Ngày 19/9, trong bài phát biểu dài 41 phút trước đông đảo đại biểu dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này không ngừng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, cũng như liệt Iran vào trong “một nhóm nhỏ các chế độ lừa đảo”.
“Nếu (Mỹ) buộc phải bảo vệ bản thân hay các đồng minh, chúng tôi không còn cách nào khác là hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”, ông Trump nói. Bên cạnh đó, ông đã gọi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 là “một trong những giao dịch một chiều nhất và tồi tệ nhất mà Mỹ từng tham gia”.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Đại hội đồng. Ảnh: BBC |
Hãng Reuters (Anh) đưa tin, ngay sau câu nói trên, một đại biểu có mặt trong hội trường đã giơ hai bàn tay lên che mặt tỏ thái độ bàng hoàng, trong khi toàn khán phòng bắt đầu xì xào bàn tán.
Ngay lập tức, giới lãnh đạo các nước đã lên tiếng phản đối phát biểu trên.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã lên tiếng chỉ trích gay gắt Tổng thống Trump. Đây là phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng đối với lời đe dọa của ông Trump. Ngoại trưởng Ri đã đến New York và dự kiến sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 22/9 và gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vào ngày 23/9.
Trước đó, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Ja Song-nam thậm chí còn rời phòng họp ngay trước khi ông Trump phát biểu để tỏ thái độ phản đối.
Ngày 20/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng tuyên bố đe dọa Bình Nhưỡng của Tổng thống Trump đưa ra tại ĐHĐ LHQ là một hành động sai lầm. Bà Merkel cho rằng các biện pháp trừng phạt và giải pháp ngoại giao là cách duy nhất để đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên lên bàn đàm phán. Nữ thủ tướng khẳng định rằng bà phản đối những hình thức đe dọa như vậy.
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, người được trông thấy khoanh chéo tay sau câu nói của ông Trump, đã phát biểu với BBC rằng: “Đó là một bài phát biểu sai lầm, tại một thời điểm sai lầm, trước khán giả sai lầm”.
Phái đoàn Iran lặng thinh nghe ông Trump phát biểu. Ảnh: BBC |
Tờ Washington Post (WP) cho rằng Tổng thống Trump đã không khôn ngoan khi cất lời dọa xóa sổ một quốc gia nhỏ bé gấp nhiều lần ngay tại một diễn đàn đề cao ngoại giao. WP đã ví những lời lẽ đe dọa của ông tựa như một nam sinh ngỗ ngược đe dọa bạn học của mình.
Khi ông Trump tấn công chính phủ Iran bằng những lời lẽ nặng nề, các máy quay phim đã ghi lại được cảnh một thành viên trong phái đoàn Iran lặng lẽ bấm điện thoại rồi chỉnh gọng kính.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Iran đã thẳng thắn nhận xét: “Bài phát biểu hận thù của ông Trump thuộc về thời đại trung cổ”. Các nhà bình luận trên kênh truyền hình IRINN của Iran đã cáo buộc ông Trump “phá hoại quy tắc ngoại giao” trong một bài phát biểu “đầy trái ngược”.
Kênh truyền hình Iran cũng đưa tin về mô tả của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro rằng ông Trump như một “Hitler mới”.
Phát biểu tại ĐHĐ LHQ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông cho rằng: “Chối bỏ thỏa thuận này sẽ là một sai lầm chết người”.
Trong khi đó, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã bày tỏ sự thất vọng về phát biểu của người đồng cấp Mỹ. Ông Bellen nói các nước châu Âu đều cho rằng Iran từ ngày đó đã tuân thủ cam kết và khi ông Trump chỉ trích điều này thì ông không nêu được cụ thể điểm nào mà Iran vi phạm.
Giới phân tích nhận định với những lời đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang làm lợi cho Bình Nhưỡng, bằng cách đưa ra sự biện minh cho chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này. Lời cảnh báo này không những không thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ động cơ phát triển các vũ khí hạt nhân, mà lại có thể tạo ra tác dụng ngược.
Trong khi đề cao vai trò của Mỹ trên hết, những tuyên bố của ông Trump dành cho Bình Nhưỡng và Tehran lại quá gay gắt và giống như một lời kích động chiến tranh chứ không phải một giải pháp chung mà ĐHĐ LHQ luôn hướng tới.