Thực hư sức mạnh không quân Triều Tiên

Nói đến số lượng, Triều Tiên có thể sở hữu nhiều máy bay chiến đấu hơn Hàn Quốc và Mỹ song trên thực tế, các máy bay này đều đã cũ và không thể hoạt động được trong môi trường chiến tranh điện tử.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi kiểm tra chiến đấu cơ nước này. Ảnh: KCNA

Tờ Business Insider dẫn báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết lực lượng không quân Triều Tiên gồm 110.000 sĩ quan và binh sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc khoảng 1.650 máy bay. Số lượng khủng máy bay đó bao gồm 820 máy bay chiến đấu, 30 máy bay trinh thám và 330 máy bay vận tải.

IISS đánh giá: “Nếu xảy ra chiến tranh, lực lượng này có khả năng triển khai một cuộc tấn công ném bom chiến thuật và chiến lược trong ngắn hạn cũng như thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ”.

Bên cạnh đó, bởi vì máy bay có thể được điều động trải dài đất nước, nên Triều Tiên có khả năng “thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào vào các cở sở chỉ huy và kiểm soát, cơ sở phòng không và công nghiệp mà không cần tái sắp xếp hoặc di dời vị trí các máy bay”.

Theo IISS, chiến đấu cơ hiện đại nhất mà Triều Tiên đang sở hữu là MiG-29 của Nga với số lượng vài chục chiếc, 46 chiến đấu cơ MiG-23 và khoảng 30 máy bay tấn công mặt đất Su-25.

“Các máy bay còn lại đã lỗi thời và có ít khả năng chiến đấu như chiến đấu cơ MiG-15s, MiG-17/J-5s, MiG-19/J-6s, MiG-21/J-7, máy bay ném bom Il-28/H-5”, báo cáo của IISS đề cập.

Theo bài viết, tất cả máy bay của Triều Tiên đều sản xuất từ những năm 1980 và khó có thể phá huy hiệu quả trong môi trường tác chiến điện tử như hiện nay. Trong khi đó, đây là điều mà quân đội Mỹ chắc chắn sẽ ứng dụng, khi gần như tất cả máy bay chiến đấu nước này đều được trang bị năng lực gây nhiễu và các tàu sân bay thì có thể chứa máy bay tác chiến điện tử đặc biệt.

Không chỉ vậy, quân đội Mỹ và Hàn Quốc còn có khả năng theo dõi máy bay Triều Tiên qua hệ thống hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái do thám có khả năng tấn công bất ngờ.

Một mối lo ngại khác cho lực lượng không quân Triều Tiên bên cạnh tuổi đời của máy bay là sự thiếu hụt phi công. Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc trong vấn đề cung cấp nhiên liệu máy bay, và loại hàng hóa này cũng đang bị liệt vào danh sách trừng phạt. Điều này đã làm hạn chế nguồn nhiên liệu quý hiếm dành cho máy bay chiến đấu của Triều Tiên, từ đó dẫn tới phi công có ít thời gian bay cũng như điều kiện luyện tập trong môi trường chiến tranh thực.

Với tất cả những lý do trên, Triều Tiên phải tích cực gia cố, xây dựng các cơ sở trên mặt đất có khả năng chống bom để bảo vệ các máy bay và sử dụng tên lửa đất đối không để ngăn chặn bất kỳ loại vũ khí tấn công nào từ kẻ địch trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Triều Tiên liên tục đề nghị Mỹ xây dựng lòng tin
Triều Tiên liên tục đề nghị Mỹ xây dựng lòng tin

Theo hãng thông tấn Yonhap, truyền thông Triều Tiên đã liên tục đề nghị Mỹ nỗ lực xây dựng sự tin cậy lẫn nhau, cũng như nhắc lại sự cần thiết của việc thực thi tuyên bố chung giữa hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 ở Singapore và thiết lập mối quan hệ song phương mới thông qua "xây dựng lòng tin".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN