Ông Paul Robinson, Giáo sư tại Đại học Ottawa bình luận trên kênh tin tức RT (Nga) ngày 23/1, cho rằng trong những năm gần đây, danh sách các cáo buộc nhằm làm mất uy tín của Nga ngày càng tăng lên. Ví dụ, câu chuyện kéo dài nhiều năm của Russiagate, được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một đặc vụ Nga. Tiếp theo, có những tuyên bố rằng Nga đang trang bị cho Taliban, chèn phần mềm độc hại vào lưới điện Vermont, rằng Nga chuyển tiền thúc đẩy Brexit thông qua doanh nhân người Anh Arron Banks, v.v. Tất cả điều này giờ đây được xác định là không đúng sự thật.
Tuy nhiên, các cáo buộc vẫn tiếp tục được đưa ra. Một trường hợp điển hình là câu chuyện về Hội chứng Havana. Hội chứng Havana là tên gọi của các triệu chứng bí ẩn mà hàng trăm nhà ngoại giao Mỹ và nhân viên CIA trên khắp thế giới gặp phải, bao gồm "đau đầu, mệt mỏi, giảm thính lực và thị giác, suy giảm nhận thức nghiêm trọng và suy nhược, ù tai, chóng mặt và mất kiểm soát hoạt động”.
Sau khi xem xét bốn nguyên nhân có thể gây ra Hội chứng Havana - nhiễm trùng, hóa chất, yếu tố tâm lý và năng lượng vi sóng - một báo cáo của Chính phủ Mỹ đã kết luận rằng “năng lượng RF [tần số vô tuyến] xung định hướng… dường như là nguyên nhân hợp lý nhất”. Hội chứng Havana là “có thật và nó rất nghiêm trọng”, Giám đốc CIA William Burns nhận xét, đồng thời cho biết thêm rằng có một “khả năng rất cao” rằng đó là kết quả của các hành động có chủ đích.
Ai có thể làm điều này? Trước công chúng, các quan chức Chính phủ Mỹ tránh nêu đích danh, thừa nhận rằng họ thiếu bằng chứng để làm như vậy. Tuy nhiên, về mặt cá nhân, họ lại ám chỉ Nga có liên quan, một cáo buộc nhanh chóng được truyền thông quốc tế khuếch đại.
Do đó, New York Times đưa tin các quan chức “có liên hệ với bản báo cáo” trên nói rằng quốc gia đứng sau “các cuộc tấn công” là Nga. Một số chuyên gia suy đoán rằng Hội chứng Havana là kết quả của các cuộc tấn công có chủ ý, trong khi những người khác cho rằng triệu chứng trên là tác dụng phụ không mong muốn của một số máy quét được thiết kế để trích xuất thông tin tình báo từ thiết bị điện tử của các nhà ngoại giao. Dù bằng cách nào thì Nga cũng chịu trách nhiệm, mặc dù không có bằng chứng nào hỗ trợ cho luận điểm này từng được công khai.
Tuy nhiên, những người hoài nghi vẫn đưa ra các giả thuyết khác nhau. Một là hội chứng do tiếng ồn lớn của dế gây ra. Sự ủng hộ cho lý thuyết này sau đó được đưa ra trong một báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ ủy quyền kết luận dế là thủ phạm có nhiều khả năng nhất trong 21 trường hợp được ghi nhận.
Cuối năm ngoái, một giả thuyết khác đã xuất hiện. Theo một nhóm các nhà khoa học Mỹ, hội chứng Havana là "một căn bệnh tâm thần hàng loạt", đó là một ví dụ về “hiệu ứng nocebo” (những lo ngại tiêu cực về điều trị dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn), ngược lại với hiệu ứng giả dược. Sau sự cố ban đầu ở Cuba, các nhà ngoại giao Mỹ được yêu cầu phải chú ý đến các vấn đề "sức khỏe bất thường".
Dù sự thật ra sao, câu chuyện về vũ khí vi sóng của Nga vẫn tiếp tục được quan tâm. Nhưng giờ đây có vẻ như ngay cả CIA cũng đang nghi ngờ điều đó. Theo các báo cáo vào tuần trước, “trong một đánh giá tình báo mới, CIA đã loại trừ rằng các triệu chứng bí ẩn được gọi là Hội chứng Havana là kết quả của một chiến dịch toàn cầu kéo dài của một thế lực thù địch nhằm vào hàng trăm nhà ngoại giao và gián điệp của Mỹ”.
Đánh giá nêu rõ, trong khoảng hai chục trường hợp, cơ quan này không loại trừ sự liên quan của nước ngoài, trong đó có nhiều trường hợp từ Đại sứ quán Mỹ ở Havana bắt đầu từ năm 2016. Một nhóm trường hợp khác được coi là chưa được xác định nguyên nhân. Nhưng trong hàng trăm trường hợp có các triệu chứng khác, cơ quan này đã tìm ra những lời giải thích thay thế hợp lý.
Ý kiến cho rằng các triệu chứng chấn thương sọ não lan rộng là do Nga hoặc một thế lực nước ngoài khác nhắm vào người Mỹ trên khắp thế giới, để gây hại cho họ hoặc để thu thập thông tin tình báo, được coi là không có cơ sở.
Ông Robinson lưu ý, mặc dù vẫn còn một số trường hợp mà nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được biết và do đó “không thể loại trừ sự tham gia của nước ngoài”, nhưng điều này hầu như không phải là bằng chứng để phán quyết “Nga đã làm điều đó”.