Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong 8 năm qua kể từ năm 2011 khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il thăm Nga.
Chuyến thăm đầu tiên của ông Kim Jong-un tới Nga kể từ khi đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, một trong những hồ sơ quốc tế gai góc nhất, đã có những bước khởi sắc từ năm 2018 với 2 cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và hàng loạt cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chỉ dừng lại ở những cam kết mang tính thiện chí và một số động thái tích cực làm dịu căng thẳng. Bất đồng mấu chốt giữa Mỹ và Triều Tiên về lộ trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và Washington dỡ bỏ trừng phạt khiến đàm phán đình trệ kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai cuối tháng 2 vừa qua.
Việc chọn Nga là điểm công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên sau sự kiện trên và sau khi ông được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, cơ quan ra quyết định cao nhất của quốc gia này, vì vậy được chú ý đặc biệt.
Tuy nhiên, xét trên cục diện quan hệ Nga - Triều là mối quan hệ truyền thống, hai nước không có mâu thuẫn đối kháng và gần đây duy trì tiếp xúc các cấp khá thường xuyên, đặc biệt Nga đã nhiều lần mời nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm "xứ sở Bạch Dương", thì chuyến đi lần này của ông Kim Jong-un dường như đã chín muồi và không thực sự bất ngờ.
Về phía nước chủ nhà, gần đây Nga đã có nhiều động thái tăng cường hợp tác và gia tăng tiếp xúc với Triều Tiên ở nhiều cấp độ, với tần suất khá dày. Có thể kể ra một loạt chuyến thăm của lãnh đạo Nga trong khoảng hơn 1 năm qua tới Bình Nhưỡng: Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Valentina Matviyenko tháng 9/2018; Ngoại trưởng Sergey Lavrov tháng 5/2018, gần đây nhất là Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev đầu tháng 4 này. Tổng thống Vladimir Putin cũng là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên gửi thư chúc mừng ông Kim Jong-un được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên.
Không chỉ duy trì các hoạt động mang tính ngoại giao, Nga còn có những biện pháp thiết thực khác nhằm duy trì quan hệ kinh tế - thương mại - nhân văn với Triều Tiên, như tăng xuất khẩu dầu tinh luyện sang Triều Tiên, có kế hoạch viện trợ nhân đạo 50.000 tấn bột mỳ cho Bình Nhưỡng và ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch với Triều Tiên.
Về phần mình, Triều Tiên cũng “đáp lễ” bằng các chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại Kim Yong-jae, Phó Ban Đối ngoại thuộc Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên… Tuy nhiên, chuyến thăm Nga lần này của ông Kim Jong-un cùng với phái đoàn trên 200 người thực sự là một “cú hích”, một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau thời gian dài bị coi là "nguội lạnh", nhất là khi so sánh với mối quan hệ hữu nghị mật thiết giai đoạn Triều Tiên thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong-il, ông nội và cha nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và ông Kim Jong-un diễn ra ngày 25/4, với nội dung chính là vấn đề phát triển quan hệ song phương và phi hạt nhân hóa. Trong bối cảnh quan hệ với phương Tây không “thuận buồm xuôi gió”, đây cũng chính là hai lý do khiến Nga có sự quan tâm lớn hơn đến Bình Nhưỡng nói riêng và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nói riêng, bởi hai vấn đề này có liên quan khá chặt chẽ với nhau.
Trước hết, Triều Tiên là một nhân tố quan trọng trong việc triển khai chính sách “hướng Đông” của Nga. Với nguồn lực có hạn, Nga đang tìm cách điều chỉnh chính sách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm hơn, trong đó có khu vực Đông Á mà Triều Tiên là thành viên.
Thời gian qua, Nga đã nhiều lần muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Triều Tiên nhằm triển khai các dự án liên Triều về cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng như kết nối với hệ thống đường sắt liên Triều, đường ống khí đốt từ Nga sang bán đảo Triều Tiên… Tuy nhiên, những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cùng lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân - tên lửa của Bình Nhưỡng đã gây nhiều khó khăn cho Nga trong việc đạt được mục tiêu trên.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước giảm tới 56%. Vì thế, Nga đã không ít lần nêu đề xuất dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Chỉ khi đó, Nga và Triều Tiên mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của hai nước và đưa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực đi vào thực chất và hiệu quả.
Điều đó cho thấy Nga thực sự có lợi ích trong việc thúc đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên sớm ổn định và hòa bình. Gần đây, vai trò của Nga trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa được coi trọng đúng mức sau khi các cuộc đàm phán 6 bên bị đình trệ và Nga chưa có tiếng nói mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán “tay đôi” giữa Triều Tiên và các đối tác khác.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều lần này là một cơ hội tốt để Nga thể hiện rõ hơn vai trò và ảnh hưởng của mình đối với việc giải quyết một điểm nóng an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những nội dung mà hai bên có thể thống nhất về vấn đề hạt nhân Triều Tiên giúp Nga chủ động hơn trước bất kỳ “định dạng” hay cơ chế giải quyết nào, dù là song phương hay đa phương.
Nói cách khác, thông qua việc tổ chức “tham vấn” ở cấp cao nhất về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nga muốn chuyển tải một thông điệp rằng “quan điểm của Moskva cần được lắng nghe trong mọi giải pháp cho vấn đề này”. Đồng thời, chuyến thăm của ông Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ giúp hai nước tìm ra những cách thức vượt qua các khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan nhằm đưa trao đổi thương mại song phương tiến xa hơn mức khoảng 40 triệu USD/năm như hiện nay.
Về phía Triều Tiên, việc "xích lại gần" Nga trong bối cảnh hiện nay được cho là "một mũi tên trúng nhiều đích". Trước hết, Nga là một đối tác kinh tế quan trọng và là một trong những nước viện trợ nhân đạo chủ chốt cho Triều Tiên khi quốc gia này vẫn hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong giai đoạn 2011-2017, Nga đã cung cấp lương thực viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên trị giá 25 triệu USD, giai đoạn 2018-2019 thêm 8 triệu USD nữa.
Về mặt chính trị, Nga có thể coi là đồng minh của Triều Tiên. Nga là một thành viên trên bàn đàm phán 6 bên nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và luôn ủng hộ giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Năm 2017, khi căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang tới mức "bên bờ vực chiến tranh", Nga cùng Trung Quốc đã đề xuất cơ chế “cùng đóng băng”, tức là Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung, còn Bình Nhưỡng chấm dứt thử tên lửa và hạt nhân, làm tiền đề nối lại đàm phán.
Bởi vậy, đối với Triều Tiên, thông qua việc củng cố quan hệ với Nga, vị thế của Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán hạt nhân, kể cả đàm phán với Mỹ, có thể tăng thêm sức nặng. Chưa kể việc gia tăng quan hệ với Nga cũng giúp Triều Tiên giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, ít nhất là về mặt kinh tế.
Chuyến thăm Nga lần này có thể coi như thông điệp mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn gửi tới nhiều bên, kể cả Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc, rằng Bình Nhưỡng luôn có mọi lựa chọn thay thế.
Xét trên quan điểm mà Nga theo đuổi từ trước tới nay, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều lần này có thể thúc đẩy tiến trình ngoại giao để tìm giải pháp cuối cùng tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngay khi đặt chân tới Vladivostok, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ hy vọng có thể thảo luận cụ thể với Tổng thống Nga việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả vấn đề dỡ bỏ trừng phạt và cả việc nối lại vòng đàm phán 6 bên vốn đình trệ từ năm 2008.
Có thể nói cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều lần này là cơ hội cho cả hai bên trong việc khẳng định vị thế và uy tín của mình. "Nhân tố Nga" nằm trong tính toán lợi ích chiến lược của Triều Tiên, trong khi việc mở rộng quan hệ với Bình Nhưỡng và can dự tích cực hơn vào vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã mở rộng "cánh cửa" để Moskva gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Bắc Á, lớn hơn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nói cách khác, hai bên đều có thể tối đa hóa lợi ích của mình thông qua cuộc gặp tay đôi này. Và trong bối cảnh các cơ chế đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang đình trệ, hội nghị thượng đỉnh này có thể trở thành "chất xúc tác" mở ra hướng tháo gỡ thế bế tắc hiện nay.