Tổng thống Nga Vladimir Putin thân thiết ôm người đồng cấp Syria Bashar al-Assad trong cuộc gặp mặt tại Sochi ngày 20/11. Ảnh: CNN |
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/11 đã có cuộc gặp với người đồng cấp Syria Bashar Assad tại Sochi để bàn về tiến trình chính trị liên quan tới đất nước Trung Đông.
Cuộc gặp hôm thứ Hai được cho là cơ hội Tổng thống Putin giải thích cho người đồng cấp Assad mong muốn của Nga về tình hình chính trị ở Syria. Về phần mình, Tổng thống Syria Assad cảm ơn nhà lãnh đạo Nga đã ủng hộ về cả phương diện chính trị và quân sự. Ông Assad nhấn mạnh Damascus quan tâm đến giải pháp chính trị cho khủng hoảng tại Syria, đồng thời ông nhận xét tình hình hiện tại rất lạc quan đối với triển vọng này. Nhà lãnh đạo Syria cũng bày tỏ hy vọng sự giúp đỡ của Nga sẽ đảm bảo chính người dân Syria dẫn dắt tiến trình này với hỗ trợ từ bên ngoài.
Trong bức ảnh hai nhà lãnh đạo ôm nhau tại buổi gặp mặt, có thể thấy rõ Tổng thống Putin cười hạnh phúc. Trong khi đó, mặc dù không nhìn thấy mặt của Tổng thống Assad song đây là lần thứ hai ông bay ra khỏi Syria kể từ khi xung đột xảy ra trong năm 2011, chính vì vậy có thể đảm bảo Tổng thống Assad ít nhất đang rất hài lòng.
Ngay sau cuộc gặp với người đồng cấp Assad, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu ba nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 22/11 có cuộc gặp mặt về các biện pháp nâng cao phối hợp hành động ở khu vực giảm căng thẳng ở Syria cũng như đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tiêu diệt hoàn toàn các nhóm khủng bố. Iran và Nga có tham vọng khác biệt về ảnh hưởng khu vực, song cả hai đều muốn nắm chặt miếng bánh Syria.
Hiện chính quyền của Tổng thống Assad đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ, với các thành phố lớn, trong khi khu vực phía tây bắc lại thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và khu vực đông bắc thì lực lượng người Kurd được Mỹ hỗ trợ kiểm soát.
Theo đánh giá các nhà phân tích, các cuộc đàm phán tại Sochi trong tuần sẽ phân chia rõ ràng ranh giới nội bộ. Tuy nhiên, nội dung các cuộc đàm phán cũng sẽ chỉ rõ tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ về khu vực tây bắc Syria.
Bên cạnh một số chi tiết về tình hình Syria được khắc họa từ bức ảnh hai nhà lãnh đạo ôm nhau, các yếu tố quan trọng khác vẫn chưa được đề cập.
Đầu tiên có thể thấy rõ lực lượng người Kurd Syria không ở đó, cũng như không được mời tới các cuộc đàm phán hôm 22/11. Chính quyền Ankara liệt họ vào danh sách khủng bố vì cuộc chiến nhiều năm giữa hai bên dọc biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Song lực lượng này lại đang có mối quan hệ đủ thoải mái với chính quyền Syria và kiểm soát phần lớn khu vực phía đông bắc – nơi IS vừa bị đánh bại. Câu hỏi chính ở đây là liệu rằng chính quyền Syria có vui vẻ chấp nhận để cho một thành phố quan trọng trong khu vực như Raqqa nằm trong tay người Kurd, và thái độ của Iran – Thổ Nhĩ Kỳ về việc đó như thế nào.
Thứ hai, Mỹ - quốc gia được coi là thành phần không thể thay thế được trong tiến trình ổn định nền địa chính trị Syria lại không tham gia vào bức tranh đàm phán lần này.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị APEC 17 tổ chức tại Việt Nam, Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhiều lần trò chuyện và ra tuyên bố chung về Syria, nhất trí cũng nỗ lực cho đến khi “đánh bại IS” mặc dù để đi đến tuyên bố này, hai nước đã phải trải qua các buổi đàm phán “căng thẳng, khó khăn”.
Sau cuộc gặp mặt với ông Assad, ngày 21/11, Tổng thống Putin đã điện đàm cho người đồng cấp Trump thông báo về tình hình cuộc trò chuyện.