dài nhiều năm qua trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
         
Quyết định nói trên được Tổng thống Trump đưa ra chỉ 4 giờ sau khi ông Tillerson trở về Washington sau chuyến công du dài ngày tới châu Phi. Nhà Trắng cho biết quyết định này đã được thông báo với ông Tillerson vài ngày trước, song theo Thứ trưởng Ngoại giao Steve Goldstein, ông Tillerson hoàn toàn bất ngờ và chỉ chính thức biết tin vài giờ sau khi trở về từ Nairobi (Kenya). Theo báo giới Mỹ, hơn 3 giờ sau khi công bố quyết định trên Tweeter, Tổng thống Trump mới có cuộc điện đàm để trao đổi trực tiếp với ông Tillerson.
        
Giới quan sát tại Mỹ cho rằng ngoài sự khác biệt về phong cách giữa một tổng thống phóng khoáng, liên tục thay đổi, với một ngoại trưởng luôn lịch lãm, phong nhã và nghiêng về truyền thống, trong nhiều vấn đề chính sách giữa ông Trump và ông Tillerson đã tồn tại những bất đồng quan điểm lớn được nhắc đến từ nhiều tháng trước. Lý giải về quyết định nói trên, bản thân ông Trump cũng thừa nhận  ông và Ngoại trưởng Tillerson bất đồng trong nhiều vấn đề, trong khi với Giám đốc CIA Pompeo lại hoàn toàn ngược lại.
         
Trên thực tế, từ cuối năm ngoái đã xuất hiện nhiều lời đồn đoán về khả năng Ngoại trưởng Tillerson bị thay thế khi giữa ông và Tổng thống Trump luôn tồn tại bất đồng về hàng loạt vấn đề. Trong thời gian nắm giữa cương vị Ngoại trưởng, ông Tillerson phải đối mặt với hàng loạt thách thức về chính sách ngoại giao, từ vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đến tình hình Ukraine và Syria, các cuộc bầu cử tại nhiều nước hay vụ việc mà Mỹ cho là tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao nước này tại Cuba. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông liên tục bị phủ bóng bởi phong cách làm việc được xem là "thiếu tính ngoại giao" và những phát biểu mang tính khiêu khích của Tổng thống Mỹ trên mạng xã hội Twitter, thường khiến căng thẳng quốc tế leo thang. Nhìn lại hơn 1 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, có thể thấy rõ những bất đồng quan điểm giữa hai người đã nảy sinh trong hầu hết các hồ sơ đối ngoại “nóng” của nước Mỹ, từ cách tiếp cận với Triều Tiên, Iran, quan hệ với Nga hay Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu.v.v.
           
Về vấn đề Triều Tiên, trong khi ông Tillerson chủ trương theo đuổi cách tiếp cận ôn hòa với Bình Nhưỡng, thì Tổng thống Mỹ lại coi đây là hành động lãng phí với thời gian. Cuối năm 2017, Nhà Trắng thậm chí còn bác bỏ cam kết của Ngoại trưởng Tillerson về việc đàm phán với Triều Tiên mà không kèm theo điều kiện tiên quyết.
         
Khi khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh bùng phát giữa năm ngoái, Tổng thống Trump đã đứng về phía Arab Xêút và các nước đồng minh khác ủng hộ cấm vận Qatar, trong khi ông Tillerson lại chỉ trích hành động của Riyadh.
        
Một trong những vấn đề gây bất đồng lớn nhất giữa ông Tillerson với không chỉ Tổng thống Trump, mà còn nhiều quan chức thuộc phe cứng rắn trong Nhà Trắng, như Giám đốc CIA Pompeo hay Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley, là thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran. Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo rút khỏi thỏa thuận nếu nó không được sửa đổi, thì ông Tillerson luôn cho rằng nước Mỹ sẽ được lợi hơn nếu thỏa thuận này tồn tại và hối thúc ông Trump nghe theo các đồng minh châu Âu để giữ lại thỏa thuận này.
         
Trong quan hệ với Nga, ông Tillerson lại giữ lập trường cứng rắn, phản đối nới lỏng cấm vận và cải thiện quan hệ Moskva, một mục tiêu mà ông Trump tuyên bố ngay khi tranh cử. Quan điểm này còn được ông Tillerson nhắc lại trong bài phát biểu “chia tay” vào sáng 14/3 (giờ Hà Nội).
          
Chính giới Mỹ đã có nhiều phản ứng khác nhau trước diễn biến này. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng quyết định của Tổng thống Trump sa thải ông Tillerson là ví dụ mới nhất cho thấy sự hỗn loạn của Nhà Trắng đang gây ra những vấn đề lớn cả ở trong và ngoài nước. Đồng quan điểm, ông Thomas Countryman, cựu Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân từ năm 2011-2017, đánh giá quyết định nói trên có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Mỹ. Theo quan chức này, ông Tillerson đóng vai trò là người đánh giá lại chính sách của Tổng thống ở cấp độ nội các. Việc ông Pompeo, nhân vật chủ trương chính sách "gây hấn Trung Đông," được chỉ định làm ngoại trưởng sẽ xóa bỏ những tiến bộ ngoại giao về việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đẩy Mỹ vào xung đột mới trong khu vực. Nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump là “lựa chọn gây hỗn loạn”.
         
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ bang Nam Carolina, bà Lindsey Graham (Lin-xây Gra-ham), lại tin rằng ông Pompeo là một lựa chọn tuyệt vời. Theo bà, nhiệm vụ đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ là thực thi các chính sách và giải thích các chính sách này với thế giới, như mong muốn của tổng thống, mà hiện không ai thân cận với Tổng thống Trump hơn ông Pompeo. Tờ Washington Post thì dẫn lời của chuyên gia Huge Hewitt cho rằng không phải ngẫu nhiên khi Tổng thống Trump dùng từ “tràn đầy năng lượng” để khen ngợi ông Pompeo khi đề cử ông  vào vị trí thay ông Tillerson. Ông Trump nhấn mạnh “ông Pompeo sẽ hành động nhanh chóng và quyết đoán để khôi phục hoạt động hiệu quả của Bộ Ngoại giao”.
         
Giới phân tích cũng cho rằng động thái kể trên của Nhà Trắng có thể là dấu hiệu cho thấy ông Trump đang tìm cách siết chặt kiểm soát chính sách đối ngoại, trong bối cảnh nhiều quyết định và hành động của ông đi ngược lại những tuyên bố tranh cử. Chuyên gia Thomas Wright làm việc tại Viện Brookings cho rằng Tổng thống Trump đang tìm cách "bổ nhiệm những nhân vật trung thành và giúp ông chống lại những truyền thống", và đây là tín hiệu cho thấy ông Trump muốn thâu tóm và kiểm soát chính sách đối ngoại theo hướng riêng của mình.

        
Mặc dù bày tỏ bất ngờ trước quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ, song hai nước đồng minh của Washington là Nhật Bản và Hàn Quốc đều lần lượt khẳng định sự thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ song phương, cũng như việc phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Từ Nga, các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng việc thay đổi nhân sự này có thể đe dọa quyền tự chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ trong việc đưa ra các quyết định và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách đối ngoại của Mỹ.
         
Ông Pompeo, 54 tuổi, hiện được coi là một trong những nhân vật thân cận nhất của Tổng thống Trump. Từng tốt nghiệp Học viện quân sự Mỹ và trường Luật Harvard, từng là quân nhân, thương gia, hạ nghị sĩ, ông Pompeo được biết đến với những quan điểm hết sức cứng rắn trong vấn đề Iran và Triều Tiên. Giám đốc CIA Pompeo nhận định chương trình tên lửa của Triều "không đơn giản là phòng thủ" và bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng là phát triển một kho vũ khí hạt nhân để đe dọa Mỹ, chứ không chỉ để "phô trương" lực lượng. Ông Pompeo cũng nhấn mạnh mặc dù mục tiêu của Tổng thống Trump là tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nhưng hiện CIA vẫn đang phối hợp để trình ông Trump nhiều kịch bản khác nhau. Trong vấn đề Iran, ông Pompeo luôn phản đối thỏa thuận hạt nhân với Tehran khi cáo buộc Iran là "quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố", đồng thời tuyên bố sự gia tằng tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực có thể trở thành thách thức lớn nhất cho chính sách Trung Đông của Mỹ trong dài hạn.
         
Trang mạng USnews đánh giá là nhân vật có quan điểm cứng rắn và trung thành với ông Trump, ông Pompeo có thể làm chính sách đối ngoại của Tổng thống khắt khe hơn nữa, khiến cho những quan điểm ôn hòa hơn càng khó được tiếp nhận tại phòng Bầu dục và làm phức tạp thêm những nỗ lực ngoại giao vốn đầy nhạy cảm với Triều Tiên. Những phụ tá của ông Pompeo cũng xác nhận Giám đốc CIA tin rằng không có áp lực trừng phạt nào đủ mạnh để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ngay trong một phát biểu hồi tuần trước, ông Pompeo cũng khẳng định Mỹ sẽ không có bất cứ sự nhượng bộ nào, và sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng dù hai bên nhất trí tiến hành  cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến vào tháng 5 tới. Điều này cho thấy mặc dù sẽ phụ trách các cuộc đàm phán với Triều Tiên trong thời gian tới, song ông Pompeo đặt rất ít kỳ vọng vào sự thành công của nó.
         
Tờ New York Times ngày 14/3 nhận định bên cạnh việc phải giải quyết hàng loạt hồ sơ ngoại giao nóng của nước Mỹ, một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà ông Pompeo phải thực hiện nếu được phê chuẩn giữ cương vị mới, đó là nhanh chóng bổ khuyết những vị trí còn trống trong Bộ Ngoại giao, do có rất nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu đã rời khỏi cương vị của mình trong năm qua. Cụ thể, ông Pompeo sẽ phải tìm người phù hợp cho hàng chục ghế đại sứ Mỹ ở các nước, trong đó những địa bàn trọng yếu như Hàn Quốc, Ai Cập, Jordan hay Thổ Nhĩ Kỳ.
          
Chưa thể khẳng định sự thay đổi nhân sự cấp cao của ngành ngoại giao Mỹ sẽ tác động cụ thể thế nào đến chính sách đối ngoại của Washington, nhất là các vấn đề được quan tâm lớn hiện nay như cách tiếp cận với Triều Tiên và Iran, song bức tranh ngoại giao của Mỹ trong thời gian tới có thể được hình dung qua tuyên bố của ông Pompeo sau khi được đề cử rằng ông “sẽ cố gắng lãnh đạo ngành ngoại giao hoạch định và thực hiện tốt nhất đường hướng đối ngoại của Tổng thống Trump.

Đặng Ánh (TTXVN)
Trực thăng bí ẩn rọi đèn thẳng xuống Đại sứ quán Nga ở Mỹ trong đêm
Trực thăng bí ẩn rọi đèn thẳng xuống Đại sứ quán Nga ở Mỹ trong đêm

Ngày 13/3, Đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington D.C. (Mỹ) đã phát hiện một chiếc trực thăng lạ lởn vởn phía trên đầu và chiếu đèn rọi thẳng xuống sân thượng tòa nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN