Thương mại toàn cầu đang hồi phục nhanh hơn so với thời hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, giúp kinh tế thế giới sáng sủa hơn ở một số điểm và xóa đi những dự đoán u ám trước đó cho rằng đại dịch có thể đẩy toàn cầu hóa tới ngưỡng thoái trào thường trực.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin về COVID-19, trao đổi hàng hóa quốc tế đã chứng kiến mức suy giảm lớn nhất theo so sánh cùng kì năm kể từ cuộc Đại Suy thoái. Các nhà kinh tế lúc đó cảnh báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, một số công ty tuyên bố sẽ đánh giá lại chuỗi cung ứng nước ngoài vốn bị xem là dễ bị tổn thương trước những cú sốc bất ngờ.
Chưa về ngưỡng trước đại dịch, nhưng theo Viện nghiên cứu Kinh tế thế giới Kiel (Đức), thương mại toàn cầu đã có sự bứt tốc mạnh mẽ. So với mức đáy được ghi nhận hồi tháng 6, giao thương quốc tế ở thời điểm hiện nay đã tăng được khoảng 50%.
Còn nghiên cứu của hãng IHS Markit được thực hiện trong tháng 8 cho thấy, lượng đơn hàng xuất khẩu có xu hướng tăng ở 14 trên tổng số 38 nền kinh tế thuộc diện khảo sát. Các nền kinh tế còn lại cũng đều ở trong xu thế tích cực và có thể sẽ sớm ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu.
Trung Quốc – nơi có các nhà máy, công xưởng khôi phục sản xuất sớm nhất so với phần còn lại của thế giới sau đợt đóng cửa kinh tế, giãn cách xã hội vì COVID-19, ghi nhận mức xuất khẩu tăng 9,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tại cảng Ningbo-Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang, một trong những cảng biển lớn nhất thế giới, lượng hàng làm thủ tục qua cảng đã tăng vượt ngưỡng của năm 2019, với mức gia tăng đáng kể về tần suất hoạt động kể từ tháng 7.
Tại Hàn Quốc, lượng hàng xuất khẩu trong 10 ngày đầu tháng 9 này chỉ còn kém 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động vận tải tại nhiều cảng ở Mỹ, châu Âu, châu Á khác cũng đang trở lại trạng thái bình thường. Cước suất vận tải biển đã tăng vượt ngưỡng thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 đối với một số tuyến hàng hải huyết mạch, khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại.
Tuy nhiên, mức hồi phục là không đồng đều và thương mại toàn cầu vẫn phải đối mặt với những cơn gió nghịch, nhất là nguy cơ tiềm ẩn COVID-19 bùng phát trở lại vào mùa thu. Một nguy cơ khác đến từ việc một số nước nhâp khẩu lớn như Mỹ có thể tung ra phản ứng tiêu cực trước đà phục hồi của thương mại toàn cầu, thực thi các biện pháp bảo hộ cứng rắn hơn trong điều kiện phải đứng nhìn các nền kinh tế khác - như Trung Quốc, phục hồi mạnh.
Những nước có thương mại tăng nhanh, nổi bật là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức, đều nằm trong nhóm các quốc gia có nền kinh tế hồi phục tốt hơn số phụ thuộc lớn vào ngành dịch vụ. Theo Oxford Economics, thị phần của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu đã tăng từ mức 13,6% trong năm 2019 lên 17,2% trong quý 2 năm nay.
Còn với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn nhất kể từ sau năm 2008, do COVID-19 đã kìm hãm xuất khẩu dịch vụ, trong khi nhập khẩu hàng hóa lại trên đà phục hồi.
Trung Quốc đang ở quỹ đạo là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng dương trong năm 2020. Còn theo đánh giá của tập đoàn Barclays, GDP của Hàn Quốc và Đức sẽ sụt giảm tương ứng 1,5% và 5,3% trong năm nay, một mức suy giảm nhẹ hơn nhiều so với các nền kinh tế dựa nhiều vào dịch vụ, như Italy và Tây Ban Nha, vốn được dự báo tăng trưởng âm lần lượt 9,3% và 10,7%.
Điều này phản ánh một thực tế thương mại có thể đóng vai trò lớn hơn trong phục hồi kinh tế thế giới so với dự đoán trước đó. “Thương mại là một cấu thành kinh tế đã chứng tỏ được sức đề kháng tốt hơn. Ngay cả khi không thể đi du lịch, nghỉ dưỡng ở đâu đó, người tiêu dùng vẫn có thể tự mua cho mình một chiếc máy tính xách tay mới”, Shaun Roache, kinh tế gia trưởng phục trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại tập đoàn S&P Global bình luận.
Một lý do khiến ùn ứ thương mại toàn cầu năm nay ít nghiêm trọng hơn so với thời điểm sau năm 2009 chính là việc giao thương thời đại dịch chủ yếu bị hạn chế bởi các hàng rào cơ học, chứ không phải sự sụp đổ trong dài hạn về cầu tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa xuất nhập khẩu có thể phục hồi nhanh chóng một khi chính phủ các nước mở cửa biên giới hoặc nới lỏng hoạt động giãn cách xã hội.