Thế đối đầu không khoan nhượng giữa các cường quốc

Màn "đấu khẩu" gay gắt giữa đại sứ Nga và Mỹ tại phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vào rạng sáng 11/4 giờ Hà Nội, kết thúc với việc cả 3 dự thảo nghị quyết mà Nga, Mỹ và Thụy Điển đề xuất liên quan đến Syria đều lần lượt bị bác bỏ cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước ủy viên cơ quan quyền lực nhất thế giới này.

Thế đối đầu không khoan nhượng giữa những “người chơi chính" tiếp tục bộc lộ rõ, còn đất nước Syria có chủ quyền lại trở thành "chiến trường ủy nhiệm".

Diễn biến tại phiên họp bất thường của HĐBA về Syria không khiến giới phân tích ngạc nhiên khi nó phản ánh đúng vị thế theo tỷ lệ nghịch vào thời điểm hiện tại của Nga và Mỹ trong hồ sơ Syria, với sự vượt trội rõ ràng về ảnh hưởng của Moska. Vì vậy, thế đối đầu giữa hai cường quốc có quyền phủ quyết tại HĐBA này là tất yếu. Các nhà quan sát lưu ý nhiều hơn về thời điểm xảy ra vụ tấn công mà phương Tây cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học và "động cơ" của cáo buộc – thể hiện qua đe dọa tấn công quân sự ngay sau đó.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia (trái) với Đại sứ Mỹ Nikki Haley (phải). Ảnh: THX/TTXVN

Sau những thắng lợi của quân đội chính phủ Syria được Nga hỗ trợ, tình hình tại Syria đã có những bước chuyển tích cực, song dường như không theo "kịch bản" mà Mỹ và phương Tây mong muốn. Hơn 7 năm sau khi xung đột bùng nổ, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã kiểm soát được gần hết lãnh thổ Syria, quân đội nước này đang nỗ lực dẹp tan những thành trì còn lại của lực lượng khủng bố thánh chiến cũng như các nhóm phiến quân đối lập. Moskva tiếp tục khẳng định được vị thế của mình tại Trung Đông, và trong hồ sơ Syria, cùng các đối tác quan trọng là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đang vạch ra một lộ trình cụ thể nhằm thúc đẩy giải quyết chính trị cuộc xung đột này.

Trong tình thế đó, các chuyên gia nhìn nhận "nghi án" quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học phương Tây và cáo buộc "có bàn tay" của Moskva trong vụ này chỉ là "bổn cũ soạn lại" để kích hoạt một cuộc tấn công quân sự mới nhằm vào Syria, tương tự như 1 năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh bắn hơn 50 quả tên lửa hành trình vào căn cứ quân sự của chính quyền Syria để "đáp trả" một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib.

Nhà phân tích chính trị Liban, ông Jana Nakah nhận định “chiêu bài” tấn công bằng vũ khí hóa học đã được phương Tây cùng các nhóm phiến quân và vũ trang đối lập tại Syria sử dụng nhiều lần để tạo cớ hợp lý cho sự can thiệp quân sự từ bên ngoài hòng thay đổi cục diện tình hình. Đặt trong tình huống thực tế hiện nay, quan điểm này không phải là không có cơ sở, nhất là khi quân đội Syria đang trên thế thắng và trở thành một nhân tố quan trọng trên thực địa. Một cuộc tấn công quân sự chống chính quyền Syria vào thời điểm này, chẳng những đi ngược lại với những nỗ lực trên mặt trận ngoại giao của Nga, mà còn hủy hoại những thành tích trên thực địa của quân đội Syria trong thời gian qua.

Moskva cũng có cơ sở để lo ngại rằng dự thảo nghị quyết của Mỹ, yêu cầu tiến hành cuộc điều tra xác định thủ phạm tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria, mà không cần báo cáo kết quả lên HĐBA để cơ quan này đưa ra kết luận (như nội dung dự thảo đề xuất của Nga), chỉ là cách để "hợp pháp hóa" một hành động tấn công quân sự nào đó. Trong suốt 7 năm qua, Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã liên tục hứng chịu các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, mặc dù toàn bộ là thông tin do các chiến binh và phong trào phản đối ông al-Assad đưa ra mà không có các bằng chứng xác thực.

Giới chuyên gia cũng dự báo về các diễn biến kế tiếp theo hướng không thuận. Ông Aleksey Fenenko - Phó Giáo sư khoa Chính trị thế giới của trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov - nhận định Mỹ có thể tiến hành một cuộc ném bom có giới hạn hoặc gây ra một cuộc đụng độ vũ trang nghiêm trọng với Nga trong lãnh thổ nước ngoài. Chuyên gia này nhận định Mỹ đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn ở Trung Đông với nhiệm vụ là biến Nga thành bên thua cuộc, sau đó khởi động một chiến dịch thông tin chống lại Nga.

Trong khi đó, bà Emma Ashford, nhà phân tích thuộc Viện Cato, cho rằng Tổng thống Trump đang có 3 phương án để xử lý vấn đề vũ khí hóa học của Syria và tất cả đều có điểm chung là tồi tệ. Phương án thứ nhất có thể là những cuộc tấn công trừng phạt có giới hạn mà người tiền nhiệm Barack Obama từng bị gây áp lực buộc phải tiến hành và bản thân ông Trump đã chỉ đạo hồi năm ngoái. Hành động như vậy chỉ nhằm mục đích gây tổn thất khiêm tốn cho Tổng thống al-Assad hoặc phát đi một thông điệp rằng "Mỹ sẽ không dung thứ nếu trong tương lai chính quyền này còn sử dụng vũ khí học". Phương án thứ hai là tăng cường trang bị vũ khí cho các lực lượng nổi loạn chống chính quyền Damacus và từ đó gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Syria al-Assad phải chấp thuận những yêu sách của Mỹ. Và cuối cùng là thực hiện những cuộc tấn công ở quy mô lớn hơn, có thể là một cuộc can thiệp toàn diện hoặc những cuộc tấn công đe dọa sự sống còn của chính phủ Syria.

Dù là lựa chọn nào thì cũng đều kéo theo những hậu quả nghiêm trọng vì tình hình hiện nay đã khác rất nhiều so với năm 2017. Thế và lực của chính quyền Tổng thống Syria al-Assad hiện đã khác trước và đang vững mạnh hơn. Tấn công quân sự đồng nghĩa với làm trầm trọng thêm sự khốn khổ của người Syria khi hàng triệu người rơi vào cảnh hỗn loạn và có thể khiến chiến tranh kéo dài. Tấn công quân sự cũng đồng nghĩa với cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với cường quốc Nga. Cũng không thể bỏ qua vai trò của những bên khác trong hồ sơ này là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình tại đây leo thang căng thẳng sẽ khiến tất cả các nước liên quan sa lầy vào vòng xoáy khủng hoảng. Afshin Molavi, một nghiên cứu viên cao cấp của trường Đại học John Hopkins, cho rằng cảnh báo của Tổng thống Trump về hành động quân sự tấn công Syria sẽ không thay đổi cán cân quyền lực trên thực địa và điều này sẽ tạo ra một tình huống rối loạn kéo dài.

Tuy vậy, một vụ tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Syria cũng đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ sẽ không rút khỏi quốc gia Trung Đông, dù Tổng thống Trump đã vài lần đề cập khả năng này. Giới chỉ huy quân sự và các chuyên gia nhận định rằng Mỹ sẽ còn ở lại Syria một thời gian dài, bởi điều này phù hợp với chính sách đối ngoại lâu dài của Mỹ vốn coi sự hiện diện quân sự giống như sức mạnh để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói rằng mục đích của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Syria là “làm suy yếu tình hình trong khu vực, củng cố sự hiện diện quân sự và kinh tế của họ tại đây”.  Mỹ có những lợi ích đáng kể ở Trung Đông, không chỉ là địa chính trị, mà cả những lợi ích vật chất liên quan việc phân phối lại thị trường năng lượng.

Lợi ích và toan tính khác nhau của "những người chơi" trong "ván cờ" Syria rõ ràng đang khiến các cuộc họp HĐBA bàn về tình hình quốc gia Trung Đông này trở thành "cuộc đối đầu không khoan nhượng". Cũng một lần nữa, người dân và chính thể hợp pháp tại Syria không được quyền làm chủ vận mệnh của mình.

Hồ Phương (TTXVN)
Tổng thống Trump đang ở thế 'tiến thoái lưỡng nan' tại Syria
Tổng thống Trump đang ở thế 'tiến thoái lưỡng nan' tại Syria

Ngày 10/4, tờ Boston Globe đăng bài viết cho rằng mọi lựa chọn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Syria đều không mấy khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN