Tổn thất lớn của Mỹ tại Ápganixtan

Hơn 20 biệt kích hàng đầu đã thiệt mạng trong vụ trực thăng vận tải Chinook bị Taliban bắn hạ hôm 5/8/2011 là tổn thất lớn đối với lực lượng đặc nhiệm của Mỹ hiện đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chấm dứt cuộc chiến Ápganixtan. Một quan chức thuộc lực lượng đặc nhiệm hải quân nói: “Tổn thất này là chưa từng có tiền lệ. Đây là ngày tồi tệ nhất trong suốt chiều dài lịch sử”.

Binh sĩ Mỹ và binh sĩ quân đội quốc gia Ápganixtan tham gia chiến dịch quân sự dưới sự yểm trợ của máy bay UH-47 Chinook tại vùng núi hiểm trở Spira thuộc tỉnh Khost, Ápganixtan, giáp giới Pakixtan ngày 20/11/2008. AFP/ TTXVN


Theo chính phủ Ápganixtan và Taliban, chiếc trực thăng vận tải Chinook bị bắn hạ bởi phiến quân trong cuộc giao tranh ở phía tây nam thủ đô Cabun, đã làm 30 lính Mỹ thiệt mạng, trong đó có hơn 2 chục lính thuộc lực lượng đặc nhiệm hải quân SEAL, 7 lính đặc nhiệm của Ápganixtan và 1 phiên dịch cũng thiệt mạng trong vụ này. Đây là vụ gây tổn hại lớn nhất đối với liên quân do NATO dẫn đầu kể từ ngày lực lượng này đặt chân tới Ápganixtan lật đổ chính quyền Hồi giáo Taliban.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, với quân số lên tới hàng nghìn biên chế theo các đơn vị tinh nhuệ, thực hiện hàng loạt vụ đột kích chủ yếu vào ban đêm, với nhiệm vụ là bắt sống hoặc hạ sát các nhân vật quan trọng thuộc hàng ngũ Taliban.

Các vụ tấn công của các đơn vị bí mật trên là một phần trong chiến lược của NATO đối phó với Taliban, đồng thời giảm thiểu thương vong cho dân thường, nhằm tạo thiện cảm với người địa phương. Theo Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO (ISAF), trong nửa đầu năm 2010, có khoảng 7.000 vụ tấn công được thực hiện bởi các lực lượng khác nhau, tiêu diệt khoảng 2.000 phiến quân và bắt sống 4.000 tên.

Báo chí Mỹ cho hay, các biệt kích thiệt mạng trong vụ trực thăng bị bắn hạ thuộc biên chế của Biệt đội 6 (SEAL Team Six), một đơn vị được coi là tinh nhuệ của những tinh nhuệ, đã thực hiện vụ đột kích tiêu diệt thủ lĩnh al - Qaeda, Osama bin Laden hồi tháng 5/2011.

Nguồn tin từ các quan chức trả lời phỏng vấn AFP không xác nhận cũng không phủ nhận số binh lính thiệt mạng là thuộc Biệt đội 6 hay Navy SEAL, mà chỉ khẳng định không có ai đã từng tham gia chiến dịch tiêu diệt Bin Laden nằm trong số hơn 20 lính bị bắn hạ nói trên.

Đài truyền hình CNN cho hay số lính này thuộc về “lực lượng phản ứng nhanh”, có nhiệm vụ hỗ trợ các lực lượng đang chiến đấu và ở trong tình trạng nguy ngập. Các đơn vị như thế thường được sử dụng trong các phi vụ đặc biệt, cũng có mặt trong vụ tiêu diệt Bin Laden, và như thế có thể hiểu vụ giao chiến hôm 5/8 được nhắm vào một mục tiêu quan trọng.

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải điều quân thay thế số lính biệt kích nói trên. Theo Đại úy Kenneth Klothe, chuyên gia về các lực lượng đặc biệt tại Đại học Quân sự Quốc gia, phải mất 5 năm huấn luyện cho lính biệt kích trước khi ra chiến trường. Việc gia tăng thật nhanh quân số lực lượng tinh nhuệ được cho là đang hiện diện ở Ápganixtan, Irắc, Yêmen và Xômali thực ra đã được quan tâm từ trước khi xảy ra vụ trực thăng Chinook bị bắn hạ.

“Chúng ta không thể phát triển lực lượng này trong một sớm một chiều”, William McRaven, tân tư lệnh các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, phát biểu như thế trước quốc hội trong buổi lễ nhậm chức hồi tháng 6. Ông tiên liệu: “Một trong những thách thức lớn nhất trong tương lai đó là yêu cầu đối với lực lượng biệt kích (SOF) ngày một lớn hơn. Khi số quân phổ thông rút dần ra khỏi Ápganixtan, đòi hỏi có thể sẽ là các lực lượng đặc nhiệm sẽ phải gánh thêm nhiều trọng trách hơn nữa”.

Hiện có khoảng 140.000 lính quốc tế ở Ápganixtan, trong đó khoảng 100.000 là quân Mỹ. Theo kế hoạch, tất cả số binh lính này sẽ rời Ápganixtan trước cuối năm 2014, nhưng tình trạng bạo lực trở nên căng thẳng trong mấy tháng gần đây, bao gồm hàng loạt vụ ám sát ở miền nam vốn bất ổn, đang dấy lên những lo ngại về khả năng của lực lượng an ninh Ápganixtan.

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN