Việc các nước Schengen áp đặt quy định hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus một lần nữa đặt Hiệp ước Schengen, vốn cho phép bãi bỏ kiểm soát biên giới, miễn thị thực xuất nhập cảnh và bảo đảm quyền đi lại tự do đối với công dân các thành viên, trước thách thức lớn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn cho rằng hồi kết của khu vực Schengen đang ở tương lai gần.
Bắt nguồn từ một thỏa thuận được 5 nước châu Âu là Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và CHDC Đức ký ngày 14/6/1985 tại thị trấn nhỏ Schengen của Luxembourg ở ngã 3 biên giới Pháp, Luxembourg và Đức, đến nay, tổng số quốc gia công nhận hoàn toàn Hiệp ước Schengen là 26, bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein cùng 22 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Mục tiêu ban đầu của hiệp ước xuất phát từ nhu cầu tạo lập một thị trường chung để đảm bảo sự di chuyển tự do hàng hóa, con người, dịch vụ và dòng vốn nhằm hình thành cộng đồng kinh tế châu Âu. Dần dần, khi quá trình hội nhập châu Âu phát triển, nhu cầu bãi bỏ các quy định về kiểm soát hộ chiếu và thị thực cũng tăng theo.
Hiệp ước Schengen đã giúp các nước thành viên hình thành được những mối quan hệ đối tác thương mại gần gũi hơn, thúc đẩy mạnh mẽ cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu và thu hút khách du lịch. EU coi Hiệp ước Schengen là một biểu tượng cho sự đoàn kết, hội nhập và thống nhất của khu vực. Đây cũng là cơ sở cho quan điểm về một “châu Âu phi biên giới”.
COVID-19 đã làm thay đổi tất cả. Vài ngày sau khi chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm nhập cảnh từ châu Âu vào Mỹ trong vòng 30 ngày vì lo ngại liên quan đến COVID-19, ngày 17/3, EU đã quyết định áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày với những người không phải công dân EU. Ngày 8/5, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố tiếp tục ủng hộ việc hạn chế nhập cảnh thêm 30 ngày, tức là đến giữa tháng 6, để ngăn chặn nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU đồng thời cũng tham gia Hiệp ước Schengen đã “đi trước một bước” và đơn phương thực hiện các biện pháp nhằm tự bảo vệ mình trước cơn bão COVID-19. Trước thời điểm EU có những động thái tập thể đầu tiên, Đức tuyên bố áp dụng các quy định hạn chế đi lại dọc theo hầu hết các khu vực biên giới, cho biết sẽ chủ động thực hiện và không cần thông báo cho các nước láng giềng. Nối bước Đức, hàng loạt nước trong khu vực Schengen như Áo, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan cũng nhanh chóng có các động thái tương tự.
Ít nhất 17 trên tổng số 26 nước thành viên khối Schengen đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp quản lý biên giới khi nhận thức được nguy cơ của dịch COVID-19, dẫn đến hàng dài những xe tải chờ đợi được thông quan tại biên giới, và khiến nhiều công dân EU gặp khó khăn trong việc di chuyển từ nơi làm việc về nhà và ngược lại. Dường như chỉ sau một đêm, chiếc đồng hồ thời gian đã bị quay ngược về giai đoạn châu Âu chưa có các thỏa thuận về hội nhập và tự do dịch chuyển. Giấc mơ hội nhập châu Âu dường như đang phai nhạt vì COVID-19.
Mâu thuẫn giữa mối lo ngại về y tế, an ninh và tự do đi lại vốn luôn là vấn đề nhức nhối từ khi Hiệp ước Rome (1957) - nền tảng cho EU - hình thành. Điều 45 Hiệp ước Lisbon, có hiệu lực từ năm 2009, quy định rằng việc di chuyển tự do của công dân có thể bị hạn chế vì lý do sức khỏe cộng đồng. Điều 29 trong Chỉ thị 2004/38 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu cũng quy định cơ chế cho phép các quốc gia thành viên yêu cầu trình chứng chỉ y tế từ những người muốn đến thăm hoặc làm việc trong lãnh thổ của họ.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, biên giới quốc gia hiện nay dường như đang trở thành một “bộ lọc” ngăn chặn những người mang virus SARS-CoV-2. Các quốc gia thành viên hiện mới là bên có “quyền” kiểm soát các lựa chọn được đưa ra trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Việc các nước thành viên thực thi các biện pháp để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và bảo vệ người dân của mình là điều hoàn toàn hợp lý.
Mặc dù vậy, rõ ràng dịch bệnh COVID-19 đã bộc lộ những góc khuất trong hình ảnh châu Âu đoàn kết và thống nhất. Đây cũng được coi là phép thử mới đối với EU, sau cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn năm 2015, khi làn sóng người Trung Đông - Bắc Phi cố gắng xâm nhập vào các nước EU (chủ yếu là qua Hy Lạp và Italy) để xin tị nạn tại các quốc gia đích đến cuối cùng ở Bắc Âu. Ý tưởng về một châu Âu cùng chung chính sách trên thực tế không hề dễ triển khai và tương lai của Hiệp ước Schengen lại được đưa ra bàn cãi.
Thực tế thì EU cũng đã có những nhận thức và kinh nghiệm nhất định từ cuộc khủng hoảng 2015, bởi vậy, khi dịch COVID-19 ập đến, sau giai đoạn thiếu hợp tác và không thống nhất, các nước EU đã phối hợp chặt chẽ hơn, với bằng chứng là những hướng dẫn của EC liên quan khuyến nghị về y tế công cộng, và cả lệnh cấm nhập cảnh tới EU đối với công dân bên ngoài (trừ một số trường hợp). Khu vực cũng đã có những cải tổ nhất định trong hoạt động, như xây dựng Cơ chế Bảo vệ dân sự liên minh và kích hoạt một quỹ khẩn cấp. Mục tiêu của các biện pháp này là tạo ra nguồn cung y tế ở cấp độ châu Âu để hỗ trợ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng và mở rộng việc xét nghiệm y tế quy mô lớn.
Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này thực sự không thể thỏa mãn những đòi hỏi về tinh thần đoàn kết. Những chính sách y tế công riêng biệt của các quốc gia đã dẫn đến một sự lúng túng khi khu vực cần có phản ứng chung trước đại dịch, vô hình trung kích động cuộc cạnh tranh, và thậm chí là giành giật nguồn cung y tế giữa các nước thành viên. Những thực trạng ấy rõ ràng đã khiến câu hỏi về tương lai của EU nói chung, hay Schengen nói riêng trở nên nổi bật hơn bao giờ hết.
Dịch COVID-19 đã có dấu hiệu tạm lắng ở một số khu vực, và nhiều nước châu Âu bắt đầu nới lỏng phong tỏa, khôi phục lại hoạt động, cùng hướng tới mục tiêu chung là phục hồi kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Một số quốc gia đã đề xuất tiến hành những biện pháp tạm thời. Áo cân nhắc xét tiếp nhận khách du lịch từ những quốc gia trong khối Schengen có tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp; Hy Lạp xem xét cho phép khách du lịch nhập cảnh với “Hộ chiếu y tế”, trong đó có xác nhận khách du lịch không nhiễm SARS-CoV-2; trong khi Bỉ dự kiến cấp thẻ cho phép du khách tới một số bãi biển…
Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã thông báo từ ngày 15/5 sẽ vẫn hạn chế số người đến từ các nước Schengen, đồng thời áp đặt cách ly 14 ngày đối với tất cả những người đến nước này nhằm tránh khả năng lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 từ những người nhập cảnh.
Chắc chắn việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại sẽ diễn ra trong tương lai, song nó không thể là một sớm một chiều. Khu vực cần một cách tiếp cận thống nhất. EC đã xây dựng một bộ nguyên tắc chung cho các nước thành viên trong quá trình nới lỏng phong tỏa, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường. Trong đó, việc bãi bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ được áp dụng tại những điểm được xác định là hội tụ đủ các yêu cầu về mặt dịch tễ. Ở khía cạnh này, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể là cơ hội để châu Âu cùng nhau tìm lời giải cho nhiều vấn đề chung, là bước ngoặt để EU khôi phục hoàn toàn khu vực Schengen.
Khi các biện pháp kiểm soát biên giới được gỡ bỏ, một thế hệ trẻ người châu Âu sẽ có trải nghiệm về một điều hoàn toàn mới mẻ, trong khi thực tế này có thể khiến nhiều người nhớ lại châu Âu đã từng thế nào trước Schengen. Giá trị của dòng dịch chuyển tự do tại châu Âu rất có thể sẽ là nguồn cảm hứng để các nhà lãnh đạo châu Âu tìm cách củng cố khu vực này hiệu quả hơn sau quá trình hồi phục chậm chạp và chưa hoàn thành từ sau cuộc khủng hoảng di cư giai đoạn 2015-2016.
Ý tưởng cải tổ mà Pháp và Đức đưa ra hồi năm 2017, sau khi cuộc khủng hoảng di cư bộc lộ những "lỗ hổng" của khu vực tự do đi lại châu Âu, có thể là xuất phát điểm cho nỗ lực "cứu" Hiệp ước Schengen thoát khỏi sự tấn công của các đại dịch tương tự như COVID-19.