Tờ Bloomberg đưa tin khi các chính phủ ở châu Âu đẩy mạnh nỗ lực để đưa cuộc sống trở lại bình thường, các tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” trong chiến dịch tiêm chủng đang chuyển biến sang “cây gậy” nhiều hơn.
Tại Pháp, Thủ tướng Emmanuel Macron cam kết sẽ cho người đã tiêm chủng được đi lại tự do hơn vào dịp nghỉ hè và bắt buộc nhóm đối tượng là nhân viên chăm sóc sức khỏe phải tiêm ngừa COVID-19. Italy, Hy Lạp và Anh cũng đang đi theo con đường tương tự, hướng đến biến việc tiêm chủng trở thành một quy định bắt buộc đối với một số ngành nghề.
Sau nhiều tháng xung đột hồi đầu năm nay về nguồn cung cấp vaccine còn hạn chế, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hiện phải đối mặt với vấn đề ngược lại: quá nhiều vaccine và người dân giảm nhu cầu tiêm chủng. Cuộc tranh luận đã nóng trở lại liên quan đến nỗi khó khăn để thúc đẩy người dân châu Âu đi tiêm vaccine, đẩy giới chức trách vào mớ rắc rối về vấn đề đạo đức và quyền riêng tư.
Với sự xuất hiện của biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng, một số nhà lãnh đạo nhận thấy nhu cầu đưa ra các bước đi cứng rắn để vượt qua đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người trên toàn cầu, cũng như đang hủy hoại về mặt kinh tế và tâm lý đối với nhiều triệu người. Trong khi đó, không ít nhà lãnh đạo lại cho rằng việc bắt buộc người dân tiêm chủng có thể gây phản tác dụng cũng như phá hoại niềm tin của công chúng vào việc tiêm chủng.
“Chúng tôi không có ý định đi theo con đường mà Pháp đề xuất. Tôi không nghĩ là chúng tôi có thể được dân chúng tin tưởng bằng cách thay đổi điều từng tuyên bố trước đó là không bắt buộc tiêm chủng”, Thủ tướng Đức Anglea Merkel nói.
Lập trường của bà Merkel cũng khác biệt so với một số viện nghiên cứu tại Mỹ, trong đó có Trinity Health ở Michigan và Mass General Brigham ở Boston từng tuyên bố nhân viên phải tiêm vaccine mới được đi làm.
Khắp EU, gần 42% dân số đã tiêm đủ liều vaccine. Cần phải đạt được mức độ cao hơn nữa để có thể giảm nhẹ nỗi lo lắng về dịch bùng phát vào những tháng lạnh hơn của mùa Đông. Tại Đức, Viện Y khoa cộng đồng RKI ước tính 85% người dân trong độ tuổi từ 12 – 59 cần phải tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, cùng với 90% người từ 60 tuổi trở lên.
Trong khi đó, việc nới lỏng các hạn chế về đi lại và hoạt động đã tạo điều kiện để những cuộc tụ tập đông người diễn ra, làm tăng đột biến các ca mắc COVID-19 ở những người trẻ tuổi chưa tiêm chủng.
Ở Pháp, xuất trình thẻ y tế cho thấy bằng chứng đã xét nghiệm hoặc chủng ngừa cũng sẽ là quy định bắt buộc khi người dân đến các nhà hát, rạp chiếu phim, nơi thi đấu thể thao hoặc lễ hội với số lượng khán giả trên 50 người. Quy định này sẽ được mở rộng sang các nhà hàng vào tháng 8 tới.
Để thúc đẩy nhiều người tiêm chủng hơn nữa, ông Macron sẽ chấm dứt quy định miễn phí xét nghiệm COVID-19 vào mùa thu tới đối với những người muốn đi du lịch hoặc tham dự sự kiện mà không cần tiêm phòng.
Hiệu quả thu được rất ấn tượng: 926.000 người đã đặt lịch hẹn tiêm vaccine vào hôm 12/7 thông qua trang web y tế DoctoLib – cao kỷ lục từ trước đến nay. Tính đến ngày 15/7, đã có 2,6 triệu người Pháp đặt lịch tiêm vaccine và 62% trong số đó ở dưới 35 tuổi.
Tuy nhiên, ý tưởng về vaccine bắt buộc vẫn còn gây tranh cãi. Một số chuyên gia y tế đã lên tiếng chỉ trích, trong khi không ít người dân lại chọn cách biểu tình và giao tranh với cảnh sát để phản đối chính sách mới của ông Macron.
“Đó là khởi đầu của một sự trượt dốc. Nó lật ngược điều luật và chính sách tiêm chủng đã tồn tại 120 năm nay vốn được xây dựng trên sự tin tưởng, bảo mật y tế và sự đồng ý”, Allyson Pollock, Giáo sư lâm sàng về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Newcastle, nhận xét sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu yêu cầu nhân viên viện dưỡng lão tại Anh phải tiêm vaccine bắt buộc từ tháng 10.
Tại Italy, nhân viên chăm sóc sức khỏe bắt buộc phải tiêm vaccine COVID-19 từ tháng 5 vừa qua. Quốc gia này cũng ghi nhận sự sử dụng ngày càng tăng đối với giấy chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số của EU - hiện chỉ bắt buộc xuất trình tại sự kiện lớn, đi ra nước ngoài và thăm viện dưỡng lão.
Theo một cuộc thăm dò của Euromedia Research ngày 15/7, khoảng 68% người Italy ủng hộ quy định chỉ cho phép những người đã tiêm chủng đầy đủ đến nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim, lên tàu hỏa và máy bay. Họ cũng nhất trí sa thải những nhân viên không tiêm đủ liều từ giữa tháng 9 tới.
Các quốc gia khác, trong đó có Ireland, cũng đang áp quy định bắt buộc tiêm chủng với thực khách dùng bữa tại nhà hàng. Phó Thủ tướng Leo Varadkar đánh giá kế hoạch trên là không hoàn hảo, song cho biết đó lựa chọn tốt nhất hiện có.
Tại Hy Lạp, nhân viên nhà dưỡng lão bắt buộc phải tiêm vaccine từ ngày 16/8 hoặc sẽ bị phạt. Tiêm chủng cũng là bắt buộc với nhân viên chăm sóc sức khỏe từ ngày 1/9. Và tính đến ngày 16/7, người dân cần thẻ y tế chứng minh bản thân âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đã tiêm vaccine để đến nhà hàng và quán rượu.