Texas - ‘Miền đất hứa’ trong cuộc di cư của thợ đào Bitcoin Trung Quốc

Hơn một nửa số lượng “thợ đào” đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin của cả thế giới tập trung ở Trung Quốc, nhưng nay thì họ không còn “đất sống” do chiến dịch trấn áp của chính phủ và cuộc di cư của đội quân này có thể nhằm hướng Texas, Mỹ.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên sửa các máy "đào" Bitcoin tại cơ sở của Bitmain ở Nội Mông, Trung Quốc, ngày 11/8/2017. Ảnh: Bloomberg | Getty Images

Tháng 5 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi một cuộc trấn áp thẳng tay với hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin, dẫn đến một khái niệm mới được gọi là “cuộc di cư lớn" của "thợ đào" Bitcoin. Cuộc di cư này hiện đang âm thầm diễn ra, và nó có thể là một nhân tố “thay đổi cuộc chơi” với bang Texas, Mỹ.

Khai thác Bitcoin là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng. Mặc dù thiếu nguồn dự trữ gây mất điện kéo dài nhiều ngày trong mùa đông năm ngoái, bang Texas nổi tiếng có giá năng lượng thuộc loại thấp nhất thế giới và thị phần năng lượng tái tạo tại đây đang tăng lên theo thời gian, với 20% là năng lượng từ gió vào năm 2019.

Texas cho phép khách hàng được lựa chọn các nhà cung cấp điện khác nhau, và quan trọng nhà các nhà lãnh đạo chính trị của bang rất ủng hộ tiền điện tử - điều kiện mơ ước với một thợ đào đang tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ và cánh cửa chào đón.

Brandon Arvanaghi, trước đây là kỹ sư bảo mật tại sàn giao dịch tiền điện tử Gemini, cho biết: “Bạn sẽ thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong vài tháng tới. Chúng tôi có các thống đốc như Greg Abbott ở Texas, những người đang thúc đẩy khai thác tiền điện tử. Nó sẽ trở thành một ngành công nghiệp thực sự ở Mỹ, điều này sẽ không thể tin được”.

Trung Quốc thống trị công nghiệp “đào” Bitcoin

Dữ liệu năm 2021 về sự phân bổ toàn cầu của sức mạnh khai thác Bitcoin vẫn chưa có, nhưng các ước tính trước đây đã chỉ ra rằng 65% - 75% hoạt động khai thác Bitcoin trên thế giới diễn ra ở Trung Quốc - chủ yếu ở bốn tỉnh: Tân Cương, Nội Mông, Tứ Xuyên và Vân Nam. Các nhà máy thủy điện của Tứ Xuyên và Vân Nam biến hai tỉnh này thành “thánh địa” năng lượng tái tạo, trong khi Tân Cương và Nội Mông là nơi có nhiều nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc.

Hiện tại, cuộc tháo chạy của các thợ đào Bitcoin đã bắt đầu ở Nội Mông. Sau khi không đạt được các mục tiêu về khí hậu của chính phủ, giới chức tỉnh đã giao thời hạn 2 tháng để những người khai thác Bitcoin phải giải tán.

Chú thích ảnh
Hệ thống máy khai thác Bitcoin tiêu tốn điện năng khổng lồ.

Nic Carter, đối tác sáng lập của Castle Island Ventures, nói rằng mặc dù không hoàn toàn rõ ràng Trung Quốc sẽ xử lý các bước tiếp theo như thế nào, nhưng có khả năng sẽ triển khai theo từng giai đoạn. 

Cách đo lường cuộc di cư của thợ đào Bitcoin là xem xét tỷ lệ băm (hashrate), một thuật ngữ trong ngành được sử dụng để mô tả sức mạnh giải thuật toán của tất cả các thợ đào trong mạng Bitcoin. Ông Carter cho biết: “Do tỷ lệ băm giảm, có vẻ như các cơ sở đào đang bị đóng cửa trên khắp Trung Quốc. Ông dự báo, 50-60% toàn bộ tỷ lệ băm của Bitcoin cuối cùng sẽ rời khỏi Trung Quốc.

De La Torre, Phó chủ tịch Poolin, một nhóm khai thác Bitcoin có trụ sở tại Hong Kong, cho biết: “Chúng tôi không muốn mỗi năm lại đối mặt với một loại lệnh cấm mới nào đó ở Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa tỷ lệ băm khai thác toàn cầu của mình và đó là lý do tại sao chúng tôi chuyển sang Mỹ và Canada.”

Một trong những tính năng tuyệt vời nhất của Bitcoin là nó hoàn toàn không xác định được vị trí. Các công ty khai thác chỉ đòi hỏi kết nối internet, không giống như các ngành công nghiệp khác phải tương đối gần với người dùng của họ. Điều đó nói lên rằng, cuộc di cư sẽ không diễn ra ngay lập tức, một phần vì các thợ đào sẽ mất một thời gian để chuyển máy của họ ra khỏi Trung Quốc hoặc thanh lý tài sản và thiết lập cơ sở ở nơi khác.

Thợ đào Trung Quốc “di cư” đi đâu

Do các thợ đào ở quy mô lớn phải cạnh tranh trong một ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp, nơi chi phí biến đổi duy nhất là năng lượng, họ luôn muốn chuyển sang các nguồn điện rẻ nhất thế giới.

Ông Carter nói: “Các công ty khai thác hoặc thợ đào Trung Quốc sống ở Trung Quốc đang tìm đến Trung Á, Đông Âu, Mỹ và Bắc Âu".

Một điểm đến có thể khác là nước láng giềng của Trung Quốc, Kazakhstan. Các mỏ than của đất nước này cho phép cung cấp nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và rẻ. Kazakhstan cũng có chính sách lỏng lẻo hơn trong xây dựng, đó là một tín hiệu tốt cho thợ đào Bitcoin, những người cần xây dựng gấp các cơ sở hạ tàng trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng việc Kazakhstan là một điểm đến hay chỉ đơn giản là một điểm dừng chân trong chuyến di cư dài hơn về phía Tây thì vẫn còn phải chờ xem.

Chú thích ảnh
Texas là bang có giá điện rẻ nhất thế giới, trong đó tỉ lệ điện từ năng lượng tái tạo đang tăng dần.

Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ băm sẽ tăng mạnh ở Bắc Mỹ trong vài tháng tới. Chuyên Arvanaghi nói: “Texas không chỉ có điện rẻ nhất ở Mỹ mà còn là một trong những nơi có giá điện rẻ nhất trên thế giới. Việc thành lập một công ty khai thác Bitcoin cũng rất dễ dàng… Nếu bạn có 30-40 triệu USD, bạn có thể trở thành một công ty khai thác hàng đầu ở Mỹ”.

Bang Wyoming cũng có xu hướng ủng hộ Bitcoin và có thể là một điểm đến khai thác khác. 

Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế lớn đối với việc Mỹ trở thành "trang trại" Bitcoin toàn cầu. Trước hết, thời gian chuẩn bị để xây dựng cơ sở hạ tầng vật lý thực tế cần thiết để tiếp nhận các thợ đào có thể là từ 6-9 tháng, Ông Carter cho hay: “Mỹ có lẽ không thể nhanh nhẹn như các quốc gia khác về việc thu hút những 'thợ đào' đang di cư này”.

Việc di chuyển hậu cần cũng có thể gặp khó khăn do sự thiếu hụt container vận chuyển, bởi nguồn lực đã tập trung cho đại dịch COVID-19.

Nhưng có lẽ câu hỏi lớn nhất là độ tin cậy của lưới điện Texas. Một cơn bão tàn phá nhiều vùng rộng lớn của bang trong năm nay đã dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Texas có nên tu sửa hệ thống điện vào mùa đông hay không khi một dự án tốn kém như vậy có thể ảnh hưởng đến thuế hoặc các khoản phí khác đối với người dùng. 

Gần đây hơn, ERCOT, tổ chức vận hành lưới điện của Texas, đã yêu cầu người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh có nguy cơ "cắt điện bắt buộc" và một đợt nắng nóng sắp tới.

Trung Quốc cung cấp các nguồn năng lượng đáng kể từ gió, Mặt trời và đặc biệt là thủy điện ở phía Nam  nước này. Nếu tất cả "thợ đào" Bitcoin cuối cùng rời khỏi Trung Quốc, điều đó có nghĩa là ngành công nghiệp sẽ ít khai thác bằng nhiên liệu hóa thạch hơn, nhưng cũng có nghĩa là thị phần khai thác bằng năng lượng tái tạo của mạng lưới sẽ giảm xuống. Đây là lý do tại sao vị trí mà những người đào Bitcoin di cư tới sẽ rất quan trọng đối với tương lai của Bitcoin.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNBC)
Bitcoin tăng mạnh về gần ngưỡng 40.000 USD    
Bitcoin tăng mạnh về gần ngưỡng 40.000 USD    

Việc hãng sản xuất xe điện Tesla để ngỏ khả năng lại chấp nhận giao dịch bằng đồng Bitcoin (BTC) đã đẩy giá đồng tiền kỹ thuật số này tăng lên mức gần 40.000 USD/1 BTC trong ngày 14/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN