Toàn cảnh vụ các nước Arab ‘đóng băng’ quan hệ với Qatar

Việc 5 quốc gia Arab là Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Yemen cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar từ ngày 5/6 đang là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại khu vực Vùng Vịnh hiện nay.

Các công dân mang quốc tịch Qatar ở những quốc gia trên vừa chính thức nhận được thông báo phải về nước trong vòng hai tuần kể từ ngày cắt quan hệ ngoại giao. Bên trong đất nước 2,4 triệu dân này, người dân cũng đang nháo nhào mua thực phẩm để dự trữ và lo lắng về cuộc sống dưới thời bị cô lập ngoại giao – chuyện đã được dự đoán từ trước đối với quốc gia giàu có nhưng lại phụ thuộc phần lớn vào thực phẩm nhập khẩu này. 

Doha tuyên bố lý do mà các nước láng giềng đưa ra để cắt quan hệ - cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố và gây bất ổn khu vực – là “phi lý” và “vô căn cứ”.

Người dân Qatar đổ xô đi mua thực phẩm.

Theo CNN, dưới đây là những điều bạn cần biết để hiểu toàn cảnh về cuộc khủng hoảng mới nhất tại Vùng Vịnh:


Qatar bị cô lập thế nào?

Saudi Arabia đã đóng cửa toàn bộ biên giới, không phận và đường biển với Qatar, trong khi UAE cấm máy bay và tàu thuyền của Qatar cập cảng.
 
Các hãng hàng không lớn như Etihad, Emirates, Fly Dubai và Gulf Air hoãn mọi chuyến bay đến và đi từ Doha, thủ đô của Qatar. Phía Qatar Airways cho biết cũng tạm dừng phục vụ chuyến bay tới Saudi Arabia.

Các nhân viên ngoại giao Qatar đã nhận được thông báo rời khỏi trụ sở làm việc tại 5 nước trên.

Công dân Qatar phải về nước trong 14 ngày. 5 nước Vùng Vịnh trên cũng cấm công dân nước họ tới Qatar.

Tại sao các nước cắt đứt quan hệ với Qatar?

Nguyên nhân rất phức tạp. Các đồng minh Vùng Vịnh đã nhiều lên chỉ trích chính phủ Qatar có hành động trợ giúp nhóm “Anh em Hồi giáo” – nhóm Hồi giáo cực đoan bị Saudi Arabia và UAE xem là một tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mối rạn nứt này còn do các nước cho rằng Qatar quá gần gũi với Iran.

Saudi Arabia và Iran đang bất đồng trong một số vấn đề tại khu vực, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran và tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Iran đối với vương quốc này, đặc biệt là tại Syria, Liban và Yemen.

Qatar và Iran có quan hệ hợp tác chặt chẽ bởi vì cùng chia sẻ mỏ khí ga tự nhiên ngầm dưới biển lớn nhất. Tuy nhiên, truyền thông Vùng Vịnh đã cáo buộc mối quan hệ Doha –Tehran đã vượt xa chuyện quản lý nguồn tài nguyên. Báo giới cho rằng các quan chức Qatar đã gặp gỡ người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.   

Người dân Qatar chịu ảnh hưởng ra sao?

Qatar giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt nhưng lại không tự sản xuất được thực phẩm, phần lớn thức ăn được nhập khẩu từ Saudi Arabia. Sau khi đường biên giới bị chặn, giá thực phẩm ở Qatar đã tăng vọt. Người dân nước này đang khẩn trương mua tích trữ đề phòng trường hợp cạn kiệt thực phẩm.

Qatar Airlines là một hãng hàng không lớn trên thế giới nhưng hiện bị cấm bay vào không phận của Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE. Việc này có nghĩa rằng các chuyến bay tới châu Phi và Bắc Mỹ của hãng này sẽ bay đường vòng, tốn kém chi phí nhiên liệu và thời gian.

Trụ sở hãng hàng không Qatar Airways tại Doha, Qatar ngày 6/6. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, quốc gia này có một quỹ đặc biệt trên 300 tỷ USD được lập ra từ năm 2005 để phát triển tài nguyên tự nhiên, có thể giúp Qatar vượt qua bất cứ cú sốc tài chính nào.

Với dân số khiêm tốn chỉ 2,4 triệu người nhưng Qatar có tới 2 triệu lao động ngoại quốc từ Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Philippines tới sinh sống và làm việc. 

Đại sứ quán Qatar tại UAE khuyên công dân tới Kuwait hay Oman nếu như bị cấm bay thẳng. Cơ quan này cũng đề nghị hỗ trợ tiền vé máy bay cho công dân nếu họ không có khả năng. 

Một số người dân ở Vùng Vịnh cũng đang tìm kiếm loại phương tiện khác để đến và rời đi khỏi Doha. Các gia đình sống ở Dubai chọn cách đi xe buýt hoặc tàu hỏa tới Doha thay vì bay thẳng 45 phút như trước đây.

Tác động với thế giới

Bất cứ dạng bất ổn nào ở Trung Đông đều có xu hướng đẩy giá dầu lên cao. Hiện nay, thị trường dầu và khí đốt đều đã giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách ổn thỏa. Tuy nhiên, ông Greg McKenna, chiến lược gia thị trường tại AxiTrader nhận đình điều xảy ra tiếp theo mới quan trọng. “Qatar là nước xuất khẩu khí ga hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Nước này có đường ống dẫn dầu ở Vùng Vịnh và có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung cấp cho các nước láng giềng. Đó mới là điều đáng để xem”, chuyên gia McKenna nói.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao này cùng lúc đã trở thành yếu tố rắc rối mới nhất cho giải World Cup 2022 do Qatar đăng cai. Nếu lệnh cấm đi lại kéo dài sẽ khiến nguồn hàng cung cấp, người lao động và thậm chí là giới hâm mộ bóng đá gặp khó khăn khi đến với đất nước Qatar.

Bị hủy chuyến bất ngờ, hành khách đành phải chờ ở Sân bay Quốc tế Hamad, Qatar.

Nước Mỹ có liên quan hay không?

Không trực tiếp. Các quốc gia Vùng Vịnh là đối tác chính của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Qatar hiện cho phép binh sĩ Mỹ đồn trú tại Căn cứ Không quân Al Udeid – trung tâm quân sự chính tại khu vực thực hiện các nhiệm vụ không kích mỗi ngày. Tuy nhiên, giới chức Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cho biết vụ rạn nứt quan hệ ngoại giao khu vực Vùng Vịnh sẽ không làm gián đoạn chiến dịch chống IS.

Saudi Arabia và các đồng minh đã hành động chống lại Qatar sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị ngày 20 – 21/5 ở Riyadh, giúp họ cảm thấy bạo dạn hơn. Nhà lãnh đạo Mỹ thông báo ký kết hợp đồng mua bán vũ khí 110 tỷ USD với Saudi Arabia, đồng thời gửi một thông điệp rằng các nước trong khu vực nên nhận trách nhiệm lớn hơn để kiềm chế các nhân tố xấu.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump và đội ngũ nhân viên vẫn thường xuyên khen ngợi Qatar. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Ngoại trưởng Tillerson vừa có cuộc gặp với người đồng cấp Qatar tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Ông Trump từng khẳng định mối quan hệ Washington – Doha “vô cùng tốt đẹp”.

Qatar sẽ hành động gì?

Saudi Arabia và UAE khả năng sẽ đòi hỏi Qatar nhượng bộ để đổi lấy việc khôi phục lại quan hệ ngoại giao và kinh tế. Giới phân tích cho rằng một trong những đòi hỏi có thể là việc đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera. 

Được thành lập cách đây hai thập kỷ tại Doha, Al Jazeera đã giúp mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của Qatar bằng việc phát sóng các chương trình bằng tiếng Arab được hàng triệu người xem. 

Sultan Al Qassemi, một nhà bình luận nổi tiếng tại khu vực cho rằng Qatar dường như sẽ đóng cửa toàn bộ kênh Al Jazeera trong vài tháng tới nếu không phải là vài tuần.

Hoàng Trang/Báo Tin Tức
Qatar sẵn sàng đàm phán giải quyết khủng hoảng
Qatar sẵn sàng đàm phán giải quyết khủng hoảng

Ngày 6/6, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết Qatar sẵn sàng tổ chức đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng với các nước láng giềng trong vùng Vịnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN