Biên giới Canada - Mỹ thực hiện đóng cửa đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu từ ngày 20/3 và theo kế hoạch lệnh cấm này sẽ hết hiệu lực vào ngày 21/5. Canada đã đề xuất kéo dài lệnh cấm này thêm 30 ngày và gần như chắc chắn Washington sẽ đồng ý. Tuy nhiên, theo nguồn tin trên, tranh cãi gay gắt giữa Ottawa và Washington có thể xảy ra vào tháng 6 tới, nếu hai bên có quan điểm khác biệt về thời điểm bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn thúc đẩy các bang của Mỹ khởi động lại hoạt động kinh tế, trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh quan điểm thận trọng của Ottawa đối với việc mở cửa trở lại các hoạt động đi lại quốc tế, bao gồm cả hoạt động đi lại ở biên giới với Mỹ.
Thủ tướng Trudeau nói: “Ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho người dân Canada. Trên cơ sở này, chúng tôi tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên và mang tính xây dựng với Mỹ về những lợi ích chung, trong đó có vấn đề biên giới”.
Một số tỉnh của Canada, trong đó có Ontario và British Columbia, đang kịch liệt phản đối việc mở cửa trở lại biên giới với Mỹ nếu các cơ quan y tế chưa chấp thuận. Theo Bộ trưởng Y tế tỉnh bang British Columbia, Adrian Dix, không nên mở cửa biên giới Canada - Mỹ với du khách ở thời điểm này.
Hiện việc đóng cửa một phần biên giới giữa Canada - Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động đi lại thiết yếu, như vận chuyển thực phẩm, hàng hóa thiết yếu bằng đường sắt và xe tải, để phục vụ chuỗi cung ứng. Các chuyến bay giữa hai nước vẫn tiếp tục được triển khai.
Ông Goldy Hyder, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Canada cho biết tổ chức này ủng hộ phương án kéo dài lệnh đóng cửa biên giới. Ông Hyder cho rằng việc mở cửa lại biên giới Canada - Mỹ đối với hoạt động đi lại không thiết yếu cần được triển khai một cách thận trọng và trước hết phải vì sức khỏe, cũng như sự an toàn của người dân Canada.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Canada, ngày 13/5, Bộ Phát triển Kinh tế, Khoa học và Đổi mới nước này cho biết, Chính phủ Canada đã quyết định lập Quỹ cứu trợ và giúp các khu vực phục hồi (RRRF) trị giá khoảng 962 triệu CAD (682 triệu USD) để thông qua 6 cơ quan phát triển khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và các cộng đồng trên toàn Canada bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Nguồn hỗ trợ của chương trình này được phân bổ như sau: 78 triệu USD cho khu vực Atlantic Canada (gồm các tỉnh New Brunswick, Nova Scotia, Prince Edward Island và Newfoundland and Labrador), 150 triệu USD cho Quebec, 214 triệu USD cho Ontario, hơn 24 triệu USD cho các vùng lãnh thổ phương Bắc và hơn 215 triệu USD cho các tỉnh miền Tây Canada.
Theo số liệu cập nhật trên trang web của chính phủ, tính đến hết ngày 13/5, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này là 72.278 ca, tăng 1.121 ca trong 24 giờ, trong đó 5.304 ca đã tử vong.