Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 11/4, Tổng thống Donald Trump và các cố vấn nói rằng đây vốn là kế hoạch ngay từ đầu: làm cả thế giới lo sợ khi công bố các mức thuế quan cao đến mức phi lý, buộc các quốc gia phải ngồi vào bàn đàm phán (trừ Trung Quốc), rồi sau đó tạm hoãn áp thuế để Mỹ tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại mới trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sau khi ông Trump tạm hoãn 90 ngày các mức thuế quan đối ứng, chính quyền của ông chỉ còn ba tháng để ký kết những thỏa thuận thương mại phức tạp với hàng chục quốc gia đang xếp hàng chờ đàm phán.
Thị trường tài chính không tin vào điều đó. Chứng khoán biến động dữ dội khi mức độ bất ổn tăng vọt. Các thị trường khác, bao gồm dầu, trái phiếu và đồng USD, cũng đang phát đi tín hiệu rõ ràng về tâm lý hoài nghi sâu sắc, cho rằng ông Trump sẽ không thực hiện được kế hoạch này.
Chứng khoán
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Sau một đợt bán tháo mạnh vào ngày 10/4, thị trường chứng khoán có vẻ đã ổn định hơn, ít nhất là tạm thời và tăng điểm mạnh vào ngày 11/4.
Chỉ số Dow Jones kết phiên tăng 619 điểm, tương đương 1,56%. Chỉ số S&P 500 tăng 1,81% và Nasdaq tăng 2,06%. Thị trường an tâm hơn nhờ bà Susan Collins, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Boston, nói với tờ Financial Times rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ can thiệp để hỗ trợ thị trường tài chính nếu xuất hiện dấu hiệu khủng hoảng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang giao dịch trong tâm trạng căng thẳng tột độ và bất kỳ thông báo nào từ chính quyền Tổng thống Trump về thuế quan đều có thể khiến thị trường tăng vọt hoặc lao dốc. Ví dụ, thị trường chứng khoán giảm mạnh ngày 10/4 sau khi chính quyền Mỹ làm rõ cách tính thuế 145% đối với Trung Quốc, trong khi Phố Wall trước đó cho rằng mức thuế là 125%.
Chỉ số Dow Jones đã lao dốc, có thời điểm giảm hơn 2.000 điểm. Trong suốt 129 năm tồn tại của chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ có 31 lần chỉ số này tăng hoặc giảm từ 1.000 điểm trở lên trong một phiên. Trong số đó, có tới bốn lần xảy ra chỉ trong tuần qua.
Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 9% trong tuần đầu tiên của tháng 4 - mức giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 3/2020. Tuần này, chỉ số này đã tăng 5,7%, mức tăng mạnh nhất trong một tuần kể từ năm 2023.
Bất chấp đợt tăng lịch sử vào ngày 9/4 sau khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế, thị trường chứng khoán vẫn ở dưới mức giao dịch trước ngày 2/4 - thời điểm ông công bố kế hoạch thuế quan đối ứng.
Trái phiếu
Thị trường trái phiếu đang có dấu hiệu bất thường. Thông thường, giá trái phiếu sẽ tăng trong thời kỳ bất ổn. Trái phiếu kho bạc Mỹ từ lâu được xem là tài sản an toàn nhất, được bảo đảm bằng uy tín và khả năng thanh toán của chính phủ Mỹ. Nhưng trái phiếu hiện nay không tăng mà lại đang giảm.
Nguyên nhân chủ yếu là do giới đầu tư mất niềm tin vào chính sách thương mại của Mỹ và lo ngại rằng nước Mỹ có thể sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn cả những quốc gia đang là mục tiêu của chính sách thuế quan mà ông Trump đưa ra. Theo ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đang có nguy cơ làm tổn hại mối quan hệ với các đối tác quan trọng nhất và vị thế đặc biệt của Mỹ trên trường quốc tế.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ - biến động ngược chiều với giá - đã tăng vọt vào ngày 11/4, vượt ngưỡng 4,5%. Hồi đầu tuần, mức này còn dưới 4%. Đây là một biến động cực kỳ lớn đối với thị trường. Lợi suất cao hơn có thể gây tổn hại cho kinh tế Mỹ, vì nhiều khoản vay tiêu dùng được neo theo mức lãi suất này.
Các nhà phân tích của ngân hàng Citi viết trong bản tin ngày 11/4: “Lãi suất tăng với tốc độ nhanh nếu xét trong bối cảnh lịch sử và điều đó không mang lại chút an ủi nào cho nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn giữa thị trường hỗn loạn”.
Theo chỉ số tổng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ của Bloomberg, trái phiếu kho bạc Mỹ đang trên đà có tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2019.
Ông Chip Hughey, Giám đốc điều hành mảng thu nhập cố định tại công ty Truist Advisory Services, nhận định: “Hiện tại, điều kiện thị trường chưa đòi hỏi Fed phải can thiệp, nhưng các quan chức của Fed chắc chắn đang theo dõi chặt chẽ chức năng thị trường”.
Ông Dimon nói trong cuộc gọi báo cáo lợi nhuận ngày 11/4 rằng ông dự báo sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng nhỏ trên thị trường trái phiếu kho bạc, và điều đó sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang phải can thiệp. “Họ sẽ chưa làm gì bây giờ… nhưng họ sẽ ra tay khi bắt đầu cảm thấy lo lắng”, ông Dimon nói.
Dầu mỏ
Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Thị trường dầu đang phản ứng như thể nền kinh tế sắp rơi vào suy thoái.
Giá dầu đã lao dốc trong vài tuần qua vì giới đầu tư lo sợ rằng chính sách thương mại của ông Trump sẽ làm suy giảm nhu cầu đi lại, vận tải và giao thương - tất cả đều cần đến nhiên liệu.
Sáng 11/4, giá dầu Mỹ đã rơi xuống dưới 60 USD/thùng - mức thấp nhất trong gần bốn năm - rồi sau đó phục hồi nhẹ. Giá dầu Brent dao động quanh mức 63 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4/2021, rồi cũng nhích lên đôi chút.
Giá dầu tăng vào ngày 11/4 sau khi ông Chris Wright, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, nói với phóng viên rằng Mỹ có thể chặn xuất khẩu dầu của Iran khi hai bên đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Giá dầu Mỹ kết thúc phiên tăng 2,4%, đạt 61,50 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 2,26% lên 64,76 USD/thùng.
Tuy nhiên, lo ngại vẫn còn về tác động của thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế và tình trạng nền kinh tế chậm lại có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.
Đô la Mỹ
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ngày 11/4, đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm qua - hoàn toàn trái ngược với dự báo thông thường khi một loạt thuế quan được áp đặt.
Thông thường, thuế quan sẽ làm tăng giá trị đồng nội tệ vì khuyến khích người dân mua hàng trong nước thay vì hàng ngoại, giúp đồng tiền nội địa có giá trị hơn so với các đồng tiền khác. Nhưng các nhà giao dịch tiền tệ lại bán tháo đồng USD, vì họ tin rằng Mỹ sẽ gánh phần lớn hậu quả của cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng và sẽ yếu đi đáng kể so với trước khi áp thuế.
Ngày 11/4, đồng USD rơi xuống mức thấp nhất so với đồng euro kể từ năm 2022. Chỉ số USD - đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền khác - giảm 0,9% trong ngày, sau khi lao dốc 2% vào ngày 10/4, mức giảm trong ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2022. Đây là những biến động rất lớn trong thế giới giao dịch tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của công ty RSM US, ông Joe Brusuelas nói: “Các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương đang bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ và USD vì mất niềm tin và nghi ngờ vào độ tin cậy của tài sản Mỹ. Hỗn loạn tài chính luôn có cái giá của nó”.
Trong khi đó, giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục - hơn 3.200 USD mỗi ounce - trong phiên giao dịch ngày 11/4. Vàng đã tăng hơn 23% trong năm nay và vừa ghi nhận quý tốt nhất kể từ năm 1986. Kim loại quý này được xem là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị.
Các thỏa thuận thương mại
Dù các thị trường tài chính bày tỏ hoài nghi lớn về khả năng chính quyền Tổng thống Trump có thể tận dụng cơ hội do chính họ tạo ra để đạt các thỏa thuận thương mại song phương với hơn 150 quốc gia trên thế giới, nhưng chính quyền vẫn giữ thái độ lạc quan.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết đã có hơn 70 quốc gia đề nghị gặp đại diện Mỹ để đàm phán nhằm thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các mức thuế trừng phạt do ông Trump áp đặt. Dù chính quyền chưa công bố chi tiết những quốc gia nào đang đàm phán, nhưng họ nói sẽ ưu tiên các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, các thỏa thuận thương mại là những quá trình cực kỳ phức tạp, thường mất nhiều năm mới hoàn tất, chứ không phải vài tháng. Ngay cả khi ông Trump có thể đàm phán được với tất cả các nước trong thời gian ngắn - dù là một thỏa thuận đầy đủ hay chỉ là thư ghi nhớ làm khung - thì Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, vẫn chưa thể giải quyết với Mỹ.
Mức thuế Mỹ áp với hàng Trung Quốc hiện đã lên tới ít nhất 145%. Ngày 11/4, Trung Quốc đã đáp trả bằng mức thuế 125% áp lên hàng Mỹ. Đòn ăn miếng trả miếng này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cả hai bên đều tuyên bố không sẵn sàng xuống thang.
Trung Quốc luôn nói sẵn sàng đàm phán nhưng muốn được đối xử một cách tôn trọng. Nước này đã phớt lờ những cảnh báo từ Mỹ rằng không nên tăng thuế trả đũa.
Trong lúc đó, giới kinh tế học dường như không thay đổi dự báo khi ông Trump bất ngờ hoãn áp thuế. Dù các thỏa thuận thương mại nếu được ký kết chắc chắn sẽ có lợi cho nền kinh tế, nhưng các nhà kinh tế Mỹ cho rằng phần lớn thiệt hại đã xảy ra.
Các mức thuế chung 10% vẫn còn hiệu lực, cũng như mức thuế 25% với ô tô, 25% đối với một số hàng hóa từ Mexico và Canada, cũng như mức 25% với thép và nhôm.
Đó là lý do vì sao JPMorgan và Goldman Sachs đánh giá xác suất Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm nay gần như là không thể dự đoán.