Thời đại đa cực hóa: Cơ hội hay nguy cơ?

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên đa cực, nơi nhiều quốc gia có khả năng định hình trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, sự chuyển dịch quyền lực này không chỉ mang lại cơ hội mà còn kéo theo những thách thức lớn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh: THX/TTXVN

Thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ sang trật tự đa cực, khi ngày càng có nhiều quốc gia có khả năng tác động đến các diễn biến toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình này đang đi kèm với những thách thức không nhỏ về sự phân cực sâu sắc cả trong và giữa các quốc gia.

Theo nhận định của Giáo sư Tobias Bunde, chuyên gia An ninh Quốc tế tại Trường Hertie (Berlin) và là Giám đốc Nghiên cứu và Chính sách tại Hội nghị An ninh Munich, cùng với Sophie Eisentraut, Trưởng phòng Nghiên cứu và Xuất bản tại Hội nghị này, mặc dù việc một trật tự quốc tế đa cực hoàn chỉnh có hình thành hay không vẫn còn gây tranh cãi, nhưng quá trình "đa cực hóa" đang diễn ra rõ rệt.

Điều đáng lo ngại là sự chuyển dịch quyền lực này đang kéo theo sự phân cực ngày càng sâu sắc. Các chính phủ có những tầm nhìn khác biệt, thậm chí đối lập về trật tự toàn cầu mới, khiến việc đạt được thỏa hiệp và giải quyết các thách thức chung trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Sự chia rẽ này thể hiện rõ nét qua khoảng cách ngày càng lớn giữa các chính phủ khác nhau, đặc biệt trong các vấn đề như nhân quyền, cơ sở hạ tầng toàn cầu và hợp tác phát triển. Ví dụ, Nga đang hướng tới xây dựng một trật tự do Moskva lãnh đạo ở khu vực Âu-Á, trong khi Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường đang nỗ lực thiết lập vị thế đứng đầu tại Đông Á. Hệ quả là các quy tắc, nguyên tắc và cơ cấu hợp tác toàn cầu đang dần bị thay thế bởi nhiều trật tự cạnh tranh và xung đột.

Trong nội bộ các quốc gia, tình trạng phân cực cũng ngày càng trầm trọng. Tại Mỹ, việc Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng là minh chứng cho sức mạnh của nền chính trị chia rẽ, điều này có thể sẽ tiếp tục củng cố các lực lượng phi tự do ở châu Âu và các nơi khác.

Đáng chú ý là sự phân cực trong từng nước đã tạo ra một vòng luẩn quẩn nguy hiểm. Bằng cách đẩy các chính phủ vào thế bế tắc và để lại cho họ rất ít không gian để xoay xở, sự phân cực đã trói buộc các nhà lãnh đạo, khiến họ không thể cải thiện quan hệ đối ngoại và tăng cường hợp tác toàn cầu. Về phần mình, các nhà lãnh đạo dân túy có ít động lực để giúp xây dựng sự đồng thuận giữa các quốc gia.

Tại nhiều nền dân chủ phương Tây, sự dịch chuyển quyền lực sang các nước mới nổi đã làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu tương đối của họ. Một số quan điểm cho rằng trật tự quốc tế tự do đã tạo ra lợi ích không công bằng không chỉ cho giới tinh hoa toàn cầu trong nước mà còn cho các cường quốc đang trỗi dậy ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, cùng với hy vọng mang lại một kỷ nguyên mới của hòa bình và ổn định, đa cực hóa cũng có nguy cơ thúc đẩy bất ổn thông qua các cuộc chạy đua vũ trang, chiến tranh thương mại và kéo dài các mâu thuẫn nội bộ hiện có. Nghiêm trọng hơn, nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc.

Về mặt quản trị toàn cầu, tình hình cũng không mấy khả quan khi nhiều quốc gia giờ đây có đủ ảnh hưởng để cản trở quá trình ra quyết định tập thể, trong khi thiếu vắng sự lãnh đạo tích cực. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia ở Nam toàn cầu, nơi nhiều người đặt hy vọng vào một thế giới đa cực công bằng và bao trùm hơn.

Mặc dù một số người kỳ vọng sự thay đổi này sẽ củng cố luật pháp quốc tế bằng cách giảm thiểu việc áp dụng các nguyên tắc của phương Tây một cách chọn lọc, nhưng nguy cơ là sẽ có nhiều chính phủ tuyên bố các quyền đặc biệt cho riêng họ. Điều này có thể dẫn đến một thế giới đa cực bị chia rẽ bởi bất đồng khi không có các quy tắc và thể chế chung.

Một số ý kiến cho rằng những chia rẽ liên quan đến đa cực có thể được khắc phục nếu các cấu trúc quản trị toàn cầu chấp nhận các trung tâm quyền lực mới. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại điều này sẽ không đủ để xây dựng sự đồng thuận cần thiết nhằm củng cố các quy tắc chung.

Giáo sư Bunde và chuyên gia Eisentraut kết luận, thực tế đáng buồn là hiện nay rất ít chính phủ hàng đầu thể hiện sự quan tâm thực sự trong việc đạt được một thỏa thuận giữa các cường quốc vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Thay vào đó, nhiều chính phủ dường như đang tận dụng sự phân cực của chính trị toàn cầu để theo đuổi các mục tiêu trong nước và địa chính trị của riêng họ.

Tương lai tốt đẹp hơn sẽ phụ thuộc vào việc liệu một thế giới đa cực có thể tìm ra cách để giảm thiểu những chia rẽ nguy hiểm này hay không, và điều quan trọng là những nỗ lực như vậy phải bắt đầu từ chính bên trong mỗi quốc gia.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo project-syndicate.org)
Nga thúc đẩy trật tự thế giới đa cực trong năm 2024
Nga thúc đẩy trật tự thế giới đa cực trong năm 2024

Từ châu Á đến châu Phi, từ kinh tế đến văn hóa, Nga đã mở rộng quan hệ đối tác và tăng cường ảnh hưởng toàn cầu bất chấp các thách thức từ phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN