Tái thiết Triều Tiên cần số tiền khổng lồ

Sau những thành công mang tính biểu tượng của cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, lúc này sự chú ý đang hướng tới khả năng tái thiết nền kinh tế bị cô lập của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy sản xuất lốp xe ô tô nội địa. Ảnh: KCNA

Những con số dao động quá lớn

Nhưng việc tái thiết một đất nước đã hứng chịu nhiều đòn trừng phạt và phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc sẽ không dễ dàng, hoặc rẻ. Theo CNBC, các nhà phân tích và kinh tế tại Citi Bank (Mỹ) ước tính chi phí tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng của Triều Tiên có thể ở mức 63,1 tỷ USD.

"Nếu các hội nghị thượng đỉnh gần đây dẫn đến việc mở cửa nền kinh tế Triều Tiên, chúng tôi ước tính sẽ cần 63,1 tỷ USD trong dài hạn để xây dựng lại các ngành giao thông và cơ sở hạ tầng - đường sắt, đường, sân bay, cảng biển, nhà máy điện, mỏ, các nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn khí", CNBC dẫn nghiên cứu công bố hôm 26/6 của các nhà phân tích thuộc Citi, dẫn đầu bởi ông Jin-Wook Kim.

Theo đó, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên sẽ dao động, với ước tính 24,1 tỷ USD cần thiết cho 28 dự án đường sắt, 22,8 tỷ USD cho 33 dự án đường bộ và 16 dự án nhà máy điện tốn kém khoảng 10 tỷ USD, chí phí ngay lập tức để thực hiện các dự án tái thiết là 11,6 tỷ USD|.

Trước đó, một nghiên cứu do các nhà kinh tế học người Anh tiến hành hồi tháng 5 vừa qua đã ước tính rằng, chi phí tái thiết Triều Tiên để đưa nền kinh tế nước này sánh với Hàn Quốc trong trường hợp thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ lên tới ít nhất 2 ngàn tỉ USD. Hàn Quốc sẽ là nước chịu trách nhiệm khá lớn trong số tiền này.

Mọi người đi qua một quảng trường công cộng bên ngoài ga đường sắt trung tâm ở Bình Nhưỡng vào ngày 12/6.

Hai nhà nghiên cứu Stephen Jen và Joana Freire của công ty Eurizon SLJ Capital Ltd đã so sánh chi phí thống nhất nước Đức với những khác biệt về quy mô nền kinh tế và dân số của hai miền Triều Tiên. Họ phát hiện ra rằng, thống nhất nước Đức tốn kém của Tây Đức 1,4 ngàn ti USD thời điểm đó, tương đương khoảng 2 ngàn tỉ USD ngày nay. Và theo họ, một nguồn vốn tương tự, 2 ngàn tỉ USD, cũng cần phải đổ vào Triều Tiên nếu như hai miền thống nhất. 

Nhiều nghiên cứu khác cũng đưa ra những con số rất khác nhau. Năm 2016, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, chi phí cho thống nhất Triều Tiên sẽ tốn ít nhất 1 ngàn tỉ USD. Tờ báo dẫn ước tính của tờ The Economist rằng, gần 75% tổng GDP của Hàn Quốc sẽ cần cho tái thiết Triều Tiên khi thống nhất bán đảo. Còn tờ The Christian Science Monitor thì còn đưa ra con số lớn hơn nhiều cho chi phí thống nhất Triều Tiên là 5 ngàn tỉ USD. 

Nghiên cứu của Tờ The Economist lưu ý rằng, Triều Tiên rất giàu đất hiếm, nguồn khoáng sản mà các công ty công nghệ cần cho các sản phẩm kỹ thuật số. Ước tính, giá trị các khoáng sản căn bản của Triều Tiên như than đá, đồng…, có giá trị từ 6-10 ngàn tỉ USD, chưa tính đến các kim loại đất hiếm.

Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố trước khi nói lời tạm biệt với lãnh đạo Kim Jong Un sau cuộc họp tại khách sạn Capella, Singapore sau bữa trưa làm việc vào ngày 12/6/2018.  Ảnh: Reuters

Hàn Quốc hưởng lợi

Hiện tại, Hàn Quốc đang nóng lòng tạo ra các liên kết hòa bình với hàng xóm phía bắc - và Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang hồi đầu năm là một bước tiến tới các mối quan hệ tốt hơn - mặc dù con đường dẫn đến bất kỳ kiểu thống nhất nào vẫn còn chưa rõ ràng và đầy trở ngại.

Ở cấp độ toàn cầu, các mối quan hệ cũng có thể được cải thiện. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều gần đây báo hiệu rằng Bình Nhưỡng có thể tái hòa nhập vào cộng đồng toàn cầu - nếu họ thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa.

Các nhà phân tích của Citi Group cho biết họ đã thu thập nghiên cứu về các hội nghị gần đây, từ đó cho thấy "bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Triều Tiên với phần còn lại của thế giới có thể khả thi". Điều này sẽ cho phép Bình Nhưỡng tiếp cận nhiều hơn với vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc tái thiết Triều Tiên chắc chắn sẽ liên quan chặt chẽ đến các nước láng giềng trong đó có Hàn Quốc. Trong ngắn hạn công cuộc tái thiết Triều Tiên sẽ là cơ hội làm ăn cho các công ty Hàn Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng. Về trung hạn, các lĩnh vực khác của nền kinh tế Hàn Quốc như thăm dò khai thác mỏ cũng có lợi khi tham gia các hoạt động ở miền bắc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi dạo cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên bờ biển Đại Liên. Ảnh: SCMP

Mỹ - Trung ủng hộ 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố trước khi diễn ra hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều rằng Washington có thể cung cấp trợ giúp tái thiết nền kinh tế Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. "Nếu Triều Tiên tiến hành những bước đi táo bạo nhằm nhanh chóng phi hạt nhân hóa, nước Mỹ đã chuẩn bị để phối hợp với Triều Tiên nhằm đạt được sự thịnh vượng giống như những người bạn Hàn Quốc của chúng ta", ông Pompeo phát biểu.

Trung Quốc cũng đã tuyên bố ủng hộ nỗ lực tái thiết kinh tế của Triều Tiên và cho biết sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò chủ động tìm kiếm một giải pháp chính trị cho bán đảo Triều Tiên.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hai miền Triều Tiên đẩy mạnh đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh
Hai miền Triều Tiên đẩy mạnh đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh

Các cơ sở ở Triều Tiên, nơi tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cần được tu sửa nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN