Với chủ đề bao trùm “Tăng cường hợp tác để chia sẻ thịnh vượng toàn cầu”, hội nghị cấp cao kéo dài 2 ngày ở Kampala không chỉ đơn thuần là một cuộc tụ họp ngoại giao, mà được các chuyên gia coi là sự phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của châu Phi trên trường quốc tế.
Vào thời điểm thế giới phải đối mặt với những thách thức nảy sinh từ các trung tâm quyền lực mới nổi, tách rời khỏi các khối toàn cầu truyền thống, các cuộc thảo luận tại hội nghị cấp cao quy tụ các đại biểu từ hơn 120 quốc gia đang phát triển trên một diễn đàn có ý nghĩa lịch sử quan trọng này được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt, đóng vai trò then chốt trong việc định hình diễn ngôn ngoại giao.
Trong 2 ngày làm việc, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua 3 văn kiện quan trọng, trong đó có văn kiện cuối cùng của Phong trào Không liên kết thể hiện toàn diện quan điểm đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; Tuyên bố Kampala để khẳng định lại các nguyên tắc và giá trị của NAM và Tuyên bố về Palestine nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine. Tại hội nghị lần này, các nước thành viên Phong trào Không liên kết cũng đã thống nhất kết nạp Nam Sudan và đây là lần đầu tiên sau 30 năm phong trào kết nạp một thành viên mới.
Được thành lập vào năm 1961 trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, cho đến nay, Phong trào Không liên kết đã kết nạp 120 quốc gia thành viên, gồm 53 quốc gia từ châu Phi, 39 quốc gia từ châu Á, 26 quốc gia từ khu vực Mỹ Latinh và Caribe và 2 quốc gia từ châu Âu (Belarus, Azerbaijan). Các quốc gia này đứng độc lập, không liên kết hay chống lại bất kỳ khối quyền lực nào. Mục tiêu chính của phong trào là phản ánh lợi ích và nguyện vọng của các quốc gia đang phát triển. Cho đến nay, đây là nhóm các quốc gia thành viên lớn nhất trên toàn thế giới sau Liên hợp quốc.
Diễn ra trong bối cảnh trật tự quốc tế lỏng lẻo với một thế giới đa cực đang phát triển, Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 19 chứng kiến sự chuyển giao vai trò chủ tịch từ Azerbaijan sang Uganda. Uganda sẽ giữ vị trí Chủ tịch Phong trào Không liên kết trong 3 năm tới.
Với việc tổ chức hội nghị lần thứ 19 tại một quốc gia châu Phi, có thể nhận thấy, các quốc gia châu Phi đang dần có lại vị trí quan trọng trên các diễn đàn quốc tế kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991.
Đặc biệt, năm 2023 là năm diễn ra nhiều hội nghị thượng đỉnh toàn cầu trong đó châu Phi là một phần hoặc đồng tham gia, như Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi được tổ chức vào cuối tháng 7/2023 tại St Petersburg, Nga, hay Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg, Nam Phi vào cuối tháng 8/2023, có chủ đề "BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác để cùng tăng tốc, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương toàn diện". BRICS theo chủ đề châu Phi đã chứng kiến sự mở rộng của nhóm với việc đưa Ethiopia và Ai Cập cùng 3 nước khác trở thành thành viên từ tháng 1/2024.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi được tổ chức tại Nairobi, Kenya vào tháng 9/2023 cũng là một minh chứng cho sự tham gia mạnh mẽ của châu Phi vào các diễn đàn hay các cuộc họp toàn cầu. Mới đây, Liên minh châu Phi (Au), tổ chức đại diện cho 55 quốc gia châu Phi, cũng trở thành thành viên chính thức trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G20).
Và đến lần này, chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 19 tại Uganda dày đặc, bao gồm các cuộc thảo luận về hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa. Hội nghị nhằm mục đích giải quyết những thách thức toàn cầu và tăng cường sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên. Chủ đề “Tăng cường hợp tác để chia sẻ thịnh vượng toàn cầu” phản ánh ý định này. Hội nghị còn tạo nền tảng cho các cuộc gặp song phương, tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Đặc biệt đối với NAM, với hơn 50% dân số là người châu Phi, hội nghị càng trở nên quan trọng, giúp các quốc gia thành viên tại châu Phi trong việc giải quyết hàng loạt thách thức, như mối đe dọa ngày càng tăng liên quan các cuộc đảo chính quân sự và khủng bố ở Tây Phi hay xung đột nội bộ ở Sudan, Nam Sudan, CHDC Congo, Libya, Mozambique, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi và các quốc gia khác.
Từ các cuộc họp và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các quốc gia thành viên, bao gồm bài phát biểu của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, có thể thấy Phong trào Không liên kết đóng vai trò quan trọng trong thế giới hiện đại vì dựa trên các nguyên tắc công lý và hòa bình. Phong trào cho phép các quốc gia duy trì nền độc lập mà không phải phục tùng các khối chính trị - quân sự.
Cách tiếp cận này giúp thiết lập sự cân bằng quyền lực và ngăn ngừa xung đột. Với 120 quốc gia thành viên, đại diện cho gần 60% dân số thế giới và chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, phong trào sẽ tiếp tục là tiếng nói dẫn dắt, thúc đẩy đoàn kết trong một thế giới đang chia rẽ. Đây cũng là những thông điệp mạnh mẽ của các nước đang phát triển.
Cũng có thể thấy rằng, nhờ những giá trị nền tảng, đặc biệt là 5 nguyên tắc cơ bản (Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; Cùng tồn tại hoà bình), NAM nhận được sự ủng hộ rộng rãi và được cộng đồng đa phương công nhận. Trong điều kiện quốc tế hiện nay, Phong trào Không liên kết cũng góp phần tạo dựng một trật tự quốc tế hòa bình, công bằng và ổn định, nơi các quốc gia có thể phát triển và tồn tại độc lập trước ảnh hưởng của các khối quân sự - chính trị. Điều này khẳng định tầm quan trọng của Phong trào và sự đóng góp trong việc giữ gìn hòa bình và công lý trong quan hệ quốc tế.
Đây chính là những nền tảng mà các nước thành viên NAM, đặc biệt là các nước châu Phi, cần tận dụng để tái khẳng định quyền tự quyết của mình, tiếp tục phát huy tiếng nói và vai trò chính trị trong tình hình mới.