Thời điểm quyết định với kinh tế châu Âu

Các quy định chặt chẽ hơn và việc EU ngừng tài trợ thông qua một số quỹ sẽ khiến các nước thành viên gặp khó khăn về nguồn tài chính.

Chú thích ảnh
Các nhà kinh tế dự báo những rủi ro liên quan đến việc EU chấm dứt nguồn tài trợ sau đại dịch vào năm 2026. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của tờ Politico (Mỹ) ngày 19/3, năm 2026 có thể là thời điểm quyết định đối với nền kinh tế châu Âu.

Cú giáng kép từ việc EU đưa ra các quy tắc chi tiêu mới và việc Ủy ban châu Âu ngừng cung cấp tài chính có thể để lại một “lỗ hổng” trong ngân sách của các quốc gia mắc nợ cao, đặc biệt là Pháp và Italy - có thể chỉ vài tháng trước khi cả hai nước phải đối mặt với cuộc bầu cử quan trọng.

Nils Redeker thuộc Viện nghiên cứu Jacques Delors (Pháp) cho biết: “Có nguy cơ là nếu chúng tôi không đầu tư đủ thì châu Âu sẽ quay trở lại thập kỷ của những năm 2010”.

Các nền kinh tế Nam Âu đã sa lầy vào tình trạng suy thoái kéo dài sau cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2009, với nợ công và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong bối cảnh chính phủ thường xuyên thay đổi. Các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như Hy Lạp, vẫn trì trệ ở dưới mức trước khủng hoảng sau hơn một thập kỷ cải cách đầy khó khăn.

Nhiều nhà kinh tế khẳng định rằng sẽ có những rủi ro liên quan đến việc Ủy ban châu Âu chấm dứt quỹ tài trợ sau đại dịch COVID-19 vào năm 2026. Đồng thời, các chính phủ sẽ phải tiếp tục đầu tư vào các dự án xanh và kỹ thuật số nếu không có nguồn tài trợ này từ Brussels.

Những quốc gia có khoản nợ lớn có thể phải gánh chịu cú sốc và các nhà phân tích cảnh báo rằng vấn đề sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nền kinh tế, gây ra tác động dây chuyền đến lĩnh vực chính trị.

Các đảng cầm quyền ở Pháp và Italy - hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro sau Đức - có lý do để lo lắng. Cuộc bầu cử tổng thống Pháp tiếp theo diễn ra vào tháng 4/2027, với việc Tổng thống Emmanuel Macron không thể tái tranh cử và nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đang nhận được sự ủng hộ. Cuộc tổng tuyển cử ở Italy dự kiến ​​​​diễn ra không muộn hơn cuối năm đó.

Hiện tại, nhiều quốc gia châu Âu đang phụ thuộc vào một loạt chương trình hỗ trợ và miễn trừ của EU nhằm mục đích giảm bớt hậu quả tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra, bao gồm Quỹ Phục hồi và Bền vững (RRF), trong đó các nước EU phát hành nợ chung lần đầu tiên. Các quỹ này vẫn đang cung cấp “huyết mạch” cho những quốc gia có nhiều nợ nhất. EU cũng đang rót hàng tỷ euro vào các dự án xanh và kỹ thuật số thông qua quỹ chuyên dụng này – trị giá hơn 700 tỷ euro – dự kiến ​​sẽ hết hạn vào cuối năm 2026.

Cùng với đó, Ủy ban châu Âu sẽ đình chỉ các quy định trợ cấp công nghiêm ngặt được gọi là viện trợ nhà nước - giúp các nước giàu hơn có quyền tự do củng cố các ngành công nghiệp chiến lược của họ - vào năm 2025. Mặc dù điều này sẽ không ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia nhưng nó sẽ hạn chế khả năng linh hoạt của các chính phủ.

Chuyên gia Lydia Korinek thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế ZOE nhận định: “Có một vách đá tài chính đang rình rập. Bộ quy tắc tài chính mới không hỗ trợ các thành viên đối phó với vách đá tài chính đó”.

Như vậy, cuộc cải cách các quy định chi tiêu của EU, được ký kết gần đây nhằm mục đích giúp các nước có thêm thời gian để cắt giảm nợ và chi tiêu, có thể chỉ mang lại sự cứu trợ tạm thời cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng nguy cơ phải gánh một khoản chi phí lớn hơn trong tương lai.

Jeromin Zettelmeyer, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Bruegel cho biết, các quốc gia có thể tránh được việc "đứng bên bờ vực" kinh tế vào năm 2027 nếu họ bắt đầu kiểm soát chi tiêu một cách quyết liệt hơn từ nay đến lúc đó.

Một quan chức của Nghị viện châu Âu, người tham gia đàm phán về các quy tắc chi tiêu mới, cho biết: “Các quy tắc mới sẽ có hiệu lực cho đến khi [RRF hết hạn] vào năm 2026”. Lập trường của quan chức này là quỹ hỗ trợ sau đại dịch hết hạn sẽ khiến các nước mắc nợ nhiều phải tự bỏ tiền mặt.

Trong khi đó, áp lực càng đè nặng trước sự trở lại tiềm năng của Donald Trump với tư cách tổng thống Mỹ, vốn có thể khuyến khích các nước EU tăng cường chi tiêu quốc phòng, làm tăng thêm áp lực tài chính của họ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã loại trừ việc gia hạn RRF sau năm 2026 và một nhà ngoại giao EU cho biết phần lớn nguồn tài trợ từ Quỹ gắn kết của EU - nói chung là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cho các khu vực nghèo hơn - sẽ được phân bổ sau năm 2026, có thể được sử dụng để lấp đầy khoảng trống mà RRF để lại. Ngoài ra, Quỹ Khí hậu Xã hội - một công cụ mới để hỗ trợ các dự án xanh - cũng sẽ được ra mắt.

Tuy nhiên, nhiều người không nghĩ rằng điều đó là đủ. Chuyên gia Zettelmeyer lưu ý nhu cầu chi tiêu của các quốc gia sẽ “quá lớn để có thể dung hòa nếu không có thêm tiền hỗ trợ ở cấp độ EU”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Thách thức với các nước châu Âu trong việc duy trì quân nhân tại ngũ
Thách thức với các nước châu Âu trong việc duy trì quân nhân tại ngũ

Khi châu Âu tái vũ trang trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine, họ gặp thách thức là làm cho lực lượng vũ trang trở nên hấp dẫn – điều khó thực hiện trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp thấp, sự cạnh tranh khốc liệt từ khu vực tư nhân và việc áp dụng rộng rãi hình thức làm việc từ xa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN